Lẽ nào những lương y, vốn thường được ví như “mẹ hiền", trong xã hội ta hôm nay lại phải tính đường đi học võ để tự bảo vệ chính mình? Không lẽ đôi bàn tay cầm dao phẫu thuật của bác sĩ, vốn cần đến sự nhẹ nhàng, nay bỗng chốc phải luyện võ để cho đôi bàn tay kia trở nên rắn chắc, gân guốc để tự bảo vệ mình?

Ngành y tế đang cô đơn trước sự lộng hành của cái ác

27/04/2018, 13:12

Lẽ nào những lương y, vốn thường được ví như “mẹ hiền", trong xã hội ta hôm nay lại phải tính đường đi học võ để tự bảo vệ chính mình? Không lẽ đôi bàn tay cầm dao phẫu thuật của bác sĩ, vốn cần đến sự nhẹ nhàng, nay bỗng chốc phải luyện võ để cho đôi bàn tay kia trở nên rắn chắc, gân guốc để tự bảo vệ mình?

Nói rằng lương ngành y thấp so với công sức và thời gian học hành dài hơn ngành khác; thi vào trường y khó vì đòi hỏi điểm cao vời vợi... kể cũng có lý. Song, trong bối cảnh chung hiện nay thì e cũng là chuyện “bình thường” như biết bao ngành khác trong một xã hội mà đồng lương còn quá nhiều bất hợp lý. Thế nhưng, trong những tháng gần đây, điều đáng nói là hiện tượng người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ lại nhiều đến khủng khiếp, không thể nhớ hết. Từ trong Nam, ngoài Bắc đâu đâu cũng có. Đây là điều quá nhức nhối trong xã hội hôm nay, khi đạo đức con người đang cần được báo động!

Lẽ nào những lương y, vốn thường được ví như “mẹ hiền", trong xã hội ta hôm nay lại phải tính đường đi học võ để tự bảo vệ chính mình? Không lẽ đôi bàn tay cầm dao phẫu thuật của bác sĩ, vốn cần đến sự nhẹ nhàng, nay bỗng chốc phải luyện võ để làm sao cho đôi bàn tay kia trở nên rắn chắc, gân guốc để tự bảo vệ mình thì vô lý đến không tài nào hiểu được!

Giải pháp thày thuốc các bệnh viện luyện võ tự vệ xem ra đã gián tiếp chứng tỏ họ đang bị cô đơn và pháp luật không đủ sức bảo vệ họ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng phải thốt lên cay đắng rằng: “Tôi tha thiết mong dư luận, truyền thông và cơ quan chức năng ngăn chặn, giảm bớt và xử lý nghiêm chuyện người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ. Ví dụ như vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (tháng 4.2017), chúng tôi đã xuống tận nơi đề nghị pháp luật xử lý nghiêm và phạt tù, bắt giam đối tượng hành hung. Nếu để tình trạng này xảy ra thì an toàn tính mạng của các bác sĩ bị đe dọa trong lúc khám chữa bệnh. Xa xôi hơn nữa, bệnh nhân mới là người thiệt thòi. Đến thời điểm này tôi thấy ngành Y tế gần như đơn độc”...

Còn gì cay đắng hơn khi nghe mấy lời giãi bày đắng lòng của vị bác sĩ trẻ, nạn nhân của thói vô đạo và phi nhân tính xảy ra ở Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Anh tâm sự trên VTV1 rằng: "Sau khi người nhà khác của bệnh nhi đủ bình tĩnh đến bệnh viện, đã tìm gặp tôi và xin lỗi. Tôi đã nói lại với họ, chúng tôi vẫn sẽ khâu cho cháu bé dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa. Tôi muốn cho mọi người thấy, dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa thì họ vẫn phục vụ những người đánh họ”.

Không thể hình dung nổi việc có người đang được bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho chính mình, cho người thân của mình mà lại đi đánh người chăm sóc thì lương tâm nào cho phép? Người bị thiệt hại nhất trong các cuộc xô xát, đôi co và thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với thầy thuốc rốt cuộc lại chính là bệnh nhân. Những vụ tấn công đó thể hiện sự xuống cấp ghê gớm của đạo đức con người!

Mới đây, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Đức Thắng có chia sẻ tại cuộc họp của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội rằng bản thân ông thấy ngành y tế đang cô đơn trong hành trình bảo vệ an toàn cho nhân viên. "Tôi rất đau lòng khi các bác sĩ thay vì học khám chữa bệnh lại phải tính chuyện học võ. Tình trạng đạo đức xuống cấp này sẽ đẩy sự nghiệp y tế đến bờ vực. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, làm để đối phó thì rất gay go. Bây giờ phải làm nóng vấn đề này lên, rồi thì lãnh đạo Đảng, chính quyền phải cùng vào cuộc nghiêm túc chứ không chỉ riêng ngành y tế ”, ông Thắng nêu.

Thầy thuốc cũng như thầy cô giáo vốn là những người đáng trân trọng trong bất kỳ xã hội nào. Thế nhưng, thật đáng tiếc, cả hai lĩnh vực “cứu nhân độ thế ” và “chở đạo” hiện nay đều không được bình yên. Ví như trong ngành giáo dục, hiện tượng học trò tấn công, dùng dao đâm thầy, cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ 40 phút vẫn chưa chịu tha (để làm nhục là chính) v.v... đã diễn ra không phải là ít và với nhiều hình thức khác nữa. Nó gây nhức nhối trong xã hội vì tần suất ngày càng nhiều. Một khi nền tảng giáo dục bị đầu độc như vậy thì chỉ 5 - 10 năm sau sẽ còn nhiều hơn thế những hiện tượng hành hung thày thuốc ngay trong bệnh viện, hành hung thầy giáo ngay trên bục giảng. Chuyện tất nhiên thôi.

Tôi có đọc trên một tờ báo gần đây và được biết, sau gần 9 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) thống kê được gần 160.000 vụ bạo lực gia đình. Điều nhức nhối là mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày)...

Trong nhiều nghị quyết về văn hóa, xã hội của Đảng cũng như của Quốc hội, chúng ta từng đề cập rằng để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Điều này đúng quá! Tuy nhiên, nói và viết trong nghị quyết thì vậy nhưng tôi có cảm nhận chúng ta đang thiếu tính quyết liệt và thiếu cả sự đôn đáo cần thiết nhằm tẩy trừ tận gốc vấn đề nguy cấp nói trên. Nếu không làm mạnh, làm kiên quyết, tôi e rằng dù tất cả bác sĩ, cán bộ, nhân viên bệnh viện (hay là các thày cô giáo trong trường học) có đi học võ thì vẫn không thể chấm dứt những hành vi vô đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội hôm nay.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành y tế đang cô đơn trước sự lộng hành của cái ác