Một lúc nào đó, cậu hỏi tôi, “Này, từ trên ấy có thể thấy gì nhỉ?”, rồi lơ đãng nhìn ra bên ngoài. Tôi làm theo, chẳng thấy gì ngoài sân trường và một góc của bầu trời.

Người trẻ thì chưa có hình hài

Một Thế Giới | 19/01/2014, 14:00

Một lúc nào đó, cậu hỏi tôi, “Này, từ trên ấy có thể thấy gì nhỉ?”, rồi lơ đãng nhìn ra bên ngoài. Tôi làm theo, chẳng thấy gì ngoài sân trường và một góc của bầu trời.

Trên ấy là đâu, tôi hỏi. Cậu không nhìn tôi, bắt đầu ngáp và gục xuống bàn. Nơi ấy là đâu, và đứng trên ấy cao thế nào, suốt cả buổi học tôi sẽ tự hỏi những câu như thế. Cuối giờ, tôi lại hỏi lại, này, cậu thấy chỗ đó à, cậu ta trả lời, chỗ nào?

Những kẻ gọi là học sinh chúng tôi mới vừa chạm ngưỡng lớn. Vị thành niên thì chưa được uống rượu, chưa được cấp bằng lái, chưa có bạn gái và chưa kịp hiểu mùi vị của tình dục, đã mau chóng bị cuốn đi theo cái vòng quay học sinh cấp ba ấy. Chúng tôi hay nhắc với nhau, ngày nào đó, khi còn là học sinh, chúng ta sẽ thử hết tất cả những trò này. Cậu nói, không thử từ bây giờ là phí lắm, ngoài những cái đó ra thì học sinh chưa phải vào tù, chưa phải chịu trách nhiệm, thích thế còn gì.

Tôi gật gù, đúng nhỉ, đúng nhỉ, còn cậu chỉ mỉm cười. Trong những năm cấp ba, tôi và cậu đã cùng nhau làm gần hết những trò đó. Chúng tôi ăn trộm xe máy của anh họ rồi phóng trên đường cao tốc, chạy đua cùng những chiếc xe tải và húc vào đuôi chúng, cũng đã tận hưởng cả những tiếng đàn ông la ó và chửi rủa. Cùng thời gian ấy, cậu còn mua về một chai Johnny Walker pha nước, đêm mùa hè say, hai đứa nhìn đâu cũng thấy mặt trời.

Ông tôi từng bảo, khi say ông chẳng thấy gì ngoài khuôn mặt nhăn nhó của bà, bà mất rồi, ông uống rượu nhiều hơn, cô chú cằn nhằn ông chỉ khóc. Tôi nói, chắc là ông muốn gặp bà lắm, cậu nghiêng đầu, thế mà hình ảnh cuối cùng lại buồn cười nhỉ, khuôn mặt cau có thì có gì mà nhớ.

À, còn một cái nữa, một lần cậu nói, ngồi thẳng lưng trên ghế và nhìn chằm chằm vào tôi. Đó là tiết Lịch sử. Chúng tôi không để tâm mấy và đang chơi chọi gà. Cậu ta thích thú khi thua cuộc, ngón tay cậu mềm dưới ngón tay tôi, cậu ta bình thường khỏe mạnh, nhưng chơi trò này cậu ta gần như không hào hứng, sức trên tay cũng vì thế mà yếu đi.

Cái gì, tôi ghì tay cậu xuống, cậu ta cũng chả buồn cựa quậy. Gần như thế, cậu ta uể oải bảo tôi, à, là tình dục ấy, cái đó đã thử đâu. Tôi nhún vai, chúng tôi là học sinh năm cuối, thứ vô hình siết đai lên lũ học sinh là mấy chữ trượt-đại-học. Tôi và cậu ta may mắn nằm ngoài những điều đó, bản thân cậu vốn dĩ sẽ ở lại làm quản lí kho hàng cho mẹ, còn tôi, tôi chẳng nghĩ ra được mình muốn làm gì. Việc gì tôi cũng chán, không thích đến mức đặc biệt, cũng chẳng cụ thể. Tôi làm gì cũng được, nhưng tôi lại chẳng muốn làm gì.

