Shen Jian chưa bao giờ học chơi phong cầm (đàn accordion), nhưng ông làm nhạc cụ này suốt gần 50 năm và là một trong số ít người còn lại đang gìn giữ một truyền thống âm nhạc gần như bị lãng quên.
Câu chuyện văn hóa

Người làm phong cầm cuối cùng của Thượng Hải

Cẩm Bình 27/08/2024 11:10

Shen Jian chưa bao giờ học chơi phong cầm (đàn accordion), nhưng ông làm nhạc cụ này suốt gần 50 năm và là một trong số ít người còn lại đang gìn giữ một truyền thống âm nhạc gần như bị lãng quên.

Ngồi bên trong nhà xưởng nhỏ phủ đầy mùn cưa ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, ông Shen (67 tuổi) tự hỏi liệu bản thân có lãng phí cuộc đời không. Người thợ dành 4 chục năm đời mình làm công việc duy nhất: sản xuất và bán phong cầm. Chọn ngành kinh doanh có lợi nhuận thấp, ông Shen từng phải đối mặt với sự sa thải, thách thức khi khởi nghiệp từ bàn tay trắng, hôn nhân tan vỡ do làm việc chăm chỉ mà chẳng được thành tựu gì, doanh số giảm mạnh do đại dịch COVID-19...

“Trên thực tế, tôi nghĩ quyết định bám trụ với nghề dường như là sai lầm. Nhưng đây là do tôi chọn, tôi phải chấp nhận”, ông chia sẻ.

screenshot-2024-08-26-193350.png
Ông Shen Jian tại xưởng làm đàn - Ảnh: Sixth Tone

Ông Shen chẳng hứng thú với âm nhạc lúc bắt đầu làm phong cầm vào năm 1976. Được giao việc tại xưởng sản xuất phong cầm Thượng Hải sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, mối liên hệ duy nhất giữa với nhạc cụ này là ký ức tuổi thơ mờ nhạt về một người hàng xóm chơi đàn. Ông nhớ lại: “Lúc đó tôi nghĩ tiếng đàn rất hay với âm sắc phong phú. Phong cầm thật tao nhã”.

Phong cầm không có lịch sử lâu dài ở Trung Quốc nhưng nhanh chóng được giới nghệ sĩ trong nước tiếp nhận khi du nhập vào nửa đầu thế kỷ 20. Từng có không ít nghệ sĩ và giáo viên âm nhạc người Nga sang Trung Quốc định cư, kiếm sống bằng biểu diễn hoặc giảng dạy nên giúp bồi dưỡng nghệ sĩ phong cầm bản địa.

Vào những năm 1950 - 1960, các ban nhạc quân đội đi biểu diễn khắp nước. Họ chọn phong cầm gọn nhẹ thay vì đàn piano quá cồng kềnh. Người dân nhờ vậy mà được thưởng thức tiếng đàn mà Shen nghe thuở nhỏ.

Shen vào xưởng đàn khi đất nước gần bước qua thập niên mới, khoảng thời gian đầu sự nghiệp của ông chứng kiến nhu cầu bùng nổ. Cải cách mở cửa giúp Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ nên người dân từng lớn lên cùng nhạc cụ này có điều kiện mua đàn cho riêng mình. Sản lượng xưởng nơi Shen làm việc tăng từ khoảng 20.000 chiếc/năm (năm 1980) lên 53.000 chiếc/năm (năm 1988). Nhu cầu cao đủ sức hỗ trợ Parrot và Baile - hai doanh nghiệp sản xuất phong cầm quốc doanh - phát triển vượt bậc.

screenshot-2024-08-26-193417.png
Một lớp học phong cầm tại Bắc Kinh những năm 1950 - Ảnh: VCG

Nhưng đến cuối những năm 1980, ngành sản xuất phong cầm bắt đầu suy thoái. Cũng vì cải cách mở cửa mà làn sóng văn hóa - âm nhạc phương Tây tràn vào Trung Quốc. Ngày càng nhiều phụ huynh muốn con cái học chơi nhạc cụ “quý phái” hơn, chẳng hạn piano. Phong cầm gắn liền với thời khó khăn bị ruồng bỏ.

Xưởng nơi Shen làm việc chậm thích nghi với tình hình mới. Nhu cầu giảm và đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều đẩy giá thành rớt thảm hại. Đến năm 2003 ông Shen lên làm quản lý nhưng xưởng không thể duy trì được nữa.

