Các đại biểu quốc hội cho rằng thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp. Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ do dịch bệnh và bão giá đang tăng.

Người lao động cần được chia sẻ khó khăn do kiệt quệ vì dịch và bão giá

Nam Phong | 01/06/2022, 14:31

Các đại biểu quốc hội cho rằng thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp. Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ do dịch bệnh và bão giá đang tăng.

Thảo luận tại Quốc hội ngày 1.6, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết hiện có những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều. Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1.7.2022.

“Họ cho rằng, trong thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm”, bà Xuân nêu.

luong.jpg
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Xuân phát biểu

Theo bà Xuân, thông lệ là việc tăng tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1.1 hằng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5 - 7%. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ lao động thiếu việc làm thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ do dịch bệnh và bão giá đang tăng. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 là đúng đắn và cần thiết. Tuy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

“Cho dù doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu nhưng tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động lại doanh nghiệp, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp; đồng thời tăng lương tối thiểu, kịp thời lúc người lao động đang khó khăn thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”, bà Xuân nói.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng, kể từ ngày 1.7.2022 như tờ trình của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cũng như kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước.

Dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người… Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) chỉ ra rằng người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, ông Nghĩa đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ luật Lao động.

Ngoài ra, Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

luong-2.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu

Cũng theo ông Nghĩa, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng. Ông Nghĩa cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.

Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu cho người lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp vừa được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội gửi tới các bộ ngành, địa phương liên quan để sớm trình Chính phủ xem xét, trong đó lương tối thiểu tháng theo 4 vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 - 260.000 đồng) so với mức đang áp dụng.

Bên cạnh đó là lần đầu tiên xây dựng lương tối thiểu theo giờ, dự kiến chia theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Theo lý giải của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.

Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thỏa thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang có sự cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu giờ để bảo vệ quyền lợi về lương những người làm công việc linh hoạt, bán thời gian.

Như vậy sẽ có hai loại lương tối thiểu sẽ được áp dụng: lương tối thiểu tháng đối với người lao động trả lương theo tháng; lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với người lao động trả lương theo giờ. Tuy nhiên, trên thực tế còn có hình thức trả lương khác (theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán).

Theo nội dung tờ trình, đối với các hình thức này, doanh nghiệp sẽ lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Không yêu cầu doanh nghiệp thay đổi hình thức trả lương mà chỉ quy đổi ra mức lương tháng hoặc giờ để đối chiếu, kiểm chứng mức độ tuân thủ mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Bài liên quan
Thung lũng Silicon gặp khó khăn để hình dung về tương lai hậu smartphone
Kể từ khi Steve Jobs giới thiệu iPhone vào năm 2007, cho đến nay chưa có sản phẩm nào thu hút được sự chú ý của mọi người như smartphone của Apple.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người lao động cần được chia sẻ khó khăn do kiệt quệ vì dịch và bão giá