"Người dân chúng tôi không mong được xin lỗi, bởi mỗi lần lãnh đạo thành phố xin lỗi là xát muối thêm vào vết thương của chúng tôi. Tại sao để những người không làm sai xin lỗi, còn những người làm sai thì chưa ra mặt...", một người dân Thủ Thiêm nói thẳng.

Người dân Thủ Thiêm: 'Không cần lời xin lỗi mà cần xử lý người sai phạm'

Phan Diệu | 20/10/2018, 12:14

"Người dân chúng tôi không mong được xin lỗi, bởi mỗi lần lãnh đạo thành phố xin lỗi là xát muối thêm vào vết thương của chúng tôi. Tại sao để những người không làm sai xin lỗi, còn những người làm sai thì chưa ra mặt...", một người dân Thủ Thiêm nói thẳng.

Sáng 20.10, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 7 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 2 tại Nhà Thiếu nhi quận 2. Đây là cuộc tiếp xúc cử tri thường kỳ để lắng nghe ý kiến của người dân thành phố trước kỳ họp Quốc hội vào tuần tới.

Chủ trì buổi tiếp xúc là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy- Phó chánh án TAND TP.HCM.

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã tập trung rất đông đông khiến khán phòng không còn một chỗ trống. Hầu hết các cử tri đều mong muốn được trao đổi với đại biểu các vấn đề nóng, trong đó nổi bật nhất là các sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại buổi tiếp xúc, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã nhận được 150 phiếu câu hỏi từ các cử tri. Tuy nhiên, ban tổ chức thông báo buổi tiếp xúc hôm nay sẽ kết thúc lúc 10 giờ.

Do thời gian tiếp xúc khá ngắn nên khi có cử tri phát biểu về các vấn đề không liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm, nhiều nhiều dân không bằng lòng và yêu cầu những cử tri này "không nói nữa", để dành thời gian cho những phát biểu liên quan đến dự án này. Ban tổ chức phải đã phải nhắc nhở bà con giữ trật tự, tôn trọng ý kiến người khác.

Thậm chí, buổi tiếp xúc đã bị gián đoạn trong một khoảng thời gian ngắn bởi nhiều người phản ứng gay gắt chờ tới lượt phát biểu. "Đề nghị đoàn đại biểu phải lắng nghe ý kiến của tất cả cử tri mới được về. Bây giờ đông quá làm sao chúng tôi trình bày hết trước 10 giờ", một cử tri bức xúc nói.

6 giờ sáng, nhiều người dân đã tập trung vềNhà Thiếu nhi quận 2 để đăng ký phát biểu - Ảnh: PD

“Chúng tôi không cần xin lỗi”

Phát biểu với tổ đại biểu Quốc hội do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đứng đầu, nhiều cử tri nói rằng người dân Thủ Thiêm không cần xin lỗi, mà cần xử lý nhóm người sai phạm”.

"Người dân chúng tôi không mong được xin lỗi, bởi mỗi lần lãnh đạo thành phố xin lỗi là xát muối thêm vào vết thương của chúng tôi. Tại sao để những người không làm sai xin lỗi, còn những người làm sai thì chưa ra mặt? Thành phố đừng xin lỗi người dân nữa, chỉ cần xử lý những người đã làm sai luật pháp, thực hiện việc thu hồi, cưỡng chế nhà của chúng tôi", ông Cao Thanh Ca (phường Bình Khánh) thẳng thắn chia sẻ.

Theo ông Ca, các đại biểu cần đưa vấn đề Thủ Thiêm vào cuộc họp Quốc hội sắp tới, để dựa vào đó Chính phủ vào cuộc. Ông ca cũng cho rằng, về mặt pháp lý, kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa rồi không đủ, còn một số vấn đề không xác minh, không căn cứ vào đơn kiến nghị của bà con.

Cần thanh tra toàn diện khu đô thị mới Thủ Thiêm

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Khương (phường An Khánh) cũng nói rằng hầu hết người dân Thủ Thiêm không đồng thuận với kết luận của Thanh tra Chính phủ. Bởi lẽ, bản kết luận này thực chất là bản chỉnh sửa kết luận của thanh tra thành phố trước đây. Ở kết luận này 5 khu phố phường Bình An đều ngoài ranh quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm chứ không riêng 4,3 ha khu phố 1.

