“Ly rượu mừng” là ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với âm điệu rộn ràng vui tươi, truyền tải lời chúc tốt đẹp trong dịp tết đến xuân về.

Ngày xuân hát ‘Ly rượu mừng’ nhớ nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Tiểu Vũ | 04/02/2022, 09:00

“Ly rượu mừng” là ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với âm điệu rộn ràng vui tươi, truyền tải lời chúc tốt đẹp trong dịp tết đến xuân về.

Ly rượu mừng là bản nhạc xuân kinh điển, của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tính đến năm 2022 Ly rượu mừng đã tròn 70 làm say mê người yêu âm nhạc bởi giai điệu rộn ràng, tươi vui như một thông điệp, một lời chúc tết tốt đẹp nhất theo truyền thống của người Việt gửi tới mọi thành phần trong xã hội.

Ly rượu mừng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết vào khoảng năm 1952, bài hát được ban hợp ca Thăng Long, gồm bốn anh chị em Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái) và Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) thể hiện, ở Sài Gòn vào những năm đầu thập niên 1950.

273369340_5155887477762762_525370087030843472_n-1-.jpg
Bài hát Ly rượu mừng được tái bản năm 1966 - Ảnh: Sách xưa

Sau đó Ly rượu mừng được phổ biến rộng rãi ở miền Nam gần một phần tư thế kỷ. Đến năm 1975 thì bài hát không được cấp phép nữa bởi vì một số ca từ được cho là không phù hợp. Sau 40 năm bị cấm, đầu năm 2016 Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) cấp phép cho Công ty Phương Nam Phim được phổ biến trên toàn quốc. Từ đó đến nay bài hát đã được nhiều ca sĩ chọn đưa vào các album nhạc xuân để phục vụ người yêu âm nhạc mỗi dịp tết đến xuân về.

Có thể nói Ly rượu mừng là một trong những bản nhạc chúc xuân hay nhất của tân nhạc Việt Nam. Nhiều người cho rằng nếu có một cuộc bình chọn bản nhạc Việt đặc trưng nhất để đón giao thừa mừng năm mới thì Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sẽ là lựa chọn số 1.

Trên thực tế, trước khi được chính thức cấp phép phát hành trở lại thì Ly rượu mừng đã là bản nhạc xuân được công chúng chọn nghe trong dịp năm mới. Hơn 40 năm bị cấm ấy, Ly rượu mừng vẫn được “nghe lậu” trên phương tiện nghe nhạc trực tuyến với số lượng đến vài trăm triệu lượt. Cứ mỗi dịp tết, chúng ta có thể nghe ca khúc này vang lên ở bất cứ nơi đâu. Ly rượu mừng cứ thế vang lên trong quán cà phê bên đường, trong căn nhà ấm áp, từ chiếc máy nghe nhạc cũ kỹ của người nông dân, từ chiếc loa trên những chuyến xe về quê ăn tết… Điều đó đã chứng minh sức sống mãnh liệt của ca khúc này.

ns-pham-dinh-chuong-1-1576645356082.jpg
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991) - Ảnh: Tư liệu

Người ta yêu thích Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương bởi những giai điệu rộn ràng, tươi vui mang nhiều thông điệp ý nghĩa và tính nhân văn trong đó.

Phạm Đình Chương là tên thật của nhạc sĩ. Ông sinh năm 1929 trong một gia đình khá giả và nổi tiếng được xưng tụng là “hoàng gia - royal family” của nền tân nhạc Việt Nam. Thân phụ ông là cụ Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của cụ sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ là một công chức, kiêm kịch sĩ nổi tiếng. Còn Phạm Đình Viêm có giọng tenor cao vút sau này chính là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng. Vợ thứ hai của cụ Phạm Đình Phụng có 3 người con, trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, bà sau này trở thành bạn đời của nhạc sĩ Phạm Duy. Người kế tiếp chính là nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức ca sĩ Hoài Bắc, em gái út của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là Phạm Thị Băng Thanh, nữ danh ca nổi tiếng với nghệ danh Thái Thanh.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc Ra đi khi trời vừa sáng. Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Sau đó Phạm Đình Chương cùng các anh chị em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng thành lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Trong thập niên 50, ông đã viết những tác phẩm nổi tiếng: Xuân tha hương, Thủa ban đầu, Tiếng dân chài, Hội trùng dương… và bản nhạc xuân kinh điển Ly rượu mừng.

Không có nhiều tài liệu nói về hoàn cảnh ra đời của bài hát Ly rượu mừng, nhưng người đời tương truyền rằng bài hát này được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác khi ông tròn 23 tuổi, cũng có giả thuyết nói Ly rượu mừng được sáng tác năm 1955, nhưng đa số cho rằng bài hát ra đời khoảng năm 1952-1953.

