Sau khi bị nguy kịch, người đàn ông ôm rắn hổ chúa vào bệnh viện đã bắt đầu bình phục, các cơ quan chức năng như gan, tim, thận… đã cải thiện. Bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và tự thở qua mũi.
Người đàn ông thoát chết sau khi dùng tay bắt rắn hổ mang chúa dài 2,5m
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Sang - Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngày hôm nay (26.8), bệnh nhân P.V.T. (38 tuổi, ngụ ở Tây Ninh) đã cai máy thở, rút ống nội khí quản. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tự thở oxy qua mũi, các cơ quan chức năng thận, tim, gan… đã cải thiện. Dù chức năng thận đã cải thiện, có nước tiểu nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục chạy thận để lấy sản phẩm thoái gián của quá trình hoại tử tế bào mô, tế bào cơ.
Riêng vết thương nơi rắn hổ chúa cắn bị hoại tử đã được cắt lọc. May mắn là vùng hoại tử rộng (khoảng 30x30cm), nhưng chỉ tổn thương ở lớp da và lớp dưới da, còn các mô cơ không nhiều lắm.
“Hiện tại vết thương hoại tử đã được cắt lọc, nhưng các bác sĩ vẫn phải tiếp tục theo dõi thêm vài ngày nữa xem các tế bào mô, tế bào cơ có bị hoại tử thêm hay không. Nếu tronghợp, vết thương diễn tiến thuận lợi thì sẽ được nuôi dưỡng vết thương đầy mô hạt và tiến hành ghép da. Trong trường hợp vết thương vẫn còn hoại tử, phải tiến hành mổ để cắt lọc thêm thì2, thì3 nữa”, bác sĩ Sang chia sẻ.
Tuy nhiên, điều các bác sĩ lo lắng hiện nay là bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng ở vết thương. Dù đã mổ cắt lọc sạch nhưng với một vết thương không có da, vết thương rộng, ngay cơ quan sinh dục nên khả năng nhiễm trùng rất dễ xảy ra.
"Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các cơ quan chức năng của bệnh nhân, săn sóc vết thương tại chỗ, tránh nhiễm trùng. Nếu vết thương bị hoại tử thêm thì sẽ cắt lọc thì2, thì3; còn nếu tiến triển tốt sẽ lên kết hoạch ghép da nhưng thời gian phải mất khoảng 1 vài tuần. Đến thời điểm này tiên lượng cứu sống của bệnh nhân là rất cao. Về cơ bản bệnh nhân có thể được cứu sống”, bác sĩ Sang cho hay.
Trước đó, ngày 19.8, bệnh nhân P.V.T. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng ôm con rắn hổ mang chúa dài 2,5m, nặng gần 5kg trong tình trạng nguy kịch do bị con rắn này cắn. Bệnh nhân bị liệt hoàn toàn tứ chi, đồng tử dãn to, mất phản xạ ánh sáng.
Sau khi sử dụng 10 lọ thuốc huyết thanh và đánh giá lại, bệnh nhân có phản xạ đầu tiên là cử động được tay chân, mở mắt và làm theo lệnh của bác sĩ, nhưng vẫn còn phải thở máy.
Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân lại chuyển biến nặng rơi vào tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân bị suy đa cơ quan, suy gan, viêm cơ tim, chỉ số bạch cầu rất thấp. Khu vực vết rắn cắn ở vùng đùi bị nhiễm trùng, hoại tử.
Hồ Quang