Tôi chỉ muốn trong quãng đời còn lại của tôi có Johnny Walker pha nước và say bên cậu ta, cùng cậu ta nhìn thấy mặt trời. Cậu là mối liên kết của tôi với thế giới. Nếu tôi sống không có cậu ta, tôi sẽ phải kết nối với những người khác. Hay là làm nhé, cậu ngả người ra sau, nhìn lên trần nhà và nói. Làm gì, tôi biết cậu ta muốn làm gì. Cái ấy đấy, à là cái ấy, chúng tôi gật gù rồi tôi quay lên trên. Cậu không nói thêm gì nữa, tôi có thể nghe được tiếng thở của cậu ta.

Một cô gái. Những cô gái. Những cô nàng mới lớn. Họ là một cái giống gì đó phiền nhiễu, tôi nghĩ thế. Một con em gái là đủ rồi.

Tôi không thích gái đứng đường, họ không sạch. Tôi muốn lên giường với ai đó giàu kinh nghiệm, ai đó đủ khôn ngoan và có chút hiền lành. Bọn con gái ấy à? Tôi nhìn quanh. Không, chẳng có. Rồi tôi nhìn cậu ta. Cậu ta ngủ trong tư thế đan hai tay sau gáy, như thể cái đầu quá nặng và trong khi đỡ nó thì ngủ quên.

Tôi nhớ lại câu hỏi của cậu, “Trên ấy thì có thể thấy gì?”, rốt cuộc tôi chẳng thể biết được trên ấy của cậu ta là nơi nào, một chỗ nào đó trên trái đất mà cậu không thể đến được ư? Vậy sao tôi biết được. Trên ấy à, tôi chống cằm nhìn ra bên ngoài, trời ngả màu ghi, mọi thứ tối lại nhanh đến khó chịu. Cậu thì vẫn ngủ, tiếng ngáy nhè nhẹ vọng đến tai tôi, xung quanh các cô gái thi thoảng nhìn cậu và cười với nhau ra chiều thích thú. 

Các cô nàng thích những anh bạn như thế, tôi nhủ thầm, những thằng ngang tàng và nhìn ngu ngốc khi ngủ. Cậu ta chính là một dạng như vậy. Khi ngủ, cậu ta chỉ như con mèo béo, chẳng có chút phòng bị gì. Còn khi cậu ta dậy, vươn vai và nhìn khắp lớp, cậu sẽ mau chóng quay về bản chất chó đực nhà hàng xóm. Một con chó lớn xác, thích sủa và cô đơn.

Thế thì tôi là con gì nhỉ, không, tôi chẳng là con gì hết, tôi là người.

Tan học. Một đám hoảng loạn. Tôi tìm cậu ta chạy trốn trong biển người. Đi đâu thế, tôi túm được cậu đang lúi húi buộc lại dây giày. Không có gì, bị lạc thôi, cậu kéo tôi xuống để đứng lên. 

Dây giày của cậu ta màu xanh lơ, làm như tôi không biết điều đó ấy. Lần sinh nhật thứ mười sáu,  con em gái tôi đã tặng nó cho cậu ta, tặng cho cái kẻ ra đường là sục vào dép xỏ ngón. Từ khi có dây giày, cậu ta chăm đi giày hơn. Thích nó à, lần đó tôi hỏi, hơi tò mò, không, cậu nói, dùng hỏng thì thôi. Một năm rồi, cái dây giày mòn đi nhiều và gần đây cậu ta càng dùng nó tợn.

Bây giờ thế nào, vặn vẹo cổ, cậu ta hất đầu với tôi, giọng có chút thờ ơ và mong chờ. Tôi không hiểu cái mong chờ đó, cậu vốn dĩ không phải loại con trai cấp ba nhìn một cặp lesbian hôn nhau và tự sướng. Không biết, tôi trả lời, leo lên xe đạp và đi.

Từ khi biết nhau, lúc nào cũng là tôi chở cậu ta, mặc cả nắng cả mưa, cậu ta nghỉ thì thôi, còn không tôi sẽ chở cậu ta trên cái yên sau này mãi mãi. Tôi đã nghĩ như thế rất nhiều lần, với cái xe đạp này, cùng cậu ta lúc nào cũng lẩm bẩm đằng sau, con đường tôi đi cứ dài ra đến ngút ngàn. Đến một lúc nào đó, có lẽ nó sẽ vươn đến tận tương lai.

