Trong thời gian gần đây, bất ngờ nhiều địa phương xuất hiện trẻ mắc bạch hầu. Tại khu vực phía nam, nhiều tỉnh Tây Nguyên người mắc bệnh bạch hầu tăng cao, nhiều người đã tử vong, có người vì không có tiền điều trị do bảo hiểm y tế không chi trả phải xin về nhà chờ... chết.
Xuất hiện “ổ dịch” bạch hầu
Trong những tháng gần đây, bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước, tập trung nhiều nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, dịch vụ y tế còn hạn chế.
Ở khu vực phía nam, số ca mắc bạch hầu tập trung nhiều nhất ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Tại tỉnh Quảng Ngãi đã xác định 8 ca dương tính với bạch hầu, hàng chục bệnh nhân khác đang được theo dõi; ở Kon Tum đã có 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại huyện Đắc Hà; ở Đắk Lắk có 4 ca dương tính với bạch hầu, hàng chục ca bệnh phải cách ly, điều trị... Đặc biệt, tại Gia Lai vừa xuất hiện một ổ dịch bạch hầu với nhiều ca tử vong. Một số ca bệnh bạch hầu tại địa phương này đã được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệtđới TP.HCM.
Bác sĩPhan Tứ Quý - Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bệnh Nhiệtđới TP.HCM cho biết, hiện có 3 trẻ mắc bệnh bạch hầu tại ổ dịch của địa phương này đang được điều trị tại đây. “Cả 3 bệnh nhi đều ngụ tại buôn Ekia, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Sau 1 thời gian điều trị đã có 2 bé ổn định được cho xuất viện, 1 bé còn lại phải đang tiếp tục được theo dõi vì bé đang có biến chứng viêm cơ tim, rối loạn nhịp”, bác sĩ Quý cho hay.
Theo người nhà của bé gái Kpă H’Rớt (4 tuổi, ngụ tại buôn Ekia, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trước khi bé gái này bị bệnh thì ở buôn Ekia đã xảy ra nhiều cái chết không rõ nguyên nhân. Gần đây bà của bé đột ngột tử vong sau khi sốt, mệt, rồi sau đó 2 người hàng xóm có triệu chứng như trên cũng đã tử vong. Vì vậy khi thấy bé Kpă H’Rớt có triệu chứng giống những người nhà, gia đình liền đưa thẳng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để khám thì phát hiện bị bệnh bạch hầu.
Theo bác sĩ Quý, bệnh bạch hầu thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cảm cúm thông thường. Biểu hiện đặc trưng của bệnh này là người mắc bệnh có mảng trắng trong vùng hầu họng, mảng bám này dai, khó tróc. Những trường hợp mắc bạch hầu ác tính bệnh nhân sẽ có thêm các triệu chứng nhưhai bên cổ sưng to, vẻ mặt lừ đừ của tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc. Những biến chứng nguy hiểm khác là suy thận cấp, viêm cơ tim, rối loạn nhịp thường khiến bệnh nhân đột ngột tử vong.
Do đó, để phòng ngừa bệnh bạch hầu, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên đưa trẻ tiêm vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm đủ 3 mũi (từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4 sau khi chào đời). Trẻ em và người lớn cần chích nhắc bệnh bạch hầu mỗi 10 năm 1 lần để duy trì kháng thể phòng bệnh.
Nhiều người xin về nhà chờ... chết
Bác sĩ Quý cho biết, trong những ngày qua, bệnh viện này tiếp nhận 4 trường hợp bị bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp quá nặng đã phải tử vong sau đó. Riêng 3 trường hợp còn lại đều là những người bệnh từ ở dịch bạch hầu ở buôn Ekia, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị bệnh vì không được bảo hiểm y tế chi trả.
Người nhà của bé gái Kpă H’Rớt (4 tuổi) cho biết đến hôm nay (6.11), tình trạng bệnh của cháu vẫn còn khá nặng, bé bị viêm cơ tim, rối loạn nhịp nhưng gia đình muốn xin bác sĩ về nhà, vì chi phí quá tốn kém, gia đình nghèo, không đủ sức chi trả.
“Bác sĩ nói điều trị bệnh bạch hầu phải sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu, nhưng hiện nay loạithuốc này không được bảo hiểm y tế. Trong khi đó, loại thuốc này giá rất cao, lên đến hơn 2 triệu đồng/ lọ, mà để điều trị cho cháu hết bệnh phải tốn ít nhất 10 lọ. Như vậy số tiền trên làrất lớn, đó là chưa kểnhững loại thuốc khácvà chi phí phát sinhnên gia đình không đủ khả năng muốn xin cho cháu về, tới đâu hay tới đó, chứ không có tiền, biết làm sao”, người nhà của bé Kpă H’Rớt chua xót nói.
Chia sẻ về điều này, bác sĩPhan Tứ Quý cho biết, những bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ hoặc được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu cần phải sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu kết hợp với kháng sinh.
Tuy nhiên, hiện nay thuốc kháng độc tố bạch hầu trong nước đã ngưng sản xuất, nguồn hàng chủ yếu phải nhập từ nước ngoài với chi phí hơn 2 triệu đồng mỗi lọ. Do đó, chi phí cho loại thuốc này để điều trị cho mỗi bệnh nhân bị bệnh bạch hầu từ 20 đến 30 triệu đồng, chiếm 50% tổng số chi phí điều trị nhưng lại không được bảo hiểm y tế chi trả.
Trong khi đó, phần lớn những người dân mắc bệnh bạch hầu hiện nay là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, nên với số tiền lớn trên họ không có khả năng chi trả, nhiều người chấp nhận về nhà... chờ chết vì không có tiền.
“Sở dĩ hiện nay thuốc kháng độc tố bạch hầu không được bảo hiểm vì thuốc này không nằm trong danh mạch đấu thầu tập trung. Do thời gian qua, nhu cầu sử dụng thuốc kháng bạch hầu quá ít, trong khi thời hạn sử dụng thuốc này ngắn, chỉ từ 12 đến 24 tháng. Vì vậy, dù bệnh viện có mời thầu nhưng không có đơn vị tham gia dự thầu. Những năm trước, khi có dịch bệnh xảy ra, nguồn thuốc thông qua đấu thầu không có sẵn nên phía bệnh viện phải mua trực tiếp (không qua đấu thầu) để cứu chữa bệnh nhân. Vì lý do này bảo hiểm y tế từ chối thanh toán tiền thuốc kháng độc tố bạch hầu cho người bệnh”, bác sĩ Quý lý giải.
Theo bác sĩ Quý, trong lúc tình trạng bệnh bạch hầu đang bùng phát và lây lan như hiện nay, nếu người mắc bệnh bỏ ngang về nhà không điều trị, vì không có tiền không những dẫn đến tử vong mà còn nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.
“Ở thời điểm này, nếu bảo hiểm y tế không chỉ trả thuốc kháng bạch hầu cho người bệnh vì lý do bệnh viện mua thuốc không thông qua đấu thầu tập trung thì cũng nên hỗ trợ chi phí điều trị cho người mắc bệnh bạch hầu theo phương án chống dịch để tránh nguy cơ dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng”, bác sĩ Quý kiến nghị.
Hồ Quang