22,8% thí sinh chọn thi tốt nghiệp môn Vật lý, 29,5% thí sinh chọn Hóa học, trong khi môn Lịch sử chỉ có 4,3% thí sinh lựa chọn. Đó là kết quả khảo mới đây được thực hiện trên 337 học sinh lớp 12 tại 4 trường THPT của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngoài Toán và Văn, phần lớn học sinh chọn thi Lý, Hóa

Một Thế Giới | 20/02/2014, 06:54

22,8% thí sinh chọn thi tốt nghiệp môn Vật lý, 29,5% thí sinh chọn Hóa học, trong khi môn Lịch sử chỉ có 4,3% thí sinh lựa chọn. Đó là kết quả khảo mới đây được thực hiện trên 337 học sinh lớp 12 tại 4 trường THPT của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Lựa chọn khác nhau giữa các trường

Hiện nay, trong hai phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đưa ra để lấy ý kiến, phần đông ý kiến nghiêng về phương án 1, trong đó hai môn thi bắt buộc là Toán và Văn, và hai môn thi tự chọn trong số các môn quy định (có thể là Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Tiếng Anh).

Khảo sát nói trên cho thấy, như nhận định của nhiều người, thí sinh nghiêng về lựa chọn hai môn Lý và Hóa nhiều nhất (22,8% thí sinh chọn môn Lý, môn Hóa là 29,5%); môn Sử có tỷ lệ thí sinh lựa chọn thấp nhất, chỉ có 4,3%; kế đó là môn Sinh có 8,9% thí sinh lựa chọn.

Điều khá bất ngờ là môn Địa có tỷ lệ thí sinh lựa chọn khá cao chỉ sau Lý, Hóa với 20,8%, trong khi môn Tiếng anh chỉ đạt 13,6%.

Tuy nhiên, sự lựa chọn của thí sinh có sự khác nhau giữa nhóm học sinh các trường THPT được khảo sát. Kết quả khảo sát tại nhóm học sinh trường THPT Vũng Tàu (thuộc nhóm trường có chất lượng đầu vào cao) cho thấy, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Lý (38,3%) và Tiếng Anh (25%) cao nhất, kế đó là môn Hóa (23%), trong khi môn Sử không có thí sinh lựa chọn, còn môn Địa chỉ có 5% thí sinh lựa chọn.

Khảo sát này với trường THPT Đinh Tiên Hoàng trên cùng địa bàn (có chất lượng đầu vào thấp hơn) thì tỷ lệ thí sinh chọn thi môn Hóa khá thấp chỉ có 13,2%, trong khi môn Địa đạt tỷ lệ lựa chọn cao 27,6%; môn Tiếng Anh cũng chiếm tỷ lệ khá cao 30,3%. Không có thí sinh lựa chọn với môn Sử và Sinh.

Khảo sát với các trường vùng huyện, chẳng hạn như THPT Trần Quang Khải (huyện Long Điền), tỷ lệ thí sinh lựa chọn môn Tiếng Anh và Lý lại thấp hơn kết quả chung, cụ thể chỉ có 7,2% thí sinh chọn môn Tiếng Anh là môn tự chọn thi tốt nghiệp, số còn lại mong muốn là môn thi cộng điểm khuyến khích; còn môn Lý đạt tỷ lệ cũng khá thấp 17,8%, trong khi môn Hóa (34,7%) và Địa (23,9%) lại đạt tỷ lệ cao.

Thiên về khối thi và môn dễ học

Khảo sát ý kiến lý do lựa chọn của học sinh cũng cho thấy, nhiều học sinh lựa chọn theo khối chọn thi đại học, cao đẳng. Em Lưu Trần Thục Anh, học sinh trường THPT Vũng Tàu cho biết: “Em định hướng thi đại học khối A1 và khối D, do đó nếu lựa chọn 2 môn tự chọn đăng ký thi tốt nghiệp thì môn tự chọn của em sẽ là Tiếng Anh và môn Lý”.

Còn em Đỗ Mạnh Cường, học cùng trường thì: “Em thi khối B nên lựa chọn của em sẽ là môn Sinh và Hóa”.

Bên cạnh các môn lợi thế để thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thì lựa chọn của học sinh có khuynh hướng thiên về các môn mà các em cho rằng dễ học và dễ lấy điểm. Em Trần Thị Kim Sang, học sinh trường THPT Võ Thị Sáu (huyện  Đất Đỏ) nói: “Nếu được chọn môn thi tốt nghiệp, em sẽ chọn môn Lý và Địa. Lý do, môn Lý là môn em có lợi thế và là môn em sẽ dự thi đại học, còn sở dĩ em chọn môn Địa mà không chọn Hóa vì đây là môn dễ học, ít phải học bài nên sẽ có cơ hội đạt điểm cao hơn”. Nhiều ý kiến của học sinh cũng cho rằng môn Địa là môn học không khó và dễ lấy điểm.

Kết quả khảo sát nói trên không nằm ngoài nhận định của nhiều người bởi từ lâu nay học sinh có khuynh hướng lựa chọn khối A (Toán, Lý, Hóa) để thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp.

Như vậy, vấn đề một lần nữa đặt ra là liệu học sinh có học lệch hay không khi đăng ký thi tự chọn. Theo Bộ GD-ĐT các môn tự chọn giúp học sinh chọn đúng môn năng lực, sở trường của mình.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của thầy cô giáo các trường THPT, hiện nay do cách kiểm tra, đánh giá, chương trình học còn nặng về thi cử nên học sinh có tâm lý môn nào thi thì các em mới học, môn không thi thì bị lơ là, coi là môn “phụ”.

Do vậy, điều quan trọng là đổi mới phương pháp dạy và học để học sinh hứng thú với môn học, thấy bản thân cần những kiến thức mà môn học đem lại, chứ không phải chỉ học để thi, hay để lấy điểm.

Minh Thiên (Báo BR-VT)
Ảnh bìa: Thí sinh thường chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi đại học, cao đẳng và những môn dễ học. Trong ảnh: Một giờ học tại trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa).
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vị thế của một đất nước được thể hiện qua trình độ khoa học công nghệ!
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
"Vị thế của một đất nước được thể hiện thông qua trình độ KH&CN. Việt Nam từ một nước khó khăn đã vươn lên khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoài Toán và Văn, phần lớn học sinh chọn thi Lý, Hóa