Những cuộc phiên lưu bất tận để làm ra những đầu sách quý của Nguyễn Văn Phước, người sáng lập First News - Trí Việt tạo ra trải nghiệm thú vị vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng mang lại sự sinh động, phong phú diệu kỳ cho cuộc sống của cuốn sách, cho chính ông và cho cả bạn bạn đọc.

Người sáng lập First News: Khát vọng, sáng tạo, lãng tử và khác biệt

05/06/2018, 17:31

Những cuộc phiên lưu bất tận để làm ra những đầu sách quý của Nguyễn Văn Phước, người sáng lập First News - Trí Việt tạo ra trải nghiệm thú vị vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng mang lại sự sinh động, phong phú diệu kỳ cho cuộc sống của cuốn sách, cho chính ông và cho cả bạn bạn đọc.

Ông Nguyễn Văn Phước, người sáng lập First News - Trí Việt (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh nhân vật cung cấp

Tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ ngành công nghệ thông tin tại Học Viện Kỹ thuật châu Á AIT, được học bổng đi học Ph. D tại Áo, nhưng Nguyễn Văn Phước, người sáng lập First News - Trí Việt đã quyết định từ bỏ học bổng tuyệt vời đó để khởi nghiệp vào năm 1994, trong căn phòng chưa đầy 20 mét vuông, cùng với ba người bạn.

Là người luôn tiên phong với cách chọn sách độc đáo, táo bạo, không hề theo lối mòn, từng làm dậy sóng truyền thông, First News đã cho ra đời hàng triệu bản in từ các bộ sách Tư duy Sống, Hạt giống tâm hồn, Quà tặng diệu kỳ, Bí mật của may mắn… đến những bộ sách Nhân vật, danh nhân, kinh doanh, âm nhạc, sức khỏe, văn học, ngoại ngữ… được bạn đọc mến mộ.

Từng trải qua hành trình “nếm mật nằm gai” gian khó của thời khởi nghiệp, những thử thách liên tục trong một thị trường cạnh tranh không lành mạnh, nạn in lậu hoành hành vô phương cứu chữa… nhưng con người quyết đoán, nhạy cảm, đam mê trong Nguyễn Văn Phước vẫn giữ nguyên ngọn lửa đầy trách nhiệm công dân với đời sống tinh thần dân tộc.

Vẫn nhạy bén với dòng sách về các nguyên thủ quốc gia, những người có tầm ảnh hưởng lớn của thế giới, để truyền đi thông điệp với giới trẻ và bạn đọc, tác phẩm “Cách mạng - Révolution” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron của First News nằm trong số những cuốn sách đã tạo đột phá về doanh thu tại Hội chợ sách TP. HCM năm nay, anh có thể kể một chút về nỗ lực của riêng mình để cuốn sách đến tay bạn đọc với tốc độ nhanh đến thế?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng bất cứ một quốc gia nào trên thế giới mà không thay đổi mạnh mẽ ắt suy tàn.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đánh giá rất cao cuốn sách này: “Emmanuel Macron đã đứng lên đấu tranh cho các giá trị của tự do. Ông ấy đã truyền cảm hứng cho sự hy vọng của mọi người về tự do không phải nỗi sợ hãi của họ”.

Đi tìm lẽ sống, đấu tranh vì Tự do, Dân chủ, Công bằng xã hội… cũng là tiêu chí của Fisrt News.

Cuốn sách này sau khi thương lượng bản quyền, chúng tôi đã lên đường sang Đức để gặp Tổng thống Pháp Macron hoàn tất bản quyền để phát hành tại Việt Nam.

Nhận được cuộc hẹn sắp xếp trước của nhà xuất bản XO Éditions và Điện Élysée, tôi đã được gặp Tổng thống Pháp tại nhà hàng Schwarzer nổi tiếng đối diện toà thị chính Frankfurt.

Tổng thống Pháp hẹn gặp riêng 20 đại diện các nhà xuất bản của 20 quốc gia trước ngày khai mạc hội chợ sách Frankfurt; trong đó châu Á có ba quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam.

Quá trình kiểm tra về năng lực và uy tín diễn ra trước đó 2 tháng, vì nhiều nhà xuất bản Việt Nam cũng đề xuất mua bản quyền, nhưng First News đã được chọn.

