Vào một ngày tháng 9 đẹp trời trên bến cảng ở Copenhagen, hàng trăm người đã tụ tập để chào đón sự xuất hiện chính thức của Laura Maersk.

Ngành vận tải biển tìm cách chặn đà biến đổi khí hậu

Anh Tú | 31/10/2023, 08:00

Vào một ngày tháng 9 đẹp trời trên bến cảng ở Copenhagen, hàng trăm người đã tụ tập để chào đón sự xuất hiện chính thức của Laura Maersk.

tau.jpg
Tàu container thải ra môi trường nhiều khí carbon

Laura không phải là một ca sĩ bốc lửa hay nghệ sĩ nổi tiếng đến thăm Đan Mạch mà nó là con tàu container khổng lồ, cao hàng chục mét. Quan trọng hơn, nó là bằng chứng sống động nhất cho nỗ lực của ngành vận tải biển thế giới nhằm giảm thiểu tác động của ngành này đối với sự nóng lên của hành tinh.

Con tàu thuộc sở hữu của hãng vận tải khổng lồ Maersk (Đan Mạch), được thiết kế với động cơ đặc biệt có thể đốt cháy 2 loại nhiên liệu: thứ nhất là loại dầu đen truyền thống đã cung cấp năng lượng cho tàu trong hơn một thế kỷ qua, và thứ hai là nhiên liệu xanh hơn làm từ metanol. Bằng cách chuyển sang sử dụng metanol xanh, con tàu này sẽ thải ra ít hơn 100 tấn khí nhà kính mỗi ngày, tương đương với lượng khí thải của 8.000 chiếc ô tô.

Khó có thể xem nhẹ tác động của vận tải biển toàn cầu đối với biến đổi khí hậu. Vận chuyển hàng hóa đường biển chịu trách nhiệm cho gần 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu - tạo ra lượng carbon gần bằng con số của ngành hàng không.

Việc tìm ra cách hạn chế lượng khí thải đó thật khó khăn. Một số tàu thậm chí đang chuyển về phương thức cổ xưa: khai thác gió để di chuyển. Nhưng các con tàu vẫn cần một nguồn năng lượng ổn định hơn, đủ mạnh để đẩy chúng thực hiện hải trình có thể dài đến nửa vòng Trái đất.

Không giống như ô tô hay các phương tiện trên bộ, tàu không thể thường xuyên cắm điện đủ công suất để sử dụng năng lượng từ pin hay lưới điện. Chúng cần nhiên liệu sạch có thể di chuyển được theo tàu.

Laura Maersk là tàu đầu tiên sử dụng động cơ metanol xanh và thể hiện một bước quan trọng trong nỗ lực của ngành nhằm giải quyết vấn đề đã góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Con tàu cũng là một minh họa sống động cho thấy ngành vận tải toàn cầu phải nỗ lực đến đâu trong sứ mệnh bảo vệ môi trường.

Hiện thế giới có khoảng 125 tàu dùng nhiên liệu metanol đang được đặt hàng tại các nhà máy đóng tàu của Maersk và các công ty khác. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số hơn 50.000 tàu chở hàng chạy qua các đại dương mỗi ngày, vận chuyển 90% hàng hóa được giao dịch trên thế giới.

Nếu ai đó nói nên dẹp tàu biển để vận chuyển đường bộ cho sạch thì người đó không hiểu hết vấn đề. Vận chuyển đường biển vẫn hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên: Vận chuyển hàng hóa bằng tàu container nửa vòng Trái đất tạo ra ít khí nhà kính hơn nhiều so với việc vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ nước Mỹ.

Điều đó đúng một phần vì quy mô của các tàu chở hàng hiện đại. Những tàu container lớn nhất hiện nay có kích thước lớn hơn cả tàu sân bay. Mỗi chiếc có thể chở hơn 20.000 thùng, có thể kéo dài 100 cây số nếu xếp thành một hàng.

Hiệu quả đáng kinh ngạc đó đã giảm chi phí vận chuyển và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại, cho phép các nhà bán lẻ như Amazon, Walmart, Ikea, Home Depot... đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm với mức chi phí thấp hơn trước đây.

Tuy nhiên, việc vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa dễ dàng đó đã phải trả giá bằng một hành tinh ấm hơn và bẩn hơn. Theo bà Teresa Bui (giám đốc chính sách khí hậu tại Pacific Environment - một tổ chức môi trường), ngoài việc ảnh hưởng đến bầu khí quyển, các tàu đốt nhiên liệu hóa thạch còn thải ra các chất ô nhiễm làm giảm tuổi thọ của phần lớn người sống gần các cảng trên thế giới.

Bà Teresa cho biết tình trạng ô nhiễm đó đặc biệt tồi tệ trong đại dịch COVID-19, khi tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng khiến tàu bè chen chúc bên ngoài cảng Los Angeles, gây ra tình trạng ô nhiễm tương đương với gần 100.000 giàn khoan lớn hoạt động mỗi ngày.

Một số công ty vận tải biển đã cố gắng cắt giảm lượng khí thải trong những năm gần đây và tuân thủ các tiêu chuẩn ô nhiễm toàn cầu mới bằng cách dùng nhiên liệu là khí tự nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, các nhóm môi trường và một số giám đốc điều hành vận tải biển cho rằng việc sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng tuy có sạch hơn nhưng vẫn góp phần gây ra biến đổi khí hậu và là một bước đi sai hướng.

Maersk và các công ty vận tải biển khác hiện coi dùng nhiên liệu xanh hơn như metanol, amoniac và hydro là giải pháp hứa hẹn nhất cho ngành. Maersk đang cố gắng cắt giảm lượng khí thải carbon xuống bằng 0 vào năm 2040 và đang cùng với các nhà đầu tư khác rót hàng tỉ USD vào nhiên liệu sạch hơn. Nhưng việc chuyển đổi - thậm chí sang metanol, loại nhiên liệu có khả năng thương mại hóa cao nhất hiện nay - không phải là điều dễ dàng.

Việc chuyển sang dùng metanol đòi hỏi phải đóng những con tàu mới hoặc trang bị động cơ và hệ thống lưu trữ nhiên liệu khác cho các con tàu cũ. Ngoài ra, các cảng trên khắp thế giới phải lắp đặt cơ sở hạ tầng mới để nạp nhiên liệu cho tàu khi cập bến.

Thị trường metanol xanh cũng đang ở giai đoạn sơ khai và không có gì đảm bảo rằng nhiên liệu mới sẽ được sản xuất với số lượng đủ, hoặc với mức giá phù hợp, để cung cấp năng lượng ổn định cho đội tàu chở hàng khổng lồ hoạt động trên toàn thế giới.

Có lẽ điều quan trọng nhất là cần phát triển toàn bộ ngành công nghiệp để sản xuất metanol xanh, vốn đang có nhu cầu cao từ các hãng hàng không và các nhà máy theo đuổi năng lượng xanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quy định siết việc phân lô bán nền: Hiểu sao cho đúng?
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng quy định hạn chế phân lô bán nền chỉ áp dụng đối với dự án bất động sản, không áp dụng với đất cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tách thửa với mục đích cho/tặng, thừa kế, chuyển nhượng cho người khác.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành vận tải biển tìm cách chặn đà biến đổi khí hậu