Thông tin trên được nêu tại Hội thảo “Đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử” do Bộ Y tế tổ chức hôm nay (17.6). Như vậy, bắt đầu từ tháng 7 tới, mỗi người dân trên cả nước sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử để theo dõi sức khỏe của mình đến suốt đời.
Hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho thầy thuốc đầy đủ các thông tin và tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, kết hợp thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện sớm hơn.
Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là nhằm góp phần quản lý sức khỏe toàn dân, mỗi người có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi, giúp mỗi người biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, mỗi người tự chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết để đạt mục tiêu 90% dân số được quản lý sức khỏe vào năm 2025, Bộ Y tế đã khẩn trương và quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.
Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các trạm y tế xã -phường giai đoạn 2018 - 2020. Đặc biệt, bắt đầutừ tháng 7 tới sẽ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc.
Theo PGS-TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện cả nước đã có 24 tỉnh, thành triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Điều đáng nói là trong số các địa phương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử có nhiều tỉnh miền núi nhưHà Giang, Lạng Sơn...
Ông Tường cho biết y tế Việt Nam đang chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Đối với y tế 4.0 là phải chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh; khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Như vậy y tế 4.0 phải dựa trên 3 trụ cột trên để phát triển.
Để xây dựng 3 trụ cột trên, ông Tường đã pháchọa ra cách thức thực hiện để đạt được y tế 4.0. Theo đó, muốn chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh phải có hồ sơ sức khỏe điện tử; phần mềm trạm y tế; công nghệ thông minh trong phòng bệnh môi trường, an toàn thực phẩm, HIV/AIDS; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cảnh báo dịch bệnh; hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa...
Đối quản trị y tế thông minh phải hình thành cơ sở dự liệu y tế quốc gia, thống kê ý tế điện tử; điều hành điện tử; văn phòng điện tử; hệ thống quản lý nhân lực y tế, quản lý cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế; một cửa điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến.
Riêng với khám chữa bệnh thông minh phải hoàn thiện phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống ID, bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh và phục hồi chức năng...
“Khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, người máy sẽ làm nhiệm vụ của các nhân viên y tế. Lúc này người máy có thể nâng đỡ bệnh nhân, bế bệnh nhân...”, ông Tường nói.
Cũng theo ông Tường, để dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, Bộ Y tế xây dựng mã định danh y tế dựa trên mã số bảo hiểm xã hội, chứ không làm theo kiểu điều dân số sẽ tốn kém rất nhiều.
“Mỗi người dân từ lúc có khai sinh cho đến khi mất đều được cấp một mã số bảo hiểm xã hội. Như vậy, việc xây dựng mã định danh y tế dựa trên mã số bảo hiểm xã hội sẽ đỡ tốn kém, nhưng gần như không bỏ sót ngườinào, chỉ trừ những trường hợp chưa có giấy khai sinh”, ông Tường chia sẻ.
Hồ Quang