Thế, chúng ta thì sao. Tôi nói, gì vậy. Chúng ta ấy, phía sau đang lẩm bẩm. Chúng ta thì sao, tôi nhìn đường. Con đường lần này có cả ngã rẽ. Tôi phải rẽ bên nào đây. Hiểu thì nói là có đi, thế là ổn mà. Cậu ta biết. Tôi cũng biết. Chúng tôi hiểu rõ cả hai đang nghĩ gì. Nhưng tôi khác. Tôi còn phải quyết định xem rẽ bên nào. Bên tôi-sẽ-ngủ-với-cậu-và-coi-nó-là-trò-lố hay chúng-ta-nên-dừng-lại-và-nói-chuyện-đàng-hoàng.

Tôi đi thẳng. Nghĩa là tôi im lặng. Cậu ta không lẩm bẩm nữa, thay vào đó, cậu thắng xe lại bằng chân, người tôi giật ra sau, theo quán tính, cậu ta đập vào lưng tôi. Cậu cứ giữ thế, chúng tôi dừng bên lề của đám đông, với tôi với cậu ta dính với nhau và kiểu như cậu ta đang khóc. 

Tôi cứ nhìn những mảng màu nhòe nhoẹt, người ta di chuyển, người ta rẽ. Tôi thì đi thẳng. Đi mãi rồi cũng phải dừng lại thôi.

Nói có đi, cậu thì thầm. Tôi muốn hỏi tại sao, nhưng nếu tôi làm thế, cậu sẽ rời bỏ tôi vĩnh viễn. Nên tôi kiên trì im lặng. Nói có đi, cậu lặp lại. Nói có đi, cậu tiếp tục. Chữ “có” xuất hiện trong đầu tôi, nó đã đứng dậy và mặc quần áo, nếu tôi không nhầm thì đó là một cái áo học sinh bị phai hồng, gần giống cái áo của cậu ta. Chữ “có” tiến từng bước về phía mắt tôi, trôi xuống mũi tôi rồi đậu lại trên lưỡi tôi. Nó đợi tôi há miệng để thoát ra ngoài với người yêu của nó. Thế là tôi quay người lại và thả nó vào miệng cậu.

Người ta gọi nó là một cái hôn. Bên lề đường, trên xe đạp, cậu ngẩng mặt lên trời, đôi mắt nhắm lại và tôi cứ nhìn cậu ta mãi.

“Này, từ trên ấy có thể thấy gì nhỉ?”.

Trên giường, trong căn phòng dán đầy poster Green Day và The Carpenters, chúng tôi thử điều đó. một câu chuyện mới mẻ, một thời khắc mới mẻ và bùng nổ. Cái gì đó khác lạ đến ghê người, đầy kích thích. Tôi nằm đó, nhìn dây giày màu xanh lơ của cậu ánh lên rồi tối thẫm lại, nó lẩn quất trong bóng tối mù mịt, chúng tôi không thấy rõ mặt nhau. Đừng bật đèn, cậu thở vào tai tôi.

Ánh sáng của trời quang biến thành màu đục, và bên trong bóng tối đó, tôi nhắm nghiền mắt lại. Môi tôi mở rộng ra và tôi siết chặt lấy cậu. Chúng tôi sắp chết. Chúng tôi không nghĩ được gì. Những xúc cảm nóng rực trong người tôi nguội ngắt, đôi tay tôi chạm vào lưng cậu, cào xé lớp da mỏng ấy, lớp da nếu có nắng sẽ đỏ rực lên và đổ mồ hôi nhầy nhụa. Còn ở đây, trong khối đen này, nó mềm mại, có hương.

Tôi đã ngửi thấy gì nhỉ, à phải, là mùi của đàn ông. Cậu đã trở thành đàn ông từ lúc nào vậy, cậu đã bỏ lại tôi từ bao giờ vậy. Có phải từ ngày cậu trèo lên được nơi ấy không, cậu đã thấy gì ở đó, nói tôi nghe, cậu đã thấy gì. Mắt tôi khóc. Nó khô và ráo hoảnh.

Cậu châm thuốc và hút. Cậu ho. Tôi mới là người hay hút. Lúc tôi cần Johnny Walker loãng và nhạt thếch, tôi thay chúng bằng thuốc. Mùi khét và cháy xém lan trong họng tôi. Nhịp thở của tôi ổn định dần, tôi thôi không nhìn dây giày màu xanh lơ nữa, tôi nhìn cậu. Lưng cậu gập xuống và cậu nhả khói. Vừa ho vừa nhả khói. Khói có mùi mồ hôi của tôi. Cả căn phòng này là của tôi, thế mà từ bao giờ nó ngập đầy thứ mùi đặc quánh trong tiếng ho khan của cậu.