"Người chịu trách nhiệm là ông Tất Thành Cang và ông Nguyễn Cư - Chủ tịch và Phó chủ tịch quận 2 thời đó, cùng các chủ tịch phường. Bí thư Thành ủyNguyễn Thiện Nhân với tư cách là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cần nhanh chóng đưa vụ việc này ra Nghị trường Quốc hội. Những người gây ra chuyện này phải đứng ra xin lỗi dân Thủ Thiêm", ông Khương nói và đề nghị truy tố trách nhiệm hình sự những người đã cưỡng chế, tháo dỡ nhà ở của người dân trái luật.

Ông Phạm Văn Thoai (phường Cát Lái) mong Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện, chi tiết toàn bộ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thấy có rất nhiều những điều sai trái, chứ đừng chỉ kiểm tra một phần nào.

"Từ một gia đình êm ấm, chúng tôi giờ sống dở chết dở"

Phát biểu trong nước mắt, bà Nguyễn Thị Kim Phượng (phường Bình An) cho biết, bà đang sống trong căn chòi dựng lại trên nền đất của gia đình cũ đã bị đập phá. Từ một gia đình êm ấm, giờ bà mất hết, phải sống dở chết dở. Chồng bà vì phẫn uất mà đã qua đời, còn bà vì các con không thì có lẽ đã điên dại.

"Khu đô thị mới Thủ Thiêm vang tiếng khóc than, nước mắt đổ quá nhiều. Những người sống cứ phải vào nam ra bắc, tiêu tốn tiền bạc, thời gian đi kêu cứu, cứ như vậy mấy chục năm trời, hết cả tuổi xuân. Xin hãy trả tài sản bị cưỡng chế, đền bù tiền bạc, tinh thần bị mất mấy chục năm qua. Tôi hy vọng vào cuộc họp tiếp theo, chúng tôi không cần đứng đây đòi nhà, đòi quyền lợi nữa. Chúng tôi còn tin Đảng, Nhà nước", bà Phượng nói.

Nguyễn Thị Kim Phượng (phường Bình An) trong ngôi nhà cũ đã bị đập phá - Ảnh: PD

Bà Trần Thị Mỹ (phường An Khánh) nói năm nay bà đã 77 tuổi. Ở những cuộc họp trước, bà đã phát biểu nhiều lần nhưng hôm nay bà đến đây để nói lên những điều cần phải nói, để cho lịch sử "đau thương" của Thủ Thiêm không bao giờ phải lặp lại một lần nữa.

Theo bà Mỹ, Thủ Thiêm sẽ không là bài học đau xót như hôm nay, nếu hồ sơ tố cáo của người dân từ năm 2007 được giải quyết thấu tình đạt lý. Ý kiến cử tri gửi 4 ban thường trực của TP.HCM gồm Thành ủy, UBND, HĐND từ năm 2007 được lãnh đạo xem xét kịp thời. Không những vậy, nếu lãnh đạo TP.HCM chịu đối thoại, lắng nghe người dân và các sai trái tại Thủ Thiêm được nhắc đến công khai thì người dân Thủ Thiêm đã không phải chịu bao đau thương, đắng cay như ngày hôm nay.

Còn cử tri Phan Thị Thủy (phường An Phú) cho hay nhà giải tỏa đến nay được 18 năm nay. Hiện tại, chính quyền quận 2 cũng đang đòi lấy lại nhà tạm cư mà gia đình bà đang ở. Vì vậy, đến với buổi tiếp xúc này, bà mong Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và chính quyền TP.HCM xem xét trả lại quyền lợi cho người dân.

"Thành phố hãy nhanh chóng giải quyết vì cuộc đời tôi không còn dài nữa, trước đó tôi mất gần 20 năm đi đòi quyền lợi rồi. Vì dự án Thủ Thiêm mà cuộc đời tôi và gia đình đã quá khổ rồi”, bà Thủy nói trong nước mắt.

Những lá đơn kiện cáo, kêu cứu được người dân cất giữ hơn 20 năm - Ảnh: PD

Đáng chú ý, khi chưa giải quyết được 1/3 số lượng người phát biểu, Ban tổ chức xin phép dừng ý kiến cử tri để nghe các đại biểu Quốc hội trình bày. Tuy nhiên, nhiều cử tri không đồng ý đã lên tiếng phản đối và yêu cầu tổ đại biểu lắng nghe hết ý kiến người dân.

Sau khi chờ đợi gần 10 phút để ổn định tình hình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng và nói rằng tổ đại biểu hôm nay sẽ làm việc với "tinh thần gặp đến khi nào giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm mới thôi".

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Thủ Thiêm: 'Không cần lời xin lỗi mà cần xử lý người sai phạm'