Việc tính toán tăng học phí cho các cấp học là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến toàn dân.

Nghịch lý việc tăng học phí

Lưu Nhi Dũ | 16/11/2020, 11:05

Việc tính toán tăng học phí cho các cấp học là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến toàn dân.

Ngày 12.11, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) thông tin lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên chỉ ngay sau đó 1 ngày (13.11), Bộ GD-ĐT đã hoãn đề xuất này, tạm giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp. Lý do Bộ GD-ĐT đưa ra là do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nước ta vừa trải qua nhiều đợt lũ bão nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Theo Bộ GD-ĐT, dự thảo Nghị định mới này sẽ thay thế Nghị định 86 sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, để kịp thời áp dụng bắt đầu từ niên khóa 2021-2022 nhưng với các lý do nêu trên, Bộ GD-ĐT tạm thời vẫn áp dụng Nghị định 86.

Việc tạm hoãn tăng học phí được người dân hoan nghênh nhưng đã làm dư luận lo âu, cho rằng Bộ GD-ĐT  vẫn còn máy móc, cứ làm theo “lập trình” định sẵn, bất chấp những yếu tố khách quan tiêu cực đang tác động lớn vào đời sống nhân dân.

Điều dễ thấy nhất là Bộ GD-ĐT đã sai khi dựa vào các con số thống kê để làm cơ sở tăng học phí. Theo đó Bộ GD-ĐT căn cứ vào dự báo tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm, để làm cơ sở tăng học phí!

Đó là những căn cứ có tính máy móc. Trong khi năm 2020 đại dịch COVID-19 hoành hành ở nước ta, doanh nghiệp khó khăn chồng chất, người lao động mất việc làm. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay cả nước có khoảng 31,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, buộc Chính phủ phải ứng cứu gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng. GDP nước ta do tác động của dịch COVID-19 đã rơi vào suy thoái kỷ lục trong quý II với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,39%, 2,62% trong quý III/2020 và dự kiến chỉ đạt cao nhất 3% nếu có những điều kiện khách quan thuận lợi nhất. Còn năm 2021, dự báo cũng chỉ tăng 6% nếu dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được kiểm soát.

Đó là chưa kể cả hai năm 2020, 2021 lương cơ sở của cán bộ công chức, viên chức không tăng.

Người dân lo lắng là điều dễ hiểu. Thực tế học phí đóng cho nhà trường chỉ đảm bảo điều kiện học tối thiểu, đại đa số phụ huynh phải bỏ ra nhiều chi phí cho việc học thêm (thậm chí học sinh cấp 1 cũng phải học thêm), học tăng cường tiếng Anh… Theo số liệu do The Economist công bố, năm 2018, người dân Việt Nam chi trả cho giáo dục lên 9 tỉ USD mỗi năm, chi tiêu cho giáo dục chiếm gần phân nửa (47%) tổng chi tiêu của mỗi gia đình.

Ở góc cạnh khác, người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hằng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%,  tương đương 5% GDP hoặc cao hơn nhưng vẫn tăng học phí theo định kỳ, kể cả bậc mầm non, THCS (bậc phổ cập)? Mức đầu tư cho giáo dục ở nước ta rất cao so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều như Singapore (3,2%), Malaysia (5,1%), Thái Lan (3,8%), Hàn Quốc (5,2%), Hồng Kông (3,5%). Trong khi với mức đầu tưtương đương hoặc thấp hơn, nhiều nước miễn phí đến bậc PTTH, thậm chí học sinh còn được có bữa ăn sáng miễn phí như Chính phủ Malaysia đang áp dụng cho học sinh bậc tiểu học…

Chỉ một vấn đề này đã cho thấy Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT phải tính toán, xem lại việc đầu tư cho giáo dục đã đạt hiệu quả tối ưu chưa. Rõ ràng cơ cấu đầu tư cho GD-ĐT chưa hợp lý thể hiện ở cơ cấu chi cho các nhiệm vụ, giữa các bậc học, nội dung chi trong từng bậc học và ngành nghề trong từng bậc học chưa tương xứng. Giờ đây khi nhiều trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ, gánh nặng tài chính của Bộ GD-ĐT nhẹ đi.

Một câu hỏi nữa đặt ra, với mức đầu tư cao cho giáo dục, vậy tại sao bậc mầm non, (bậc tiểu học được miễn học phí), THCS vẫn phải đóng học phí khi mà Nhà nước chủ trương phổ cập cấp THCS? Theo nguyên tắc đã phổ cấp (cưỡng bách giáo dục) là phải miễn học phí.

Việc cưỡng bách giáo dục và miễn học phí đã được hiến định từ Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, quy định: "Nền sơ học cưỡng bách và không học phí…"; Hiến pháp những năm 1959, 1980 đều có quy định tương tự và cao hơn. Tuy vậy cho đến nay, chúng ta chỉ mới miễn phí cho học sinh cấp 1 và miễn phí giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới hiện nay đã cưỡng bách giáo dục đến hết bậc THPT hoặc ít nhất là đến cấp THCS, thậm chí nước nghèo như Campuchia cũng miễn phí đến hết bậc THCS, Nhật Bản cưỡng bách cấp 1 từ năm 1870…

Trong cuộc họp Chính phủ hồi tháng 6.2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ này đã đề nghị miễn học phí cho học sinh THCS từ năm 2020. Vậy mà cho đến cuối năm nay, chẳng những không miễn phí đương nhiên cho học sinh bậc THCS mà còn tăng học phí!

Giáo dục là loại dịch vụ đặc biệt. Đầu tư cho giáo dục, đào tạo được coi là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Việc tính toán học phí cho các cấp học là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến toàn dân. Do đó việc tăng, giảm, miễn học phí cần được tính toán kỹ lưỡng một cách hợp lý chớ không phải đến hẹn học phí lại tăng, bất chấp các điều kiện khách quan.Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần tính toán lại việc đầu tư cho giáo dục vì sao chưa hiệu quả, trong khi ngân sách chi cho giáo dục rất cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghịch lý việc tăng học phí