Thế nào, cậu không nhìn tôi, nhẹ nhàng thở ra một làn khói. Tôi ngồi dậy, khẽ vuốt dọc lưng cậu ta. Tấm lưng ấy nhỏ bé như những gì tôi nhớ, nhưng trong bóng tối chúng tôi vừa trải qua, nó bỗng to lớn hơn và cứng cáp hơn nhiều. Tôi áp trán mình vào đó, chúng tôi cứ như thế cho tới lúc điếu thuốc tàn.

Mùa hè và học sinh và nỗi lo trượt-đại-học dâng đầy trong không khí. Còn tôi và cậu, chúng tôi giống những chai sữa rỗng không nhởn nhơ bên ngoài, đợi người ta quăng đi. Không lo nghĩ gì cả, vô ưu và tự tại. Học sinh thì thường nuối tiếc nhiều thứ. Tôi thì không. Có thể vì tôi không hẳn là học sinh trong suốt quãng thời gian đó, hoặc bởi những điều tôi muốn tôi đã làm được tất cả rồi. Phóng bạt mạng, uống say, làm tình. Tôi đã làm hết, và cùng với cậu.

Những việc đó không hẳn là quá đỗi quan trọng với tôi, chỉ là tôi đã có một thời học sinh cạnh cậu, làm với cậu những thứ chúng tôi đã nghĩ ra khi cùng nhau chọn trường, vào cùng một lớp. Ở bên nhau, thế thôi. Tôi không có cái gọi là ước mơ, hoặc giả có thì là trở thành mối liên kết của cậu. Chúng tôi quấn vào nhau và trả lời thế giới, cả hai đầu dây đều luôn phát ra những thanh âm kì quái, những tiếng thở, tiếng hét và tiếng khóc than điên dại. Thế giới này không tiếp nhận chúng tôi, và chúng tôi cũng chẳng muốn bám vào nó nữa.

Cậu gọi tôi, từ ổ lòng trống trải. Có muốn thấy nó với tôi không, vào ngày cuối cùng của thời học sinh, cậu đã hỏi tôi như thế. Cái gì mới được, tôi không quay người lại, tôi đáp lại cậu bằng tim mình, hi vọng cậu sẽ hiểu. Trên ấy, cậu vẽ lên lưng tôi. Thực ra thì là chỗ quái nào nhỉ, tôi đoán những điều cậu viết. Cậu đang viết, qua lần vải trắng của học sinh, ngón tay cậu chạm thẳng vào thân thể tôi, vào cái vỏ thô ráp này. Trên đỉnh của thế giới. Và tôi nói, được thôi.

Thế giới không chào đón chúng tôi, và cùng cậu, tôi sẽ trèo lên tận cùng của nó, ngồi trên đầu nó và cười. Tiếng cười giòn tan và sảng khoái, tiếng cười lảnh lót vang vọng khắp nơi. Hãy nhìn vào tôi, hãy nhìn vào tôi, con người. Tôi đang ở đây, tôi ở ngay đây này. Xin hãy nhìn vào tôi.

Người con trai đó bảo, chúng ta đã luôn cô đơn rồi. Có muốn cùng tôi đi đến cuối con đường hay không? Tôi nhìn trời. Tôi gật đầu.

Chà, hôm nay cũng rất xanh.

“Này, từ trên ấy có thể thấy gì?”.

“Trên ấy à? Thấy đại dương, thấy mặt đất, thấy mọi thứ đấy chứ”.

“Không, sai rồi. Thấy tự do”.

23.4.2012
Lắng nghe Di trải lòng

Tôi đang học cách để làm người lớn

 Nguoi tre thi chua co hinh hai
Chân dung tác giả Di

Truyện ngắn này Di đã viết khi 16 tuổi và sửa lại lúc 17 tuổi.

Và đó là truyện duy nhất của thời kỳ đó Di còn giữ. Những truyện khác cô đã delete cả, bởi “không thể biên tập như ý muốn”.

