Sau khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất các thế lực cát cứ trong nước thì Đại Cồ Việt đã phải đối mặt với mối lo từ láng giềng phía nam. Quá trình để bảo vệ nền độc lập quả thực không hề dễ dàng.

Người Việt vừa thoát nạn Bắc thuộc đã phải lo mối họa từ phía nam

31/01/2018, 18:05

Sau khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất các thế lực cát cứ trong nước thì Đại Cồ Việt đã phải đối mặt với mối lo từ láng giềng phía nam. Quá trình để bảo vệ nền độc lập quả thực không hề dễ dàng.

Hình tượng vua Lê Đại Hành qua tranh vẽ

1. Sơ lược quá trình phục quốc của người Kinh Việt:

Các đế chế phương bắc đã thành công trong cuộc thôn tính quốc gia của người Việt cổ và duy trì sự thống trị của họ khá thường xuyên trong suốt hơn 1000 năm. Thế nhưng, phương bắc đã thất bại trong việc đồng hóa người Việt. Qua hơn chục thế kỷ bắc thuộc, người Việt vẫn không bị biến thành “người Hoa” như cách gọi của các triều đại phương bắc. Thay vì lựa chọn tôn trọng sự khác biệt và đối xử bình đẳng với người Việt, vua quan đô hộ các đời chỉ coi dân ta là đám “Nam Man” cần phải “giáo hóa”. Việc “giáo hóa” này tức là làm mọi cách để người Việt phải đoạn tuyệt với văn minh Đông Sơn, thay đổi toàn bộ phong tục tập quán theo chuẩn mực của các cư dân Hán hóa ở Trung Hoa, kể cả ngôn ngữ riêng cũng bị hủy hoại và thay thế bằng tiếng nói của “người Hán”.

Ngoài việc bị phân biệt đối xử và xúc phạm nhân phẩm, người Việt còn chịu sự bóc lột nặng nề. Giao Châu là nơi phương bắc vơ vét sản vật, bắt phu lao dịch, thu thuế cao và bắt lính trợ chiến. Tuy cũng có những lúc chính quyền đô hộ nới tay, nhưng nhìn chung mỗi khi chính quốc gặp khủng hoảng thì đất Giao Châu lại trở thành nơi trút gánh nặng khủng hoảng. Thậm chí khi hưng thịnh, vua chúa phương bắc vẫn coi đất nước ta là nơi cung cấp xa xỉ phẩm. Sự phân biệt Hoa – Di và xung đột lợi ích là nguyên nhân khiến cho Giao Châu dù là một trung tâm lớn ở phía nam các đế chế Trung Hoa nhưng lòng dân ít khi chịu phục và thường hay rơi vào tình trạng bất ổn.

Trong quá trình bị các triều đình phương Bắc đô hộ cho đến khi giành được nền độc lập tự chủ lâu dài vào thế kỷ thứ 10, đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa quy mô lớn nổ ra làm gián đoạn quá trình đồng hóa của phương bắc, cổ vũ ý thức dân tộc, khát vọng tự do của nhân dân Việt :

- Năm 40 sau công nguyên, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra đã giành lại nền độc lập cho đất nước trong 4 năm (40 – 43) trước khi bị đàn áp bởi quân Đông Hán.

- Năm 248 nổ ra cuộc khởi nghĩa của bà Triệu khiến nước Ngô phải đem 8.000 quân sang dập tắt

- Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương, dựng nước Vạn Xuân. Nền độc lập này tồn tại được 64 năm trải qua 3 triều vua Lý Nam Đế (Lý Bí), Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục), Hậu Lý Nam Đế (Lý Phật Tử) trước khi bị nhà Tùy tái chiếm với đội quân đông đến 10 vạn người vào năm 605.

- Năm 713, cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra ngay lúc cực thịnh của đế quốc Đường đã đem lại khoảng thời gian 10 độc lập cho đất nước (713 – 722). Mai Thúc Loan xưng là hoàng đế, liên kết với người nước Lâm Ấp, người Java để chống giặc. Nhà Đường đã huy động đại quân 10 vạn người mới đàn áp nổi.