Khi bị sa thải, Shen nhận 40.000 nhân dân tệ trợ cấp thất nghiệp (thời điểm đó tương đương khoảng 4.830 USD). Ông mất việc làm lúc gần 50 tuổi và đang sống tại một thành phố có chi phí sinh hoạt tăng nhanh chóng mặt. Một số đồng nghiệp ông nhất thời không chấp nhận nổi tình trạng thất nghiệp nên giả vờ vẫn còn làm, mặc sơ mi rời nhà lúc 7 giờ sáng chỉ để lang thang trên phố cho đến tối.

Shen cũng chẳng muốn đổi nghề, ông cảm thấy gắn bó với phong cầm sau gần 30 năm tạo ra chúng. Người thợ kỳ cựu chia sẻ: “Dù không biết chơi nhưng tôi hiểu biết sâu sắc về đàn. Tôi sản xuất phong cầm cả đời nên dành tình cảm nhất định cho công việc này”.

Vậy là ông đưa ra một quyết định mà bây giờ nghĩ lại quả thực rất hấp tấp: lấy tất cả tiền tiết kiệm cộng trợ cấp thất nghiệp mua lại trang thiết bị từ chỗ làm cũ để mở xưởng mới tên Xiangle. Shen chẳng có kế hoạch kinh doanh nào, không biết cách đối phó làn sóng sản xuất phong cầm giá rẻ, ban đầu xưởng chỉ làm được bộ phận nhỏ chứ chưa thể sản xuất cả một chiếc đàn.

Ông tiếp tục đổ tiền vào xưởng trong khi hoạt động buôn bán vô cùng chật vật. Nhưng Shen còn “át chủ bài”: một đơn vị ở Ý muốn tìm nguồn cung phong cầm từ Trung Quốc.

Thay vì cạnh tranh giá với đối thủ nội địa chỉ phục vụ thị trường Trung Quốc, Shen chuyển sang tập trung xuất khẩu, không ngần ngại mời nghệ nhân làm đàn người Ý giàu kinh nghiệm đến hướng dẫn công nhân và cải thiện chất lượng sản phẩm mặc dù mối quan hệ đối tác gặp trắc trở do rào cản ngôn ngữ cùng vài bất đồng khác.

Lần đầu tiên kể từ khi mở xưởng, Shen có mô hình kinh doanh. Nhưng để làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ý thì ông cùng đội ngũ công nhân phải thường xuyên tăng ca. Thời gian làm việc kéo dài từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm.

Shen gần như không dành thời gian ở nhà, khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi cũng được dành để lo nghĩ về số phận xưởng: “Tôi không muốn ngủ. Tôi nghĩ về rất nhiều thứ, chẳng hạn nguy cơ phá sản”.

Sau hơn 10 năm chịu đựng, đến năm 2016 người vợ đệ đơn ly hôn. Shen cảm thấy có lỗi vì không gánh vác trách nhiệm gia đình suốt 20 năm, tuy nhiên một lần nữa lại chọn phong cầm.

Tại cơ quan chức năng, người vợ đưa Shen một viên kẹo (phát kẹo cưới là phong tục truyền thống của Trung Quốc). Hai người ký đơn ly hôn khi vẫn ngậm kẹo trong miệng.

Ngay trước lúc đại dịch ập đến xưởng nhận được đơn hàng lớn, nhưng không thể hoàn thành vì COVID-19. Việc kinh doanh đứng trước bờ vực sụp đổ.

“Các đơn hàng sản xuất không thể hoàn thành và tôi phải trấn an khách hàng. Tiền lương không thể trả đúng hạn nên tôi cũng cần phải nói chuyện với công nhân. Chủ nhà cũng gây sức ép. May mắn là công nhân thông cảm. Họ hỗ trợ rất nhiều. Đôi lúc xưởng chậm trả lương 1 - 2 tháng hay thậm chí 5 tháng, vậy mà họ vẫn ủng hộ tôi. Tôi vô cùng biết ơn họ”, Shen cho biết.

Giờ đây việc kinh doanh đang phục hồi, xưởng có đủ đơn hàng để hoạt động ổn định và tuyển thêm lao động trẻ sẵn sàng học nghề.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới
một giờ trước Sự kiện
Nhận lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á Chung Eui-yong, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) từ ngày 21-24.11.2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người làm phong cầm cuối cùng của Thượng Hải