Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 diễn ra vào sáng 16.3.

Nghiên cứu chỉnh sửa nhiều vấn đề trong luật về khoa học công nghệ

VGP News | 16/03/2017, 17:37

Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 diễn ra vào sáng 16.3.

Theo báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội trong phiên họp thứ hai Quốc hội khóa 14, Ban soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học -Công nghệ -Môi trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu.
Dự thảo luật với 6 chương 59 điều đã bao quát các vấn đề đặt ra như: Phạm vi điều chỉnh của luật; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN); công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư; phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH-CN); hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động CGCN…

Để thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN, tạo lập môi trường cho hoạt động này, dự thảo Luật quy định Nhà nước khuyến khích, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động KH-CN và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và nguồn cầu công nghệ.

Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH-CN quốc gia.

Đồng thời, dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp khác để khuyến khích thúc đẩy CGCN và phát triển thị trường công nghệ được quy định tại các điều về chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; chính sách thuế thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư; công bố trình diễn, giới thiệu công nghệ, quyền của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ CGCN.

Dự thảo cũng đưa ra các quy định về hoạt động môi giới, tư vấn và xúc tiến CGCN; hoạt động đánh giá, định giá và giám định công nghệ; trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đối với hoạt động CGCN cho phù hợp với thực tế và văn phong pháp luật.

Về quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN, dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, Bộ KH-CN, các bộ có liên quan, chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động này và bố cục thành 1 chương (Chương V) quản lý nhà nước về CGCN.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biếtBan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, có các nhóm ý kiến lớn đã được tiếp thu giải trình gồm: Chính sách của Nhà nước về CGNC nói chung, chính sách của Nhà nước về CGCN với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng; các biện pháp khuyến khích CGCN, thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ và quản lý nhà nước trong hoạt động CGCN, cùng với một số nội dung khác.

Cụ thể, dự thảo Luật trước đó có 7 chương, 62 điều, nay đã xem xét thay thế 11 điều cũ bằng cách bổ sung 8 điều mới; điều chỉnh, ghép thêm 3 điều và rút đi 1 chương điều chỉnh lại kết cấu. Cho đến nay, có thể nói, dự thảo Luật bảo đảm bao quát được toàn bộ phạm vi điều chỉnh chính sách của Nhà nước trong hoạt động CGCN.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giádự thảo lần này và báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý đã tiếp thu hầu hết các ý kiến của các đại biểu quốc hội.

Trong phần đầu về chính sách của Nhà nước đã khái quát đầy đủ được các chủ trương của Nhà nước nhằm đẩy mạnh hoạt động CGCN. Cụ thể, việc hạn chế, ngăn chặn thiết bị lạc hậu vào Việt Nam được thể hiện rõ ở chương 2 với 6 điều đã được Bộ KH-CN tiếp thu đầy đủ các ý kiến. Nhiều cơ chế, chính sách, nhiều quy định mới tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động CGCN. Sau khi luật này ra đời, hoạt động CGCN sẽ tốt hơn, việc phát triển thị trường công nghệ sẽ đi nhanh hơn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, có một số xung đột giữa Luật CGCN với các luật đã và sắp được ban hành như: Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý tài sản công... vì thế, Bộ KH-CN cần có sự phối hợp, trao đổi giữa các bộ có liên quan để thống nhất và tìm biện pháp giải quyết.

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằngvề cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hộithống nhất với các hướng tiếp thu, giải trình và các nội dung đã được chỉnh sửa của dự án Luật CGCN (sửa đổi).

Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; đề nghị các ủy ban của Quốc hội như: Ủy ban Khoa học -Công nghệ -Môi trường, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Bộ KH-CN rà soát, sau đó chuyển cho các đoàn đại biểu quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật.

Theo VGP News
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiên cứu chỉnh sửa nhiều vấn đề trong luật về khoa học công nghệ