- Chỉ vài chục năm sau đó đến khoảng những năm 776, lại nổi lên cuộc khởi nghĩa của anh em Phùng Hưng, Phùng Hải. Quân ta một lần nữa đánh đuổi được quân Đường. Phùng Hưng được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương, lãnh đạo nhân dân bảo vệ nền độc lập trong khoảng 15 năm. Đến năm 791, con trai Phùng Hưng là Phùng An nối nghiệp cha đã không đoàn kết với người chú Phùng Hải. Đến khi quân Đường sang đánh, Phùng An đã đầu hàng.

Ngoài những cuộc khởi nghĩa lớn tiêu biểu đã nêu trên, phải có đến hàng trăm cuộc nổi dậy lớn nhỏ của người Việt trong suốt thời kỳ Bắc thuộc. Mặc dù trong nhất thời không đem lại được nền độc lập lâu bền, nhưng các cuộc khởi nghĩa đã góp phần làm chậm tiến trình đồng hóa của phương bắc rất nhiều. Hệ quả quan trọng nhất là cho đến thế kỷ thứ 10, người Việt vẫn giữ được sự tự trị ở cấp độ làng xã. Quyền hành của chính quyền đô hộ trên thực tế thường chỉ giới hạn ở những trung tâm hành chính lớn, hoặc cùng lắm là đến cấp huyện lị. Sự tự trị của làng xã là chía khóa quan trọng giúp cho người Việt bảo tồn cấu trúc xã hội và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc. Song hành với cuộc đấu tranh bằng võ lực, là sự kiên trì bảo tồn phong tục tập quán, tiếng nói và hệ tư tưởng cổ truyền. Đến thế kỷ thứ 10, dân tộc Việt bên cạnh việc tiếp thu một phần văn hóa Hán vẫn giữ được bản sắc riêng, và quan trọng nhất là bảo tồn được ngôn ngữ nói của mình.

Với những nền tảng đó, nhà họ Khúc đã nhân cơ hội chính quốc loạn lạc đã thiết lập quyền tự chủ cho người Việt, dù với danh nghĩa Tiết độ sứ chứ chưa công khai phục quốc. Sau khi họ Khúc thất bại trước quân Nam Hán, bộ tướng là Dương Đình Nghệ kế tục cuộc chiến đấu. Dương Đình Nghệ mất vào tay kẻ phản trắc thì đến lượt Ngô Quyền đứng lên thay thế để tiếp tục cuộc đấu tranh. Có thể thấy rõ, các thế lực hào trưởng người Việt cùng đại bộ phận nhân dân lúc này đã thể hiện quyết tâm cao độ trong việc thoát li khỏi vòng kìm tỏa của phương bắc. Bằng quyết tâm đó, quân dân Việt đã làm nên đại thắng Bạch Đằng năm 939. Ngô Quyền sau chiến thắng đã mở nước xưng vương, bắt đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc Việt.

Ban đầu, tên gọi Tĩnh Hải Quân thời Đường vẫn được tạm dùng do các vua triều nhà Ngô vẫn chưa thực sự nắm quyền kiểm soát trên cả nước. Quyền hành lúc này được nhà vua chia sẻ với các sứ quân, vốn là các hào trưởng từ thời bắc thuộc. Phải đến khi Đinh Bộ Lĩnh kết thúc cục diện 12 sứ quân vào năm 968, quốc hiệu mới được đặt là Đại Cồ Việt. Đinh Bộ Lĩnh tự xưng là hoàng đế, củng cố thêm một bước nền độc lập của dân tộc Việt.

Đại Cồ Việt mặc dù là sự khôi phục, kế thừa của văn minh Đông Sơn thời cổ đại nhưng tuyệt nhiên là một quốc gia với mô hình mới, sắc thái mới. Đó là quốc gia điển hình thời trung đại với quyền lực ngày càng có xu hướng tập trung cao độ về tay triều đình trung ương. Đó cũng là một quốc gia gần gũi với văn hóa Hán do hệ quả của bắc thuộc.

