Ngày 31.5, Tòa án Quân sự Quân khu Thủ Đô sẽ xét xử 7 bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Hoàng Văn Đồng, lần lượt là cựu Tư lệnh và Chính ủy Cảnh sát biển; Doãn Bảo Quyết (thiếu tướng, cựu Phó chính ủy); Phạm Kim Hậu (thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng); Bùi Trung Dũng (thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh); Nguyễn Văn Hưng (đại tá, cựu Phó tư lệnh); Bùi Văn Hòe (thượng tá, cựu Phó phòng tài chính).
Tòa án triệu tập bị hại là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cùng nhiều nhân chứng đến tham gia tố tụng. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài nhiều ngày.
Theo cáo trạng, tháng 6.2020, thiếu tướng Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm 2 băng ghi âm thể hiện có tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số người là thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Đầu năm 2022, vụ án được khởi tố.
Từ đó, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc. Cụ thể, năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phân bổ 150 tỉ đồng ngân sách nhà nước cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị. Trung tướng Nguyễn Văn Sơn khi đó gặp, yêu cầu đại tá Hưng, Cục trưởng Kỹ thuật “phải rút ra 50 tỉ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng”.
Ông Hưng đáp lại rằng Cục Kỹ thuật chưa bao giờ làm việc này, muốn rút tiền cần có sự thống nhất trong thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Sau đó, vị tư lệnh tạo điều kiện cho Cục Kỹ thuật bằng cách chỉ đạo phân bổ thêm 29 tỉ đồng, khiến ngân sách cho đơn vị này tăng lên 179 tỉ đồng.
Cáo trạng cũng nêu rõ vào tháng 4.2019, tại phòng ăn của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Sơn cùng trung tướng Hoàng Văn Đồng và 3 thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng nói về việc “rút” 50 tỉ đồng ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ thuật. Tất cả đồng ý nên ông Sơn sau đó chỉ đạo Hưng thực hiện.
Ông Hưng lại yêu cầu 6 trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật phải rút đủ 50 tỉ đồng và cho rằng “phải xác định việc rút lại 50 tỉ đồng là nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành”.
Sau đó, mỗi trưởng phòng dưới quyền ông Hưng được giao chỉ tiêu phải “rút ruột” từ 50 triệu đồng đến 25 tỉ đồng để đủ mức 50 tỉ đồng ông Sơn yêu cầu. Những trưởng phòng này phân chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu, trong đó có 9 gói giá trị dưới 10 tỉ đồng để Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, họ “đặt vấn đề” với các nhà thầu để nâng giá, nhằm “hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi”. Sau đó, 24 hợp đồng được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển ký với 16 doanh nghiệp, giúp rút ruột ngân sách 50 tỉ đồng.
Với số tiền này, ông Sơn chia cho mình cùng 4 ông Đồng, Hậu, Quyết và Dũng, mỗi người 10 tỉ đồng. Sau khi bị phát hiện, họ đã nộp lại số tiền này.
Với 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật, cơ quan tố tụng xác định họ “có mối quan hệ lệ thuộc”, thực hiện mệnh lệnh cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỉ đồng sau đó bị chia cá nhân nên không xử lý hình sự.
Nhiều tình tiết giảm nhẹ
Viện Kiểm sát quân sự Trung ương đánh giá đây là vụ án “có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong khoảng thời gian từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020. Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cùng tham ô số tiền 50 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho quốc phòng”.
Theo VKS, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hành vi phạm tội là do các bị cáo chấp hành kỷ luật, pháp luật không nghiêm và lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình phân bổ, sử dụng ngân sách cấp cho đơn vị để chiếm đoạt tiền nhằm mục đích hưởng lợi các nhân. Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng còn nhiều thiếu sót là điệu kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm kỷ luật.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Văn Sơn bị xác định phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án với vai trò là người chủ mưu, khởi xướng.
Tuy nhiên, VKS cũng đánh giá các bị cáo trong vụ án này có nhiều thành tích trong quá trình công tác, được tặng thưởng Huân, Huy chương, nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua, gia đình có công, có thành tích trong kháng chiến nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được pháp luật quy định.
Về dân sự và khắc phục hậu quả, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, trong quá trình làm việc với Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các bị cáo đã nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình và tự nguyện nộp mỗi người 10 tỉ đồng, tổng cộng toàn bộ 50 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Như vậy, VKS ghi nhận việc các bị cáo đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, các bị cáo cũng được VKS ghi nhận việc “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.