Trong EVFTA, lĩnh vực nông nghiệp được xem là ngành hàng hưởng nhiều lợi thế nhất trong xuất khẩu và hầu hết các nhóm thuế đều đưa về 0% trong một lộ trình ngắn nhất.

Ngành nông sản có tận dụng được lợi ích từ EVFTA?

tuyetnhung | 22/08/2019, 19:56

Trong EVFTA, lĩnh vực nông nghiệp được xem là ngành hàng hưởng nhiều lợi thế nhất trong xuất khẩu và hầu hết các nhóm thuế đều đưa về 0% trong một lộ trình ngắn nhất.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu – Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý” ngày 21.8.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỉ USD và tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 tỉ USD trong năm 2018.

Mặc dù năm 2018, Việt Nam có những thành tựu vượt bậc về xuất khẩu nông sản, nhưng tính trong 7 tháng đầu năm 2019, khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ thì kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản giảm tới 8,2%.

"Có thể thấy xuất khẩu nông sản đã và đang gặp không ít rào cản, khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực, thậm chí ngay tại những quốc gia có truyền thống ủng hộ tự do hóa thương mại. Vì vậy, việc EVFTA sớm được đưa vào thực thi sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, đó là mở ra một thị trường xuất khẩu lớn với rất nhiều ưuđãi về thuế quan", Bộ trưởng cho hay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết chưa bao giờ có FTA nào chưa được phê chuẩn mà đã nhận được sự quan tâm, quyết liệt triển khai như EVFTA. Trước đây, theo ông, các Hiệp định khác cứ ký xong là xong, tự chuyển đổi, nhưng nay đã khác nên cần sự chuẩn bị kỹ càng. Đặc biệt, với EVFTA, lĩnh vực nông nghiệp được hưởng nhiều lợi thế trong xuất khẩu và hầu hết các nhóm thuế đều đưa về 0% trong một lộ trình ngắn nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Để khai thác hiệu quả những lợi thế từ EVFTA, ngay từ đầu, Bộ NN&PTNT đã chủ động coi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Sản xuất liên kết chuỗi, chú ý từ công đoạn nguyên liệu, chế biến cho đến sản xuất thị trường. Tuy nhiên trong thời gian tới sẽ làm quyết liệt, cụ thể hơn cho từng ngành hàng, lĩnh vực thông qua sự phối hợp với các hiệp hội ngành hàng ở từng địa phương".

Nêu tổng quan về Hiệp định EVFTA, lợi ích chiến lược và các khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết: EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng các lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên, củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững.

Để nắm bắt tốt cơ hội, doanh nghiệp phải tuân thủ các thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), cũng như các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS), rồi vấn đề sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững...

Với hàng nông sản, theo ông Lương Hoàng Thái, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi cơ bản xóa bỏ thuế ngay. Riêng với hàng thủy sản, 50% dòng thuế xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực (hiện thuế suất phần lớn là 6-22%); 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3-7 năm…

Để doanh nghiệp hiểu rõ các cam kết trong EVFTA, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ này sẽ tăng cường phổ biến và hướng dẫn những quy định của EU; Xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.

Việc lo ngại của doanh nghiệp là có cơ sở, dựa vào kinh nghiệm của các FTA mà Việt Nam đã tham gia trước đây để rút ra. Cho nên ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp nên cẩn trọng và chuẩn bị chu đáo. Đảm bảo hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường phải tuân thủ đáp ứng chuẩn về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.

EVFTA sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn. Cụ thể: ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
43 giây trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành nông sản có tận dụng được lợi ích từ EVFTA?