2. Những va chạm đầu tiên giữa Đại Cồ Việt và Chiêm Thành:

Thời cổ đại, cư dân văn hóa Đông Sơn và cư dân văn hóa Sa Huỳnh cổ đã từng cùng nhau chung sống hòa bình và đã có những lúc cùng nhau đấu tranh chống lại kẻ thù chung. Tiêu biểu chính là thời kỳ Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán, người Việt và người Chăm lúc đó đã trở thành người chung một nước. Đến khi bị đàn áp, cuộc chiến đấu của người Việt cổ cũng đã gián tiếp giúp cho phong trào giành độc lập của người Chăm cổ được thành công, lập nên nước Lâm Ấp. Nhiều năm sau, các vua Lâm Ấp đã nhiều lần nuôi chí bắc tiến để đánh tách Giao Châu khỏi phương bắc và tạo nên một đất nước mới của người Chăm và người Việt. Đến thời vua Mai Hắc Đế Mai Thúc Loan khởi nghĩa chống Đường, cũng đã được từng sự hỗ trợ của quân dân Lâm Ấp.

Thế nhưng càng về sau, mối quan hệ của hai bên ngày càng xa cách do sự khác biệt về thể chế chính trị quá lâu. Các vị vua Lâm Ấp – Hoàn Vương – Chiêm Thành khi cất quân đánh lên phía bắc thường không còn nuôi chí thu phục nhân dân, mở rộng cương thổ mà đơn thuần chỉ là những cuộc cướp bóc, bắt nô lệ để làm giàu cho chính mình. Đến giai đoạn thế kỷ thứ 10, những đạo quân Chiêm Thành là một nỗi ám ảnh của cư dân Đại Cồ Việt ở vùng biên giới.

Ban đầu, triều đình Đại Cồ Việt chẳng thể quan tâm nhiều đến vùng biên viễn bởi những tranh chấp nơi triều chính và tệ cát cứ ở những vùng trọng điểm. Nhưng đến thời Tiền Lê, thế nước Đại Cồ Việt đã hùng mạnh và Chiêm Thành đã có một số hành động như những giọt nước làm tràn ly.

Năm 979 cuối triều Đinh, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị đầu độc chết thì Lê Hoàn lúc bấy giờ giữ chức Thập đạo tướng quân nắm mọi quyền hành. Phò mã Ngô Nhật Khánh không chịu phục Lê Hoàn nên bỏ vào nam nương nhờ Chiêm Thành, mưu rước quân Chiêm về nước để đấu với Lê Hoàn. Vua Chiêm Thành bấy giờ là Bề Mi Thuế (Paramesvaravarman I) liền nhân cơ hội điều động 1.000 chiến thuyền trực chỉ thành Hoa Lư. Thuyền quân Chiêm Thành đến cửa biển Đại An thì gặp bão biển đánh tan tác cả. Ngô Nhật Khánh cũng chết chìm vì bão biển.

Thập đạo tướng quân Lê Hoàn sau đó lên ngôi vua năm 980, tức vua Lê Đại Hành. Lúc vua mặc long bào cũng là lúc quân Tống sắp sang đánh. Sau khi chiến thắng quân Tống, nhà vua vẫn hy vọng hòa hiếu với láng giềng phía nam và đã cử sứ giả Từ Mục, Ngô Tử Canh đến Chiêm Thành. Thế nhưng vua Bề Mi Thuế đã cho bắt giam sứ giả. Hành động này đã khơi màu cho chiến tranh. Vua Lê Đại Hành khi hay tin nước Chiêm Thành giam sứ đã rất tức giận, bèn lệnh cho quân dân đóng chiến thuyền, sắm sửa vũ khí, chuẩn bị đội ngũ.