* Ở tuổi 19 hiện nay, Di nhớ về tuổi 16 của mình:

“Tôi đã từng nghĩ về quãng thời gian ấy. Cái cột mốc mười sáu tuổi thần thánh trước mặt. Hồi đó tôi thèm làm người lớn khủng khiếp. Tôi muốn lớn thật nhanh, tôi muốn được hút thuốc, tôi muốn xăm trổ, tôi muốn chẻ lưỡi rắn và cải tạo cơ thể của chính mình.. Tôi thi vào một ngôi trường danh tiếng. Tôi đỗ và mọi thứ trải dài trước mắt tôi một con đường hoan hỉ, dễ đi, mộng mơ và an bài. Tôi chưa bao giờ sợ hãi. Tôi không thể biết được rằng rồi nó sẽ xuất hiện, ngay cạnh bên tôi như một giấc mơ không báo trước. Một cột sóng đâm thẳng lên giữa khí trời. Tôi đã từng hạnh phúc biết bao.

Lớp mười của tôi có bốn mươi mốt học sinh. Lúc đó nhiều hơn, sau cũng chuyển đi ít nhiều. Tôi có bạn thân từ hồi cấp hai và làm quen được với một vài đứa nữa, những đứa vẫn còn là bạn tôi cho đến bây giờ. Giáo viên chủ nhiệm là một ông già chừng bốn mươi, có cái dáng cam chịu. Học sinh nhìn chung có vẻ thân thiện với nhau. Ngày đầu tiên đến lớp tôi ở trong một trạng thái mộng mơ. Và rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp cả, tương lai của tôi sẽ rộn ràng.

Thành thực và xảo trá, tôi tự lừa dối chính mình bằng một cú đúp đầu tiên. Thứ nhất là, tôi tin tưởng vào tình bạn. Thứ hai là, tôi tin tưởng vào tương lai. Tôi đã học được rằng trong cuộc sống thực tế này, cả hai thứ ấy đều phụ thuộc vào tôi. Rằng bạn bè là một điều gì đó vô cùng xa xỉ và chúng ta sẽ chẳng bao giờ tránh được tổn thương, chúng ta rồi sẽ làm tổn thương nhau và tổn thương chính mình, chúng ta sẽ thấy tương lai là một tấm bản đồ mờ mịt không có chỉ dẫn và được viết bằng một thứ ngôn ngữ mà không ai giải mã được.

Và những thứ gọi là giấc mơ, chúng trở thành ác mộng ngay khi ta mở mắt. Điều đầu tiên tôi học được ở trường không phải là kiến thức. Thực tế, kiến thức không phải là thứ ta học được ở trường. Tôi học được rằng ghét từ cái nhìn đầu tiên là một cảm giác có thật và ta phải tin vào nó. Nó không bao giờ sai. Tôi cũng học được rằng ở trường có những người được gọi là giáo viên dù không có bằng dạy học. Tôi cũng biết được một điều, đó là không có ai sẵn sàng giơ tay ra để chúng ta níu vào lúc cần thiết. Tôi đã không biết những điều đó khi tôi học lớp mười.

Bây giờ tất cả chỉ còn là hồi ức. Chúng nhẹ và không còn cảm giác đau. Tôi không rõ khi đó tôi đã cảm thấy những gì. Tôi biết mình đã thấy buồn rầu, thấy đau đớn, nhưng tôi không còn cảm giác ấy nữa. Mọi thứ đã qua.

Bây giờ thì tôi ổn. Tôi đã quên hết tất cả những điều này. Dù không nhớ được các chi tiết, nhưng nó vẫn ở đó, một cái mốc trên hành trình của tôi”. 

* Di viết như một “bản năng” bởi đó có vẻ là công việc duy nhất khiến cô thấy vui. Nhưng cô đọc như một tín đồ và cô nói về những nhà văn mà mình yêu thích nhất:

“Tôi đọc Rừng Na Uy của ông khi tôi chẳng có việc gì làm, khi tôi buồn, khi tôi vui hay khi tôi thực sự cần chút cảm hứng để viết lách. Bây giờ, tôi vẫn đọc Rừng Na Uy. Đó là cuốn sách mà tôi nghĩ tôi đã tìm thấy nó. Ai cũng nên tìm thấy một cuốn sách như thế trong đời. Nó giống như là một người tri kỉ không bao giờ phản bội ta. Nó đáng tin và nhân hậu. Tôi đã đánh dấu tuổi mười bảy của mình bằng các tác phẩm của Murakami như thế. Khi đó, tôi có hai người bạn, là nhật kí và Rừng Na Uy.

