Hôm nay 20.10, theo lịch kỷ niệm sự kiện thì là ngày Phụ nữ Việt Nam. Viết về phụ nữ, ca ngợi phụ nữ đã có vô vàn lời thơ nốt nhạc, dù nói bao nhiêu cũng không thể nói hết được những vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà nước Nam ta.
Hôm trước, bất chợt từtivi có giai điệu quen quen, tôi lắng nghe thì ra cô ca sĩ đang hát lại bài Đường cày đảm đang của nhạc sĩ An Chung. Nó như xoáy vào ký ức, gợi lên cả một chặng đường đầy gian lao vất vả.
Những năm 60, nông thôn miền Bắc vừa trải qua cuộc trường kỳ chống Pháp lại tiếp tục sôi động những đợt tuyển quân vào Nam chiến đấu chống Mỹ. Lúc đầu còn lẻ tẻ, tuyển chọn kỹ lưỡng nhưng càng về sau càng dồn dập, xóm thôn vắng hẳn bóng đàn ông, trai tráng. Gần như chỉ những anh con trai một (gia đình không có thêm con trai hoặc gái nào khác) thì mới được miễn hoặc hoãn, còn lại đàn ông cứ đủ tuổi 17 là lên đường. Không ít anh gầy ốm cũng hăng hái xung phong, trước khi cân giấu nhét thêm đá xanh vào túi quần túi áo cho nặng cân để đủ tiêu chuẩn (thực ra thì người cân đo biết thừa, cứ giả vờ không biết), có anh lấy máu viết đơn vào bộ đội. Không khí hừng hực lắm. Tập trung ở "quân khu" Yên Tử vài ba tháng, được huấn luyện dăm bài cơ bản là ba lô khăn gói khoác súng trực chỉ phương nam. Cũng có vài anh chịu không nổi gian khổ, “B quay” đào ngũ, về lại hậu phương trốn chui trốn nhủi đến khổ, làng nước nhìn như những kẻ tội đồ.
Khi đàn ông các anh ở nhà, việc đồng áng chính, nặng nhọc như cày bừa, đào đắp… do các anh làm; khi các anh đi, phụ nữ phải gánh nhận tất. Suốt hơn chục năm ròng rã người đàn bà đã làm chủ hậu phương để chồng con, người yêu yên tâm nơi chiến trường. Những khổ sở, vất vả mà các chị chịu đựng, không bút nảo tả xiết. Một vài tác phẩm văn nghệ đã mon men nói được đôi điều, ví dụ phim Mẹ chồng tôi (đạo diễn Khải Hưng), Bao giờ cho đến tháng mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Bến không chồng (nhà văn Dương Hướng), những truyện ngắn của Bảo Ninh… nhưng xin nói thẳng, văn nghệ xứ này chưa xứng với sự hy sinh cực kỳ lớn lao của đàn bà, nhất là đàn bà nông thôn miền Bắc trong chiến tranh, nếu không nói thẳng là quá tệ.
Làng tôi chẳng thoát ra khỏi guồng quay cuộc chiến. Hào hùng và khốc liệt bi thương lắm. Tôi vẫn nhớ từ năm 1965 về sau, mỗi năm mấy đợt tuyển quân, thanh niên đi vãn cả. Khổ thân các chị các mẹ, con trai lớn lên, hoặc có chồng, có người yêu mà chả được cậy nhờ gì. Bà Hiếm xóm dưới sinh mấy người con đầu hầu như toàn con trai, cứ đủ tuổi là đi B, hai anh Chuyện và Trò mãi mãi không về, để lại cho mẹdanh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà Gầu có mỗi anh Loa là con trai, bà Đang cũng thế, mỗianh Thèo, các anh đều hy sinh. Bà Tươm làm Trưởng công an xã, con giai nhớn là anh Duyên học với anh Uy tôi, anh Duyên và anh Uy đi đợt hè 69, anh Duyên không về. Chị Ga em gái anh Duyên lấy anh Cư con bác Phu nhà tôi, chưa đầy tuần trăng mật anh Cư ra trận, rồi chị Ga cũng thành góa bụa. Các anh Vo, Sửu, Lãng, Điệng, Luật, Kiên (anh Kiên học cùng với tôi), Mạnh (anh Mạnh còn có tên gọi anh Tí con, đẹp trai, con bà Đáy)… nhiều lắm, không thể kể hết được trai tráng làng Trà Phương nhỏ bé quê tôi đã gửi thân xác nơi chiến trường. Thương xótcác anh. Và khổ thân các chị, như chị Ga.