Năm 982, vua Lê thân chinh dẫn quân Đại Cồ Việt chia đường thủy bộ rầm rộ vào đánh nước Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành Bề Mi Thuế cũng đích thân dẫn quân xuất thành nghênh chiến. Hai bên giao chiến ác liệt, vua Bề Mi Thuế chết trong trận chiến. Quân Chiêm vỡ chạy, tử trận và bị bắt sống nhiều rất nhiều. Quý tộc Chiêm Thành đều phải bỏ kinh thành Đồng Dương mà chạy trốn. Quân Đại Cồ Việt tràn vào thành phố, gom hết kho tàng cho Chiêm Thành, bắt những vũ công và nhà sư về nước, đồng thời vua Lê Đại Hành hạ lệnh san phẳng các thành trì của Chiêm Thành.

Sau khi chạy khỏi thành Đồng Dương, triều đình Chiêm Thành cử lên một vị vua mới, chính là vua Indravarman IV. Vị vua này cùng với lực lượng Chiêm Thành còn lại chỉ còn giữ được hai xứ là Kauthara, Panduranga ở cực nam. Ba xứ phía bắc gồm Indrapura, Amaravati, Vijaya đều bị quân Đại Cồ Việt chiếm đóng. Vua Lê cho lưu lại một đạo quân dưới quyền chỉ huy của Quản giáp Lưu Kế Tông để kiểm soát việc cai trị. Người Chiêm Thành ở các xứ bị chiếm đóng lên thuyền bỏ đi tị nạn rất nhiều.

Vua Indravarman IV mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của nước Tống nên đã cử sứ giả sang báo với vua Tống việc “bị Giao Châu xâm chiếm đất đai và phá hủy tông miếu”. Nhưng chính nước Tống cũng vừa thua trận ở Đại Cồ Việt không lâu nên chỉ biết an ủi sứ Chiêm Thành, hứa hẹn sẽ làm trung gian hòa giải. Về phần triều đình Đại Cồ Việt, khi giao thiệp với Tống lại chối bỏ việc đưa quân chiếm đóng Chiêm Thành, nói rằng Lưu Kế Tông chỉ là một kẻ đào vong. Nhưng kỳ thực, chính vua Lê Đại Hành là người hậu thuẫn cho Lưu Kế Tông.

Năm 986, vua Indravarman IV mất. Lưu Kế Tông tự xưng là vua Chiêm Thành và sang Tống cầu phong công nhận nhưng nước Tống không chấp nhận. Việc Lưu Kế Tông xưng vương đã làm người Chiêm quốc không thể nào nhẫn nhịn được nữa nên đã cùng nhau liên kết nổi dậy. Cuộc chiến đấu của quân dân Chiêm Thành đã giành thắng lợi trong 4 năm. Đến năm 989, vua Harivarman II lên ngôi. Lúc này những vùng đất bị quân Đại Cồ Việt chiếm đóng đã được quân Chiêm thu phục lại, nhưng quốc lực và vị thế của nước Chiêm Thành thì không còn được như trước nữa mà tỏ ra khá vị nể nước Đại Cồ Việt.

Trong năm 989, viên Quản giáp Dương Tiến Lộc nước Đại Cồ Việt đem người hai châu Hoan, châu Ái xin quy phụ nhưng vua Chiêm không dám thu nhận vì sợ chọc giận vua Lê Đại Hành. Để đáp lại sự thiện chí này của nước Chiêm Thành, vua Lê Đại Hành đã cho trao trả một số tù binh bị bắt trước đó. Quan hệ Đại Cồ Việt - Chiêm Thành cho đến lúc này tạm thời được nồng ấm nhưng đó chỉ là bề nổi. Những nguy cơ xung đột tiềm ẩn vẫn còn đó và chực chờ bùng phát.

Quốc Huy

Bài viết cùng chủ đề:

3 nền văn minh trải dài trên 3 miền nước ta là điều rất đặc biệt

Chuyện một đế quốc ở Nam Bộ biến mất trước khi người Việt đặt chân tới

Người Chăm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Hán

Chuyện nước Lâm Ấp cổ và cuộc chiến chống Hán, Ngô, Tấn...

Quốc gia cổ Hoàn Vương ở miền Trung và quá trình nam chinh, bắc chiến​

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Việt vừa thoát nạn Bắc thuộc đã phải lo mối họa từ phía nam