Có lẽ nhờ Fisrt News đã có bề dày xuất bản 24 năm về chất lượng dịch thuật cùng những tác phẩm về nguyên thủ quốc gia như Vladimir Putin, Donald Trump, Hillary Clinton, George W. Bush, Fidel Castro, Che Guevara…

Toàn bộ bản thảo, từng câu từng từ đều được Điện Élysée và đích thân Tổng thống Pháp duyệt, hình ảnh bản quyền rất chặt chẽ…

Trong buổi gặp đó, Tổng thống Pháp tỏ ra rất chân tình, trong hàng rào bảo vệ dày đặc của cảnh sát bên ngoài nhà hàng, ông vui vẻ lịch thiệp đi tới gặp gỡ, bắt tay, nói chuyện với từng người bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.

Sự nhẹ nhàng, thông thái của ông khiến cho buổi gặp gỡ rất thú vị. Ông đã viết lời đề tặng trên cuốn sách, sau khi hỏi tên tôi: “Tặng Phước và nhân dân Việt Nam với lời chúc tốt đẹp nhất”.

Sau cuộc gặp với các đơn vị xuất bản, ông mới lên xe gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel ở toà thị chính.

Buổi ra mắt chính thức cuốn sách này tại Việt Nam sẽ diễn ra vào 9h sáng ngày 12/5, là điểm nhấn khai mạc Tuần lễ văn học châu Âu tại đường sách TP.HCM do Tổng Lãnh sự Pháp, Viện trao đổi văn hóa Pháp cùng First News tổ chức đứng ra tổ chức.

Đây là cuốn sách tiếp nối tủ sách danh nhân thế gới và nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội rất được bạn đọc Việt Nam đón nhận và quan tâm.

Là người tiên phong trong dòng sách này, để mua bản quyền sách cho Việt Nam, tạo doanh thu đột phá và tạo cảm hứng cho giới trẻ hẳn anh cũng nếm nhiều đắng cay, thử thách?

Năm 2004, Fisrt News là đơn vị đầu tiên đột phá mua bản quyền sách nước ngoài, nhưng riêng đàm phán bản quyền nguyên thủ quốc gia đòi hỏi sự khó khăn hơn nhiều.

Bà Hillary Clinton đã yêu cầu First News phải đàm phán trực tiếp với luật sư của bà.

Còn Tổng thống Pháp thì thông qua Điện Élysée điều tra kỹ càng… đòi hỏi chuyển ngữ hay, chính xác.

Cuốn "The Four - Tứ đại quyền lực" giải mã gien đột phá của Amazon, Apple, Facebook và Google ngay ngày đầu đã phát hành trên 1.000 bản vì cuốn sách đi vào trọng tâm của cơn bão công nghệ 4.0.

Ngay từ lúc khởi nghiệp, First News đã làm sách về những nhân vật được yêu thích ở Việt Nam như Bill Gates, Steve Jobs, Chung Ju Yung (Không Bao Giờ Thất Bại – Tất cả là Thử Thách), Phạm Xuân Ẩn – Điệp Viên Hoàn Hảo X6, Che Guevara.

Nếu làm sách chỉ để kinh doanh kiếm lời, thì cuốn "Fidel Castro - Cuộc đối đầu với 10 đời Tổng thống Mỹ và những âm mưu ám sát của CIA" chắc không ai dám làm, vì kéo dài hai năm thực hiện, tốn rất nhiều chi phí công sức mà chưa biết kết quả thế nào. Nhưng vì niềm say mê khám phá nên giúp tôi có cảm hứng sáng tạo và theo đuổi.

Khi nhìn thấy những cuốn sách mình tâm huyết tới được tay bạn đọc và được đón nhận – góp phần thay đổi phần nào cuộc sống của họ, tôi tin con đường của mình mình lựa chọn là đúng đắn. Vì nó sẽ giúp cho nhiều thế hệ người Việt Nam thay đổi với con đường tri thức của nhân loại.

Năm 2002, trong chuyến đi thu thập tư liệu để làm cuốn sách về Fidel Castro và Che Guevara kéo dài hơn nửa tháng ở Cuba, lúc quá cảnh tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris, trong khi loay hoay gọi điện công cộng cho GS Trần Văn Khê lúc đó đang ở Pháp thì tôi bị mất ba lô gồm hộ chiếu, tiền bạc, vé máy bay, thẻ tín dụng, máy ảnh...