Hồi ấy tôi còn bé nhưng cũng phải làm đủ thứ việc đồng, theo các mẹ các chị ra đồng cày bừa, cấy hái, đập nương, dỡ khoai, chia thóc, nhổ mạ… nên càng khâm phục, thương thân phận người phụ nữ. Và thương nhất, các chị phần lớn trẻ trung, đầy sức sống, vò võ xa chồng xa người yêu, tuổi xuân cứ trôi đi trôi đi không trở lại.
Tôi nhớ lại bài hát này để nhớ một thời vất vả gian lao trên đồng quê miền Bắc. Rất ít người viết được như nhạc sĩ An Chung. Có cảm giác ông viết về chính quê tôi vậy. Thật tiếc, ngay cả Wikipedia, Google cũng không có dòng nào về nhạc sĩ An Chung. Chả sao, ông đã sống mãi trong tâm hồn thế hệ chúng tôi và sau này. Những hình ảnh “trời vừa tinh mơ, dọc bờ rộn tiếng trâu đi…” đã hằn in vào ký ức, chỉ nhớ đã thấy rưng rưng. Tôi trộm nghĩ nếu các chị, nay hầu hết U.60, 70, thậm chí 80, và các anh, những người sống sót trở về, nghe bài hát này chắc xúc động rơi nước mắt.
Khi tôi phàn nàn chuyện không mấy ai nhớ đến nhạc sĩ An Chung, ông bạn tôi, nhà báo Xuân Ba bảo có thể Google hoặc gu gố gì gì không nhớ không lưu về nhạc sĩ nhưng có nhiều người vẫn nhớ đến An Chung.
Xuân Ba kể: “Cơ quan tôi (báo Tiền Phong) có bà Lan làm nghề đả tự viên (dactylographique) tuyệt vời. Bà người manh mảnh. Dáng đẹp. Chắc hồi con gái khối anh chết? Bà có thể nhắm mắt gõ phăm phăm tiếng Việt - Pháp - Anh. Chữ tôi vốn tháu nhiều người đọc không nổi nhưng bà Lan, có thể do ưu ái, có thể nhanh nhậy giải mã được hết.
Thằng cu nhà tôi (bây giờ đã là thằng nhà báo tuổi 40) hồi ấy bố nó đón từ nhà trẻ về cứ đứng ở ngoài nhìn vào cái buồng con con có cửa sổ bằng chấn song sắt nơi bà Lan đương đánh máy hét tướng lên bà ơi làm sao mà bà lại bị giam trong này.
Đứng ngoài phía cửa song sắt ấy, nhiều buổi chiều muộn là một người đàn ông gầy gò, mùa hè mà áo sơ mi ông lúc nào cùng cài kín cổ lẫn khuy tay. Tóc bồng bềnh rậm. Ai đi qua ông cũng có cái gật đầu chào lịch sự kín đáo. Thằng cu nhà tôi thường được ông áp tải dong ra cửa cho chơi đỡ huyên náo này khác. Ông đi đón vợ. Vợ ông bà Nguyễn Thị Lan đương mải mốt cho vợi bớt chồng bản thảo của cánh phóng viên báo Tiền Phong.
Người đàn ông dong dỏng có mái tóc bồng bềnh ấy là nhạc sĩ An Chung. Đâu như giữa những năm tám mươi, hồi bao cấp khốn khó, ông mất vì bệnh ung thư”.
Nữ nghệ sĩ nhân dân Thanh Huyền, theo tôi, là người hát thành công nhất bài hát này. Đệm đàn piano là nghệ sĩ nổi tiếng Hoàng Mãnh cũng lừng danh một thời.
Nguyễn Thông