Mười bảy tuổi là một quãng đáng sợ. Nó chông chênh và ngấp nghé trước cái lằn ranh của sự trưởng thành. Trưởng thành là một điều khắc nghiệt. Đôi khi tôi thực sự tin tôi sẽ không sống đến tuổi mười tám. Nhưng lúc này thì tôi rõ là vẫn ở đây. Tôi đã từng tưởng tượng về cái chết của chính mình. Điều buồn cười là, trong cái tưởng tượng của tôi, cửa phòng luôn mở và chưa bao giờ tôi chết hẳn.

Bố mẹ sẽ xông vào khi máu trào ra, tôi sẽ được đưa đi bệnh viện, tất thảy mọi người khóc lóc dữ dội trước cửa phòng cấp cứu rồi nhờ một phép màu, tôi tỉnh lại. Và khi đó, mọi thứ sẽ không còn đau đớn và buồn bã như trước kia. Mọi người sẽ đối xử tốt với tôi hơn, sẽ không còn ai làm tổn thương tôi nữa.

Nhưng dĩ nhiên, chưa bao giờ tôi có đủ can đảm để hiện thực hóa những ảo tưởng của mình. Tôi vẫn sống, vẫn khỏe mạnh và tôi vẫn buồn. Mọi người xung quanh tôi cũng vậy.

Tôi đã từng muốn trở thành một nhà văn. Một nữ nhà văn. Như Marguerite Duras. Tôi yêu bà ấy. Cái cách bà sắp đặt những con chữ. Đó là một mũi nhọn đủ sắc lẹm để cứa đứt trái tim người ta. Tôi vẫn khóc khi đọc Marguerite Duras. Không còn nhiều thứ làm tôi khóc nữa.

Tôi đã từng nghĩ rằng viết cứu rỗi linh hồn tôi. Thế rồi trong khi viết, tôi nhận ra tôi đang tự cứu rỗi chính mình. Không ai có thể làm được điều đó cho tôi. Không một điều gì. Tôi đã viết để tôi có thể viết.

Và tôi đã làm thế. Tôi vẫn đang tiếp tục tự cứu mình. Trong lòng chúng ta có quá nhiều tổn thương. Ngày qua ngày, những vết thương đó chất chồng lên nhau và chúng chứa lấy nhau, chúng hòa vào nhau để rồi đến một ngày nào đó, bạn nhìn vào trong gương và bạn sẽ thấy, nỗi buồn đau đang trôi ra từ đôi mắt bạn.

Trở thành một nhà văn là, viết ra những áng văn tuyệt đẹp. Đối với tôi, tiêu chuẩn của một nhà văn giỏi là câu cú gọn gàng, đẹp đẽ, đi thẳng vào lòng người và có khả năng phục thiện. Tôi nghĩ như vậy.

Ý tôi là, một nhà văn giỏi là một nhà văn có thể dùng những câu chữ của họ để cứu một vài người khác. Haruki Murakami đã cứu tôi, Duras đã cứu tôi, họ cho tôi sức mạnh. Họ viết về những nhân vật chìm đắm trong thế giới nhầy nhụa của riêng mình. Họ trong hơi thở của tất cả chúng ta, tâm hồn và thể xác.

Có một phần nào đó của Toru Watanabe trong mỗi người, và cũng có một phần nào đó của Người tình, cái sự chiêm nghiệm tính dục đó, cái sự hồ hởi và non nớt của em. Cái u uẩn trong văn chương của họ là phép màu của tái sinh và sự sống.

Tôi đang học cách để làm một người lớn. Tôi không định nghĩa được làm người lớn là thế nào. Tôi cũng không biết làm người lớn thì có thể có nhiều tự do hơn không. Và, đó là tất cả những gì tôi có thể viết ra ở đây, để trải lòng.

Tôi chỉ hi vọng, những điều này sẽ xoa dịu mỗi chúng ta một chút. Bởi thế giới này chắc chắn sẽ khiến chúng ta đau lòng. Đó là điều chắc chắn. Không phải hi vọng, không phải tuyệt vọng.

Nó rõ ràng như ánh sáng và bóng tối và những vì sao. Nó rõ như bạn, như tôi, như người lớn, như trẻ nhỏ. Như cái sự sáng rồi lại tối rồi lại sáng và vĩnh hằng”.
Ngô Thị Kim Cúc (ghi)
 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người trẻ thì chưa có hình hài