Tôi cãi nhau một lúc với cảnh sát Pháp ở sân bay một lúc rồi đi taxi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Paris định tá túc một đêm, lúc đó khoảng 5 giờ. Gõ cửa mãi con chó bergie rất dữ chạy xổ ra, mãi sau mới có người, một viên quan chức hỏi sau cánh cổng vẫn khép: “Anh đi đâu mà mất hộ chiếu ?”. Tôi nói “Đi La Habana”, “Anh đi Cuba làm gì?”, “Tôi viết sách về Che Guevara và Fidel”, anh ta lập tức đóng sầm cửa lại “Đồ điên! Định lừa đảo nữa hả ?”.

Gọi mãi một lúc nữa không được, tôi phải kéo va ly lang thang, cũng may còn trong túi mấy chục USD, tôi lần tìm đi xe điện đến Paris quận 13, nơi có nhiều người Việt sinh sống, khác với mọi lần, tôi tìm đến một khách sạn nhỏ nhất của người Việt. Nghe tôi trình bày mất hết tiền bạc, giấy tờ tùy thân, người chủ nhà trọ cho ở một đêm trong một phòng sát mái và yêu cầu đưa tiền trước.

Số tiền còn lại chỉ đủ ăn 1 tô phở. Tôi đuối sức nên ngủ một giấc dài đến trưa rồi trả phòng xuống gửi hành lý. Tôi đi đến tháp Eiffel, đi dạo sông Seine, dù cảnh đẹp đến mấy mà lòng chỉ thấy lạnh và trống rỗng.

Mấy thanh niên Pháp ngồi chơi bên bờ sông Seine nhìn thấy tôi lúc đó có vẻ “hoàn cảnh” lắm hay sao mà họ đã ân cần mang cho tôi một lon coca.

Tối đi lang thang trong quận 13 giá lạnh, đã quá nửa đêm, đi sâu trong một hẻm cụt, gặp một nhóm thanh niên đang uống bia, đàn hát trên một sàn gỗ, với vốn tiếng Pháp ít ỏi, tôi nhập bọn và đàn hát cùng họ. Gần sáng, khi biết tình cảnh của tôi, họ gom lại mỗi người một ít Euro giúp tôi. Vậy là tôi sống qua được ngày Chủ nhật.

Hồi đó mới sau khủng bố 11/9, ở Paris nếu đi đêm không có giấy tờ tùy thân sẽ bị cảnh sát bắt. Sau này tôi mới biết– chứ lúc đó tôi rất hồn nhiên chẳng bận tâm gì.

Sáng thứ hai, tôi bắt tàu điện ngầm sang Đại sứ quán Việt Nam, trình bày câu chuyện của mình mà họ không tin, đòi phải có đóng dấu xác minh ở PA 18, phường Bến Nghé, quận1.

Cũng may điện thoại còn, tôi gọi thẳng về cho bác Mai Chí Thọ. Một lát sau mới được miễn không nộp tiền làm giấy thông hành trở về Việt Nam…

Đó là chuyến đi nhớ đời ở Pháp. Cuốn sách về Tổng thống Pháp như một nhân duyên, tôi vẫn nhớ mãi lon coca của người thanh niên Pháp bên bờ sông Seine.

Mỗi cuốn sách với anh là một cuộc phiên lưu, đòi hỏi cả sự dũng cảm, vượt lên trên những tính toán thông thường?

Năm 2007 đi qua Ấn Độ, lên đỉnh núi Madhuban, trung tâm thiền định ăn chay suốt một tuần, tìm hiểu về thiền Ấn Độ để ra cuốn sách Thiền. Trước khi đi tôi có nhờ nhân viên chuẩn bị rượu vào một chai nước suối bỏ vào vali, vì ở đó rất lạnh.

Khi đi Bombay từ sân bay Madhuban, an ninh sân bay sau soi thấy họ hỏi đây là nước gì? Tôi nói nước uống. Anh ta nói “Ok! anh uống hết đi”. Tôi mở ra và sửng sốt. Nó nồng nặc mùi xăng.

Rất may gần cửa sổ ngược hướng gió nên nhân viên an ninh không ngửi thấy mùi xăng. Lúc đó tôi mới sực nhớ công ty đang sửa sơn lại, có một chai xăng để gần, màu xăng màu rượu cũng giống nhau và nhân viên của mình đã lấy nhầm.

Trong một giây tôi uống hết ngụm xăng, nhưng vẫn cố giữ vẻ mặt thản nhiên, rồi ngay sau đó chạy vào toilet đổ chai rượu ra hết và xả nước.

Nếu lúc ấy, họ mà phát hiện ra đó là chai xăng tôi định mang lên máy bay về Bombay thì có Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ cũng không cứu nổi tôi lúc đó khi mà Bombay vừa bị đánh bom khủng bố trước đó ít lâu.

Hành trình làm sách của tôi gắn liền với những chuyến đi và với những câu chuyện khó quên, những sự kiện ý nghĩa không kém phần mạo hiểm.

Vào năm 2015 khi mà nói về vấn đề chủ quyền biển đảo còn khá nhạy cảm, nhiều tờ báo chỉ dám đề cập là “tàu lạ”, “quân đội nước ngoài” thì First News làm chương trình Đấu giá bức tranh ‘Gạc Ma - vòng tròn bất tử’.

Chương trình vô tiền khoáng hậu này kéo dài đúng 49 ngày, gây bất ngờ ở cả Việt Nam, lan ra cả nước ngoài, và kết thúc bằng buổi đại lễ tưởng niệm và cầu siêu lần đầu tiên cho 64 liệt sĩ Gạc Ma và các tử sĩ Hoàng Sa với trên 3.000 người tham dự.

Sự kiện được truyền thông Việt Nam xúc động xem như là một Hội nghị Diên Hồng với ý nghĩa vô cùng sâu sắc: từ đó truyền thông Việt Nam đã gọi đúng đích danh Trung Quốc là quân xâm lược và được viết về Gạc Ma thoải mái hơn, các gia đình liệt sĩ và cựu binh Gạc Ma được ấm lòng hơn...

Chương trình ý nghĩa này đó khởi nguồn từ ý tưởng đấu giá bức tranh đấu giá để làm bìa cho cuốn sách Gạc Ma – vòng tròn bất tử.

Xúc động nhất là vài ngày sau đó, những người tổ chức chương trình đã nhận được lá thư của Trần Thị Thủy, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, người giữ cờ trên đảo Gạc Ma.

Bức thư có đoạn: “27 năm trôi qua con chưa bao giờ được chứng kiến hay tham dự một buổi đại lễ cầu siêu nào để cầu cho linh hồn những người đã không tiếc thân mình hi sinh cho Tổ quốc để họ được yên ủi nằm lại trong lòng biển sâu lạnh lẽo, băng giá.

Cho tới hôm nay con mới được chính thức tham dự một đại lễ cầu siêu lớn như vậy, thực sự con cảm thấy rất ấm lòng, cũng là sự động viên tinh thần rất lớn đối với gia đình con cũng như gia đình 63 liệt sỹ khác.

Nhân dịp này không chỉ gia đình con mà cả gia đình của 63 liệt sĩ khác lần đầu được công khai khóc cho những người chồng, người cha của mình mà không phải sợ bị ảnh hưởng đến tập thể hay cá nhân nào...”.

Anh có cảm thấy một sự dẫn dắt nào đó về tâm linh từ khi bước vào nghề này đã giúp anh nhiều lần vượt qua thử thách, thoát khỏi tai ương trong gang tấc như vậy?

Năm 1994, khi lập First News, tôi chỉ nghĩ làm sách để thỏa sức sáng tạo, làm được điều mình thích, không hề nghĩ hành trình sẽ đi tới hôm nay, kéo dài một phần tư thế kỷ!

Mặc dù kiếm tiền để lo cho cuộc sống anh em công ty vẫn cần, nhưng đó không phải mục đích chính, từng cuốn sách đều được sáng tạo trau chuốt bằng cả đam mê.

Làm việc mỗi ngày mười mấy tiếng đồng hồ, nhiều người hỏi tôi có bao giờ mệt mỏi? “Không! Tôi có làm gì đâu? Tôi rất vui”.

Một ngày có thể trải nghiệm và chạm đến nhiều vấn đề, nhiều không gian hơn so với người khác nhiều lần thì thời gian sống của mình sẽ tăng lên, đó chính là hạnh phúc.

Làm sách với tôi không chỉ trên sách mà gắn với thực tế con người, với cuộc sống.

Đó là việc mời Nick Vujinic về Việt Nam, làm đám giỗ và làm tượng cho ông Phạm Xuân Ẩn, tổ chức cuộc đấu giá tranh Gạc Ma vô, sau đó là lễ cầu siêu cho những người lính của cả 2 phía ngã xuống vì biển đảo, mời Tâm sida nói chuyện trong nhà tù…

Con gái liệt sĩ Trần Văn Phương và mẹ lần đầu được khóc công khai tại đêm đấu giá tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử.

Tôi làm sách khác người ta, không chỉ để bán trên giấy, trên kệ, mà cho độc giả tiếp xúc với từng con người bằng xương bằng thịt để truyền động lực sống, truyền dẫn niềm tin.

Làm sách cho thầy Minh Niệm thì tổ chức độc giả gặp thầy tu thiền, trò chuyện, sách gắn với con người, với cuộc đời, tác động trực tiếp vào trái tim người đọc…

Từ đó, tôi mới ngộ ra tại sao mình trăn trở những điều mà người khác không trăn trở lắm? Có thể định mệnh mình phải làm điều này rồi, như thế là hết kêu ca.

Những ý tưởng, sáng tạo vượt ra khỏi một công ty xuất bản bình thường như sự kiện Gạc Ma, Nick Vujinic, Phạm Xuân Ẩn… như có sự hỗ trợ, dẫn dắt tâm linh nào đó, giúp cho mình hoàn thành công việc.

Trong dẫn dắt đồng nghiệp, sự liều lĩnh, quyết đoán và cả lãng tử của anh có làm cho nhân viên tâm phục khẩu phục? Làm thế nào để họ thấu hiểu mình, không trở thành lực cản?

Tôi cảm nhận mình có những khác biệt, nhưng cũng đầy cảm hứng. Tôi nghiệm lại nhiều ý tưởng bất chợt đến với tôi, chắc có trời giúp, chứ sức mình không nghĩ hết được đâu.

Vừa làm lãnh đạo vừa thích bay bổng, sách tạo, thích tạo nên cái mới ở Việt Nam không hề dễ, đôi khi phải làm 100 điều không thích để đổi lấy được làm 1 điều mình thích.

Ban đầu không phải ai cũng hiểu mình, họ chỉ sống trong một không gian, còn mình sống trong nhiều không gian cùng một lúc, không theo một nề nếp, khuôn khổ gì hết nên dung hòa là một điều khó.

Anh em làm lâu hiểu rồi thì rất thương quý nhau.

Tôi không thích hợp với vai trò quản lý. Giống như một nghệ sĩ, trong suốt thời gian làm lãnh đạo chưa bao giờ tôi đọc báo cáo tài chính cả. Những gì về số cụ thể quá tôi không thích, rất cần anh em tận tụy cùng hỗ trợ để đưa công ty phát triển.

Tôi tâm niệm, trước tiên mình phải tin người thì mới được người tin.

Tuy nhiên, càng nhiều ý tưởng, càng làm nhiều việc khó, sai lầm gây ra cũng không phải ít, nếu ở một vai trò khác chắc tôi đã gặp nhiều điều không may khác.

Với vai trò sáng lập và điều hành First News nên được hay mất thì tôi và anh em đồng sự của mình vẫn cùng nhau gánh chia sẻ được.

Vậy với anh, mất mát lớn nhất là gì?

Mất tình cảm con người, mất những mối quan hệ.

Anh có thực tập Thiền để cân bằng lại mình và nuôi dưỡng sáng tạo?

Tôi cũng có Thiền, để hiểu biết và làm tủ sách Inner Space Trung tâm giá trị sống và xuất bản cuốn sách "Từ nội tâm hướng ra bên ngoài"… Đó cũng là hành trình khám phá, trải nghiệm chính bản thân mình.

Để cân bằng lại mình phải có cách, âm nhạc là người bạn của tôi, tôi thường nghe nhạc nhẹ, nhạc cổ điển, nhạc tiếng Anh, tôi cũng là người thực hiện các tập English Song Book được nhiều người yêu thích từ thập niên 90...

Ngoài những tố chất của người làm xuất bản, chất nghệ sĩ và sự táo bạo đã dẫn anh đến những bến bờ nào mà chính anh cũng không ngờ tới?

Làm nghề này có thú vị là luôn mới mẻ từng ngày, không hề có lối mòn. Không hề có sẵn đường để mình bước đi. Chỉ có mình lựa chọn và quyết đi sẽ thành đường. Ngay cả khi thành công rồi cũng vậy.

Công việc như tôi đang làm, không phải ai cũng hiểu hết được vì nhiều gian nan lắm. Khi làm những điều khác bình thường thì bị thị phi và qui là điên rồ ngay. Nhưng từ từ có những người bạn hiểu và đến chia sẻ với mình.

Một câu nói mà tôi rất thích: “Ai đi nhanh người đó sẽ phải đi một mình trong cô đơn”.

Sau cùng sống không phải là để lại cái gì, mà hạnh phúc là tôi đã làm được nhiều điều mình thích, được khám phá từng ngày, được trải nghiệm để lớn lên.

