Mùa khô năm nay diễn biến mặn phức tạp và tăng nhanh bất thường. Một số tỉnh ĐBSCL đã ban bố tình huống thiên tai hạn mặn cấp độ 1.

Người dân ĐBSCL vừa ăn tết vừa chống hạn mặn khốc liệt

Nguyên Việt | 08/02/2021, 12:51

Mùa khô năm nay diễn biến mặn phức tạp và tăng nhanh bất thường. Một số tỉnh ĐBSCL đã ban bố tình huống thiên tai hạn mặn cấp độ 1.

Kiên Giang đắp, gia cố đập, Long An ban bố tình huống thiên tai

Việc giảm lượng xả từ hồ chứa nước thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mê Kông dẫn đến gia tăng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngay trong nửa đầu tháng 2.2021, tức ngay dịp Tết Tân Sửu 2021. Một số tỉnh thành ở khu vực này đã đẩy mạnh công tác chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước trong mùa khô này.

a1-dong-song-can-tro-day.jpg
Những đứa trẻ chơi đùa trên một dòng sông cạn trơ đáy, đất nứt toạc ở Tiền Giang trong mùa khô 2019-2020 - Ảnh: V.L

Ở Kiên Giang, Sở NN&PTNT vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc và UBND các huyện, TP về việc tăng cường giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn. Công văn yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm, chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNN về chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021.

Tỉnh này cũng có kế hoạch đắp, gia cố 340 đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô 2020-2021 trên địa bàn. Tính đến đầu tháng 2.2021, ngành chức năng đã đắp hơn 100 đập đất ở các vùng, khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn, thiếu nước cao là huyện Giang Thành, Kiên Lương, An Minh, An Biên, Gò Quao để bảo vệ lúa vụ đông xuân, hoa màu, vườn cây ăn quả và phòng chống hạn mặn cho vụ hè thu 2021.

Với các vùng, khu vực trước nguy cơ tiếp tục xâm nhập mặn cao, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang phối hợp với các địa phương tiến hành đắp các đập còn lại để ngăn mặn, đảm bảo trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng cho sản xuất trong mùa khô.

a2-cong-cai-be.jpg
Cống Cái Bé ở Kiên Giang là 1 trong 2 hệ thống thủy lợi được Bộ NN&PTNT đầu tư với hơn 3.300 tỉ đồng, được vận hành từ đầu năm nay để chống hạn, mặn – Ảnh: K.H

Sở NN&PTNN Kiên Giang đề nghị đơn vị trực thuộc và UBND các huyện, TP theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước; khẩn trương triển khai nạo vét kênh, mương; đắp đập ngăn mặn. Cử cán bộ trực vào các ngày nghỉ tết và thường xuyên kiểm tra các cống, các đập đất đã đắp, nhằm pháp hiện sớm các sự cố rò rỉ mặn, đồng thời khuyến cáo người dân không nên xuống giống vụ xuân hè 2021 để đảm bảo nước tưới cho các vùng bị hạn chế và tránh thiệt hại vào cuối vụ.

Ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Long An cho biết, UBND tỉnh vừa công bố tình huống thiên tai hạn mặn cấp độ 1. Ông cho hay, hạn mặn nay lên rất nhanh, sở hiện đã cho đóng tất cả các cống ngăn mặn trên địa bàn. Tại huyện Bến Lức, độ mặn đo được 3 gam/lít, còn huyện Châu Thành là 4 gam/lít.

Các địa phương ở tỉnh này đang tập trung ứng phó bảo vệ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra để người dân an tâm ăn tết. Các trạm bơm dã chiến cũng đã sẵn sàng đợi triều cường lên, độ mặn hạ là có thể bơm nước vào nội đồng để trữ.

Khuyến cáo không xuống giống vụ xuân hè

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Tiền Giang, mùa hạn mặn năm 2020-2021 đến trễ hơn so với năm 2015-2016 khoảng 20 ngày và trễ hơn năm 2019 khoảng 45 ngày. Trong tuần qua, độ mặn trên sông Tiền và kênh Chợ Gạo tăng cao do ảnh hưởng triều cường và gió chướng mạnh. Độ mặn trên sông Tiền đã vượt qua một số điểm ở TP.Mỹ Tho ở mức trên 2 gam/lít; độ mặn xấp xỉ 0,3 gam/lít đã xâm nhập sâu vào nội đồng 55 km. Năm nay, diễn biến mặn phức tạp và tăng nhanh bất thường.

