Ảnh hưởng từ đại dịch đã khiến 6,2% lao động trẻ tại ASEAN mất việc làm, so với tỷ lệ thất nghiệp 2,8% ở người trưởng thành. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục đẩy nhóm người trẻ ít được phục vụ bao gồm nữ giới và người khuyết tật vào thế bất lợi.
Quỹ ASEAN mới đây đã phối hợp với Tổ chức Plan International đưa ra báo cáo nghiên cứu “Nhận diện những cách biệt: Kỹ năng cần thiết để Thanh niên ASEAN bước vào tương lai” với sự hỗ trợ từ Google.org. Nghiên cứu chuyên sâu này tập trung vào các nhóm thanh niên từ các cộng đồng thiểu số, phụ nữ, người khuyết tật, người thất nghiệp và người lao động có thu nhập dưới mức tối thiểu. Báo cáo ghi nhận kết quả từ 1.080 người trả lời khảo sát, 320 người tham gia thảo luận nhóm tập trung và tham gia phỏng vấn đến từ 10 quốc gia ASEAN có liên quan.
Đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam gia tăng
Báo cho thấy, Việt Nam có tổng dân số 97 triệu người tính đến năm 2020. Trong số này, hơn 23 triệu người (tương ứng 25% dân số) là thanh niên trong độ tuổi 16-30. Thanh niên đã bị ảnh hưởng bởi việc thực thi các chính sách hạn chế do hậu quả của đại dịch. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của Việt Nam đã tăng từ 6,5% ở thời điểm trước đại dịch lên 7,5% trong quý 2/2021, cao hơn gần 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong độ tuổi lao động.
COVID-19 cũng khiến phụ nữ chịu những thiệt thòi không đáng có trên thị trường lao động Việt Nam. Trái ngược với xu hướng giảm tỷ lệ thất nghiệp của nam giới trẻ tuổi từ 5,7% xuống 5,2% trong quý 3 và quý 4 năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới trẻ tuổi lại ghi nhận mức tăng nhẹ từ 9,1% đến 9,2%. So với nam giới, nữ giới thường hiện diện ở những công việc chất lượng thấp hơn, nơi họ kiếm được ít tiền hơn mặc dù thời gian làm việc là tương đương với nam giới. Họ cũng được gán cho vai trò lớn hơn trong các công việc không có chế độ bảo hộ (ví dụ như việc quán xuyến gia đình), và ít có tiếng nói hơn ở những vị trí công việc đưa ra quyết định.
Cần cải thiện kỹ năng số, bên cạnh kỹ năng quản lý bản thân và giao tiếp
Theo nghiên cứu, có một khoảng cách tiềm tàng rất lớn giữa trình độ thông thạo kỹ năng hiện tại của thanh niên Việt Nam và tham vọng về Công nghệ thông tin – Truyền thông mà Việt Nam theo đuổi. Có tới 44% số người được hỏi cho biết họ không thành thạo các kỹ năng số dù ở mức cơ bản đến mức thấp. 37% thành thạo ở mức độ thấp, và 43% cho biết họ không có bất cứ kỹ năng số nâng cao nào. Trong khi đó, có tới 76% thanh niên cảm thấy các kỹ năng về quản lý bản thân quan trọng hơn để tìm được việc làm. Các kỹ năng giao tiếp như lãnh đạo hoặc làm việc nhóm đứng ở vị trí thứ hai với 73% lượt tán thành, theo sau đó là kỹ năng nhận thức với 70%.
Nhóm thanh niên ít được phục vụ gặp thách thức lớn hơn khi muốn cải thiện kỹ năng
Nếu nhìn xa hơn từ nghiên cứu, có thể thấy rằng 66% thanh niên Việt Nam trau dồi kỹ năng thông qua hoạt động giáo dục chính thức hoặc được cố vấn (54%). Khoảng 1/3 có được kỹ năng từ mô hình đào tạo tại chỗ (on-the-job) (37%), và một tỷ lệ ít hơn đến từ việc thực tập (22%) và trung tâm đào tạo (13%). Hầu hết thanh niên Việt Nam chưa tham gia bất kỳ hoạt động đào tạo nào (62%). Trong số những người trẻ đó, 60,5% đã theo học các chương trình do các cơ sở tư nhân cung cấp và 39,5% được hưởng lợi từ khóa đào tạo do chính phủ tài trợ.