Trong suốt hành trình tôi ước ao giữ được những người đã từng gắn bó những ngày đầu tiên.

Tôi có trí nhớ rất tốt về những kỷ niệm với người làm việc bên mình, nhưng khi tập trung quá nhiều vào công việc mình không tập trung nhiều được vào quản lý…

Có những người sau 30 tuổi chỉ sống với nhưng gì họ biết thôi, còn tôi lúc nào cũng muốn trải nghiệm những điều chưa biết.

Dù cuộc sống luôn thử thách, nhưng anh đã gieo những “hạt giống tâm hồn” đẹp đẽ cho rất nhiều người trên thế giới này?

Tủ sách “Hạt giống tâm hồn” ra đời cũng là một nhân duyên kỳ lạ. Trong quá trình làm sách, có lúc thành công, lúc thất bại, lúc tổn thương, và tinh thần, tâm hồn là điều quan trọng nhất.

Năm 2002 tôi mới nghiệm ra trải nghiệm quý báu đó, và tìm ra cụm bốn từ Hạt giống tâm hồn.

Trải qua những mất mát về tinh thần, những tổn thương, tôi hiểu các loại bệnh cũng từ đó mà ra. Khi nghiệm ra rồi mới xây dựng tủ sách này.

Đầu tiên là viết cho mình trước, sau đó chia sẻ với bạn bè, rồi phát hành, không ngờ trở thành những cuốn sách bán chạy nhất.

Bây giờ tủ sách đã lên 300 đầu sách, làm thay đổi cuộc sống những người tù, những người đang sống trong khó khăn, nghịch cảnh… đó là động viên lớn nhất của người làm sách.

Đôi lúc niềm hạnh phúc của người muốn khám phá, đi trên những con đường không có dấu chân người, dù không phải là con đường dễ bước – thường không có điểm dừng và giới hạn.

Đến tuổi này, anh có dám dấn thân một lần nữa, rồi một lần nữa?

Làm sách thực sự không hề dễ dàng, nhưng góp sức làm được một điều gì đó cho mọi người, cho sự thật, cho lịch sử là một hạnh phúc âm thầm và ý nghĩa.

Trong cuộc đời hữu hạn này, tiền không phải là điều giá trị nhất.

Vậy giá trị nào mà anh theo đuổi?

Trong hành trình của First News, tôi ước mong nhìn thấy cuốn sách mình làm ra tác động đến tinh thần, nội tâm con người, từ sách gắn liền với nhiều sự kiện lớn khác, tạo ra những cuộc chơi lớn, như thực hiện cầu truyền hình cầu vồng trong đêm cho người khiếm thị.

Mặc dù làm sách nhưng tôi không hề thích lý thuyết, sách vở. Cái gì cũng cần được chứng minh bằng sự thật, bằng thực tế, bằng giá trị thực.

Anh đau đớn nhiều không khi những giá trị thực ấy đang dần mất đi?

Tôi đã làm say mê hết sức, với một niềm tin lớn cho công bằng xã hội, nhưng sự thật trả về đôi khi ngược lại, đôi khi làm mình mất đểm tựa.

Không chỉ tôi mà biết bao người ở Việt Nam cũng đau đáu chung một nỗi niềm, khi mà các giá trị nhân văn đang bị tàn phá, sự giả dối vô cảm lên ngôi cùng nhiều điều bất công trong xã hội ngày một lộ rõ.

Khi đặt tên công ty là Trí Việt, kế tục Khai Trí, tôi muốn góp phần nâng cao trí tuệ người Việt, như triết lý giáo dục miền Nam trước giải phòng: Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng.

Vậy điều gì giúp anh kiên định với con đường mình đã chọn?

Trên trang đầu tiên của cuốn "Tâm hồn cao thượng" tôi có viết: “Trên chuyến bay cuối cùng của cuộc đời, không có bất kỳ ai được đem theo hành lý kể cả xách tay lẫn ký gửi”.

Khi ngộ ra điều này, con đường mình lựa chọn, sứ mệnh mình phải làm sẽ rõ và nhẹ nhàng hơn, không hề ai bắt buộc cả.

Càng trải nghiệm, thì tôi càng trăn trở về xã hội nhiều hơn, nhất là từ khi có mạng xã hội. Và tôi chợt nhớ một câu trong một cuốn sách: “Đời người sống chỉ có một lần".

Kim Yến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người sáng lập First News: Khát vọng, sáng tạo, lãng tử và khác biệt