Đã hết hạn nộp tiền mua đấu giá biển số siêu đẹp nhưng người trúng đấu giá vẫn “im lặng”. Trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì kết quả trúng đấu giá bị hủy theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 19 Nghị định 39.
Phiên đấu giá thứ nhất do Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức ngày 15.9 đã đấu giá thành công 11 biển số "siêu đẹp" của 10 tỉnh, thành phố.
Theo đó, giá trúng đấu giá cao nhất là 32,34 tỉ đồng cho biển số 51K-888.88 (TP.HCM); giá trúng đấu giá thấp nhất là 650 triệu đồng cho biển 15K-188.88 (TP.Hải Phòng). Tổng số tiền trúng đấu giá là 82,325 tỉ đồng.
Ông Hà Xuân Hải là người trúng đấu giá chiếc biển số siêu đẹp 51K - 888.88 hơn 32 tỉ đồng và chiếc biển số 30K - 567.89 hơn 13 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến nay đã hết thời hạn 15 ngày vẫn chưa có thông tin người trúng đấu giá nộp tiền. Dư luận đặt ra nghi ngờ vị “đại gia” này đã bỏ cọc đấu giá biến số xe trên.
Ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, nhiều ý kiến băn khoăn về việc nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì biển số đó sẽ xử lý như thế nào?
Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tiền đặt trước (cọc) là 40 triệu đồng mỗi biển số.
Trong trường hợp quá 15 ngày mà người trúng đấu giá không hoặc chưa nộp tiền vào tài khoản của Bộ Công an thì kết quả trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá sẽ bị hủy theo quy định tại Điều 16 Nghị định 39. Bên cạnh đó, biển số xe ô tô đã trúng đấu giá sẽ được đưa ra đấu giá lại.
Theo quy chế đấu giá, số tiền đặt cọc 40 triệu mỗi biển số mà người trúng đấu giá đã nộp sẽ không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không hoàn tất thủ tục tài chính như đã nêu ở trên.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới trước đó, Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết theo điều 16 Nghị định 39 thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ số tiền nộp trúng đấu giá sau khi đã trừ đi số tiền đã đặt trước.
Trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì kết quả trúng đấu giá bị hủy theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 19 Nghị định 39 do “người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định tại điều 16 nghị định này”.
Đây cũng có thể được xem là trường hợp từ chối kết quả đấu giá theo quy định điểm đ, khoản 6 điều 39 Luật Đấu giá năm 2016, khi ấy họ sẽ không được nhận lại số tiền đặt cọc đấu giá trước đó đã nộp. Số tiền đặt cọc sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định 39 “Biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại; số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này”.
Các luật sư cũng cho biết hiện chưa có chế tài đối với việc bỏ cọc trúng đấu giá biến số xe ô tô.