Những thách thức chính đối với việc tham gia đào tạo mà thanh niên phải đối mặt là tâm lý thiếu quan tâm (18%), tình trạng thiếu thời gian (13%) và thiếu khả năng tài chính (13%). Cứ 10 người thì có chưa tới 1 người gặp vấn đề thiếu thiết bị (8%), rào cản về khoảng cách (7%) và thiếu mô hình đào tạo thân thiện với người khuyết tật (3%). Những người tham gia khảo sát cũng giải thích rằng việc tham gia đào tạo trực tuyến không hiệu quả do thiếu các bài học thực tế. Một số khóa đào tạo kỹ năng chức năng cho thanh niên ít được phục vụ, chẳng hạn như dịch vụ sửa chữa tủ lạnh, nấu ăn và dịch vụ spa, sẽ yêu cầu học thực hành để đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt đối với nhóm thanh niên ít được phục vụ sinh sống ở khu vực nông thôn, đào tạo trực tuyến vẫn là một thách thức do hạn chế về cơ sở hạ tầng và nguồn lực như máy tính cá nhân.
Giám đốc Điều hành của Quỹ ASEAN, Tiến sĩ Yang Mee Eng cho biết: “Dư âm của đại dịch vẫn còn đó khi thế giới bắt đầu bước vào thời kỳ hậu COVID. Sự thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra trong thị trường việc làm ngày nay đòi hỏi thanh niên phải thích ứng nhanh chóng, bằng cách đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng cho bản thân. Đây là lúc ‘Cầu nối tới Tương lai: Việc làm cho Thanh niên ASEAN’ phát huy tác dụng. Chương trình được thực hiện với mục tiêu: không chỉ hỗ trợ thanh niên ASEAN trang bị đủ các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 để (tái) gia nhập lực lượng lao động mà còn xây dựng một nền kinh tế bền vững và an toàn hơn sau đại dịch”.
Song song với báo cáo nghiên cứu, chương trình “Cầu nối tới Tương lai: Việc làm cho Thanh niên ASEAN” cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khác với sự ra mắt của trung tâm thông tin việc làm ASEANJobs.org. Website sẽ là giải pháp bền vững giúp thanh niên ASEAN kết nối với các nhà tuyển dụng từ khắp khu vực và đảm bảo cơ hội việc làm.
Khởi nghiệp là khao khát lớn nhất của thanh niên Việt Nam
Cứ 2 thanh niên Việt Nam thì có 1 người khao khát khởi nghiệp (43%), tiếp theo là làm việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (37%), giáo dục (22%), công nghệ (20%), tổ chức phi chính phủ và chính phủ (17%), và lĩnh vực tài chính (11%). Chỉ một tỷ lệ nhỏ người được hỏi tìm kiếm nghề nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải (8%) và năng lượng (5%).
Trong khi nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật số ngày càng tăng trong nước, những kỹ năng này ít được nêu lên nhất trong số các kỹ năng cần được nâng cao. Thay vào đó, khoảng một nửa số người trẻ được khảo sát muốn có thêm kỹ năng quản lý bản thân (53%) và kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân (48%). Tiếp theo là nhu cầu về việc đào tạo lại các kỹ năng số nâng cao và nhận thức (37%), kế đến là các kỹ năng số cơ bản (28%).
Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên nhân tố sang nền kinh tế dựa trên hiệu quả, nơi các công việc thủ công có năng suất thấp đang bị vượt qua bởi các công việc phi thủ công đòi hỏi nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, trình độ của những người trẻ đang phải vật lộn để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, trong khi các công ty cũng có xu hướng coi trọng kinh nghiệm hơn trình độ học vấn.
Nâng cao kỹ năng và đào tạo lại thông qua thực tập, học việc, vị trí công việc, và những mô hình học tập khác lồng ghép va chạm công việc thực tế là cần thiết để thu hẹp khoảng cách kỹ năng và giúp thanh niên sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường.