Người lớn sống trải đời nên phần lớn biết điều, ăn uống có chừng mực, ngó trước trông sau, nhưng bọn trẻ con thì thường rắn mặt khó bảo, chúng ăn uống chỉ cốt thỏa cái mồm.

Chuyện lương thực

30/05/2018, 09:14

Người lớn sống trải đời nên phần lớn biết điều, ăn uống có chừng mực, ngó trước trông sau, nhưng bọn trẻ con thì thường rắn mặt khó bảo, chúng ăn uống chỉ cốt thỏa cái mồm.

Cảnh vo gạo ngày xưa - Ảnh tư liệu/Internet

Ngẫm lại tiếng Việt ta, trải qua năm qua tháng có những từ, những cách nói gần như mất hẳn trong đời sống, nếu muốn tìm hiểu nó chỉ có thể lục ở từ điển. Ví dụ, cùng nói về ăn, xưa có những từ ghép: ăn dè, ăn mặn, ăn độn, ăn vã… nay chả ai nhắc tới hoặc dùng theo nghĩa từng phổ biến nữa. Cũng phải thôi, ngôn ngữ là hình chiếu của cuộc sống, nó phản ánh, thể hiện những gì có trong đời thực, nay đời thực không còn thứ ấy thì nó cũng lịm nhạt dần đi, sau biến thành tử ngữ. Khi người ta mặc quần jean, quần tây thì không ai nhắc tới quần lá tọa, quần dây rút. Phải chấp nhận thôi.

Đã kể ra thì cũng nên nói cho rõ. Ăn dè bắt nguồn từ chữ dè, dè sẻn. Chữ ấy thể hiện sự tiết kiệm, chi dùng hạn chế, hoàn toàn trái ngược với sự thả cửa, hoang phí. Ăn dè tức là ăn có mức độ vừa phải, thậm chí tằn tiện, thòm thèm. Cũng không hẳn do thiếu thốn thì mới ăn dè, mà có khi ăn hôm nay còn nghĩ tới ngày mai, lo tháng ba ngày tám đói kém, lo hạn hán, lụt lội, chiến tranh, lo cả khi đau yếu bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu hoang phí buông tuồng, khi sự ấy xảy ra lấy gì mà sống. Chi bằng cứ dè sẻn, kể từ miếng ăn. Hồi tôi còn nhỏ, cơm chưa tới mức phải dè nhưng luôn được người nhớn quán triệt rằng thức ăn (con tôm con cá, miếng thịt, quả trứng) phải ăn dè, miếng thịt kho chẳng hạn chỉ đáng cắn làm hai thì ráng chia làm ba làm bốn, có thế mới đủ “phương tiện” tải cơm vào bụng. Có lần tôi thử ăn vã (chỉ ăn thức ăn, không kèm cơm) hẳn một con tôm giảo rang để tận hưởng miếng ngon xem nó quắt tai ra sao nhưng sau đó phải trả giá bởi và (lùa) miếng cơm không vào mồm nó cứ nhạt nhẽo thế nào ấy. Người nhớn nhắc nhở ta điều nọ điều kia bằng kinh nghiệm đã trải qua, không phải không có lý của họ.

Ngược với ăn dè là ăn mặn. Nghĩa đen của ăn mặn là ăn nhiều muối, nhiều mắm. Mắm muối chứa vị mặn, anh nào ăn thứ đó nhiều hơn người khác thì bị chê ăn mặn. Dân vùng biển thường ăn mặn hơn người những vùng khác, có nhẽ ở biển sẵn muối. Hồi những năm 1960 trở về trước, người vùng núi cao thường ăn rất nhạt bởi muối hiếm, vận chuyển đường sá xa xôi, khó khăn. Ăn nhạt quá thì dễ bị phù, phù thũng, mặt cứ bệu ra, da dẻ xanh bợt lá cây. Dạo tôi học cấp 2, còn nhớ trong sách trích giảng văn học in bài Bữa cơm thường trong bản nhỏ của nhà thơ Chế Lan Viên, có câu “Muối lên rừng tay bưng tay đặt/Bộ đội Bác lên rừng công tác em thương”, muối quý lắm, từng hạt muối chẳng khác hạt vàng. Truyện Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc viết về anh hùng Núp và dân làng Kông Hoa ở Tây Nguyên trốn lên rừng để đánh Pháp, không có muối phải đốt cả cỏ tranh khô lấy tro ăn thay muối. Giờ thì khác, người ta sợ ăn mặn, dễ bị huyết áp cao, nên đài báo, tivi nhan nhản lời khuyên cần ăn nhạt để bảo vệ sức khỏe. Tất nhiên kèm theo lời khuyên ấy thường là một vài thứ thực phẩm chức năng giá cực đắt rất cần cho người bị cao huyết áp hoặc bị bướu cổ, với lời đọc liến thoắng, hay in chữ bé tí ti như con kiến “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Cạnh cái nghĩa đen ấy thì “ăn mặn” có nghĩa là ăn rất tốn thức ăn. Người lớn sống trải đời nên phần lớn biết điều, ăn uống có chừng mực, ngó trước trông sau, nhưng bọn trẻ con thì thường rắn mặt khó bảo, chúng ăn uống chỉ cốt thỏa cái mồm. Đứa nào bị chê, bị đánh giá ăn mặn, không khác gì được gắn cho danh hiệu ăn tham. Người nhớn luôn phải nhắc nhở chúng “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vậy, để kiềm chế cái tính tham ăn hồn nhiên của chúng lại. Kể cũng tội, đang tuổi ăn tuổi nhớn, miếng ăn cũng bị siết vào quy trình ứng phó sự thiếu thốn, mất cả tuổi thơ. Dạo xưa thiên hạ vẫn kể cho nhau chuyện nhà kia nghèo túng, bữa ăn chỉ cơm suông. Chẳng có gì làm thức ăn, ông bố bèn đẽo con cá bằng gỗ rồi nướng sém vàng để giữa mâm, bảo các con, chúng bay cứ và một miếng cơm thì lại đụng đũa vào con cá một nhát, giống như ăn cơm cá, con ạ. Thằng anh thương bố vừa ăn khen cá béo, tuy hơi lắm xương. Nó để ý thấy thằng em đụng đũa 2 lần rồi mới và cơm vào mồm liền mách bố, bố ơi thằng cu nó “ăn mặn” lắm, con thấy nó xắn cá 2 lần cho mỗi miếng cơm. Một thời thật buồn.

Còn ăn độn, tôi từng biên hẳn thành bài về chuyện ăn độn, không ít người đã đọc. Bây giờ lương thực ê hề, nước ta xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chả mấy ai phải ăn độn. Sơn hào hải vị thì có thể thèm chứ cơm không thiếu. Không phải ăn độn nên không nghĩ tới từ “ăn độn” nữa. Ngày xưa người xứ ta lấy ăn cơm là chính, nhưng khi hạt gạo hiếm hoi, chẳng đủ no bụng nên phải thêm thứ này thứ nọ độn vào nồi cơm. Nhiều khi một phần gạo kèm hai, ba phần độn. Ăn thứ cơm ấy gọi là ăn độn. Cốt no cái bụng đã, còn ngon để tính sau.

Đập lúa ở sân kho hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc thời những năm 1960 - Ảnh tư liệu/Internet

Trong vốn từ cũ có từ “ngũ cốc”. Đây là từ gốc Hán Việt. Cốc, theo từ điển của cụ học giả Đào Duy Anh, là hạt cây lương thực như lúa, kê, mạch, đậu… Càng về sau, nghĩa của từ này càng mở rộng, để chỉ chung lương thực, không hẳn cứ phải hạt. Những cây nào cho ra sản phẩm nuôi được con người đều được xếp vào hạng ngũ cốc. Mà có thể không dừng ở 5 (ngũ) loại, có khi tới thất cốc, cửu cốc. Thành ngữ "tích cốc phòng cơ" có nghĩa là trữ lương thực để phòng khi xảy ra cơ sự thiếu thốn đói kém. Miền Bắc những năm 50 - 70 thế kỷ trước, tôi vẫn được nghe tuyên truyền về sản xuất lương thực, về ngũ cốc, lấy 5 loại cây chính làm lương thực nền tảng: lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ. Trong 5 thứ ấy, đương nhiên lúa đứng hàng đầu bởi nó sinh ra hạt gạo. Hạt lúa được gọi là hạt vàng mười, còn gạo thì vinh hiển hơn nữa, có tên “ngọc thực”, tức là thứ lương thực quý như ngọc, quý hơn ngọc. Gạo quan trọng tới mức do nhà nước độc quyền quản lý. Nông dân thu hoạch lúa, sau khi đập thóc, phơi khô, sàng sảy sạch sẽ thì chỉ được chia phần thóc nhất định cho số nhân khẩu trong gia đình, thường bình quân gần 15 ký/tháng/khẩu (xay giã xong còn độ chục ký gạo), còn lại phải nộp tất cho nhà nước. Gạo để ăn mà lấy sức làm việc, tái sản xuất, ai muốn làm bún làm bánh đều phải xin phép, anh nào mà dấm dúi đem gạo nấu rượu chui (hồi đó có tên cuốc lủi, để phân biệt với rượu quốc doanh do nhà nước nấu hợp pháp), nếu bị bắt sẽ bị tịch thu hết dụng cụ phạm pháp, có khi phải đi tù.

Sau gạo ở ngôi vị chúa tể, là những khoai, ngô, sắn, đỗ (đậu) và những thứ khác. Tất cả đều được xếp chung vào hạng mục lương thực.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
6 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện lương thực