Ứng phó với tình hình này, Sở NN&PTNN Tiền Giang khuyến cáo người dân không xuống giống vụ xuân hè 2021 tại các nơi các khả năng ảnh hưởng xâm nhập mặn, vận động người dân nạo vét kênh mương, tích cực trữ nước ngọt.

Thông tin về tình hình xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh này cho biết, trước tình trạng xâm nhập mặn, tỉnh đã cho đóng cống, đập ngăn mặn từ giữa cuối tháng 1.2021: "Tình hình mặn bao vây Long Phú - Tiếp Nhật, Kế Sách và cù lao sông Hậu mặn lên cao. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo đợt tết hạn mặn sẽ khốc liệt.

Hiện vùng Long Phú - Tiếp Nhật lúa đông xuân đã thu hoạch tương đối, năm nay người dân thu hoạch sớm nên né đươc mặn. Hiện còn khu vực Thạnh Thới An – Thạnh Thới Thuận (H.Trần Đề) còn khoảng 500 héc ta lúa, nhưng dưới kênh vẫn còn đủ nước đảm bảo”, ông Đạo nói.

a3-cong-ngan-man.jpg
Một công trình điều tiết nước ở Tiền Giang đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào vận hành trong mùa khô 2020-2021 - Ảnh: V.L

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNN, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 5-24.1.2021 với lưu lượng giảm khoảng gần 50 % so thời gian trước đó, còn khoảng 1.000 m³/s. Việc giảm lượng xả nước này ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong nửa đầu tháng 2.2021. Có 2 thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn khu vực ĐBSCL là từ ngày 8-16.2.2021 và ngày 24-28.2.2021.

Vùng các cửa sông Vàm Cỏ và ven biển Tây, trong đó có sông Cái Lớn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xâm nhập mặn từ 50 - 55 km, tính từ cửa sông giáp biển, mức tương đương với cùng kỳ năm 2016. Vùng các cửa sông Cửu Long như: Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu, xâm nhập mặn ở mức tương đương với mức xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016.

Trong tâm thế sẵn sàng chống xâm nhập mặn, UBND TP.Cần Thơ vừa ban hành công văn chỉ đạo các sở ngành phối hợp thực hiện các giải pháp cụ thể, hiệu quả để chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo ổn định sản xuất của người dân.

Theo Bộ TN-MT, do đặc điểm khí hậu của ĐBSCL, lượng mưa trong mùa khô rất ít nên trong thực tế hầu như năm nào cũng xảy ra khô hạn và đây là một trong những đặc tính thường xuyên của khí hậu nơi đây. Từ năm 2011 trở về trước, xâm nhập mặn thường xuất hiện trên vùng các cửa sông ĐBSCL từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, với đỉnh điểm là cuối tháng 3 và đầu tháng 4.

Ranh giới xâm nhập mặn cao nhất trung bình nhiều năm các sông ở ĐBSCL như sau: Trên sông Vàm Cỏ Đông cách biển khoảng 60-70 km; trên sông Vàm Cỏ Tây cách biển khoảng 70-80 km; trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại cách biển 35-45 km; trên sông Hàm Luông cách biển khoảng 50-55 km; trên sông Cổ Chiên, sông Hậu cách biển khoảng 35-45 km; trên sông Cái Lớn cách biển khoảng 40-50 km.

Những năm khô hạn, ranh giới mặn có thể sâu hơn trung bình 3-5 km, tùy từng sông (năm 1993, 1998, 2004, 2010); riêng các năm hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục như năm 2015-2016, 2019-2020, ranh mặn sâu hơn từ 5-20 km.

Bài liên quan
Tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều tiềm năng, cần nguồn vốn đầu tư lớn trên đường phát triển, tuy nhiên tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân ĐBSCL vừa ăn tết vừa chống hạn mặn khốc liệt