Nhưng cho dù ra đời trong hoàn cảnh nào thì Ly rượu mừng vẫn là ca khúc bất hủ về mùa xuân bởi những giá trị về nội dung ca từ cũng như về kỹ thuật sáng tác, lối chọn chủ đề và cách thể hiện trên nhịp điệu tiết tấu vô cùng linh hoạt trong cách soạn nhạc của Phạm Đình Chương.

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó...

Nghe từ đầu bài hát, ta đã cảm nhận như mùa xuân đến gõ cửa từng nhà mang theo câu chúc phúc trên nền điệu nhạc valse theo nhịp ¾ rộn ràng lúc trầm lúc bổng vui tươi rạo rực. Nhạc điệu và tiết tấu hơi nhanh của bài hát như một sự thúc giục nhưng ân cần đến với mọi đối tượng người nghe đã tạo nên một không khí tràn đầy nét xuân trong ca khúc.

Về phần ca từ, có thể nói Ly rượu mừng là sự chắt lọc độc đáo của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trong bài hát, ông không đi theo lối mòn sử dụng ca từ thường thấy của nhạc xuân Việt Nam với những hình ảnh quen thuộc như “hoa cúc, hoa mai, hoa đào, chim én, bánh chưng, áo mới…” nhưng bài hát của ông làm cho người nghe cảm nhận đầy đủ tất cả những hình ảnh, cung bậc đẹp nhất của mùa xuân. Không có tiếng pháo đì đùng, không có em thơ khoe áo mới, không có chim én lượn đầy trời, ca từ của Phạm Đình Chương là những lời chúc gửi đến nơi nơi với một tình cảm chân thành và rộng khắp.

Theo truyền thống của người Việt, trong ngày xuân ngày tết, lời chúc luôn được sử dụng để trao gửi nhau. Lời chúc thường mang theo những ước mơ, khát vọng về một năm mới. Bài hát Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã thể hiện đầy đủ nhất tinh thần đó.

Chiếu lại thời điểm ra đời của bài hát, có thể thấy Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương chính là khát vọng lớn lao của hàng triệu, triệu người Việt Nam trong thời đại của ông. Thời kỳ mà đất nước đang bị chia đôi, chiến tranh và đói nghèo lan rộng khắp mọi miền. Đó là khát khao có cuộc sống êm ấm hạnh phúc trong một đất nước thanh bình không có chiến tranh, không có sự chia lìa mất mát.

Trong Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương, lời chúc không bó hẹp cho một thành phần nhất định nào, không dành riêng cho một ai, mà dành cho tất cả những người Việt Nam. Ly rượu mừng chúc người nông phu cày cấy để “lúa thơm hơi", chúc “người thương gia lợi tức”, "người công nhân ấm no"... Ước mong sao người nghèo thoát nghèo, và đặc biệt Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng không quên gửi tình cảm của mình cho tình yêu đôi lứa, cho những đôi uyên ương, cho người nghệ sĩ.

images-motthegioi-vn-8443_chuong.jpg
Từ trái: Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), ca sĩ Thái Thanh, ca sĩ Hoài Trung trong ban nhạc Hợp ca Thăng Long nổi tiếng vào những năm 1950 - Ảnh tư liệu

Âm nhạc Việt Nam vẫn còn rất nhiều tác phẩm hay của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tuy nhiên do những suy nghĩ lạc hậu, những định kiến về thân thế của nhạc sĩ và cách hiểu sai về ý nghĩa thật sự của ca từ nên nhiều ca khúc đến nay vẫn chưa được phép phát hành để đến với công chúng một cách “danh chính ngôn thuận". Hy vọng trong thời gian không xa, công chúng yêu nhạc Việt sẽ có nhận được nhiều tin mừng như trường hợp Ly rượu mừng.

Nghe Ly rượu mừng do Ban hợp ca Thăng Long trình bày

 

Ly rượu mừng

Nhạc và lời: Phạm Đình Chương

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Há a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Muôn lòng xao xuyến duyên đời

Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương

Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời lính
Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Chúc mẹ hiền dứt u tình

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô lên đời mới

Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Cất cao ly lên (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Muôn người hạnh phúc chan hòa

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương

Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời lính
Á a a a (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Chúc mẹ hiền dứt u tình

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô lên đời mới

Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Cất cao ly lên (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình (lá là là lá la, là là lá la, là la lá la)
Muôn người hạnh phúc chan hòa

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới

Bài liên quan
Tiết lộ vì sao ca khúc ‘Ly rượu mừng’ của NS Phạm Đình Chương bị cấm hát 40 năm
Trong chương trình Giai điệu tự hào Xuân và tuổi trẻ cho biết chỉ vì chữ “đời lính” mà ca khúc Ly rượu mừng đã bị cấm hát 40 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Tinh gọn bộ máy là việc rất khó, nhưng khó mấy cũng phải làm
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Theo Thủ tướng, sắp xếp tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm, vì hiện bộ máy còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, dẫn tới nhiều công việc ách tắc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày xuân hát ‘Ly rượu mừng’ nhớ nhạc sĩ Phạm Đình Chương