Bất chấp sự hiện diện của những ngôi sao hàng đầu làng nhạc như Britney Spears, Beyonce và Rihanna, số lượng khán giả theo dõi lễ trao giải MTV Video Music Awards 2016 đã giảm 34% so với năm ngoái. Liệu đây có phải dấu hiệu đánh dấu cho sự suy tàn của "đế chế MTV"?
Vào thời kì hoàng kim của mình, lễ trao giải MTV Video Music Awards (VMA) là một sự kiện âm nhạc thu hút sự chú ý cao độ từ giới truyền thông và khán giả cùng những màn biểu diễn mang tính tiên phong, trang phục gây sốc và dính liền với sự nghiệp của không ít ngôi sao hạng A như Michael Jackson, Madonna, Britney Spears, Eminem... Ai có thể không nhớ đến hình ảnh Madonna trong trang phục cô dâu đứng trên bánh cưới và hát vang bài Like A Virgin? Hay khi Britney Spears quấn lên người con trăn vàng và thách thức khán giả với thân hình nóng bỏng của mình? Thậm chí, MTV còn cho ra đời nhiều lễ trao giải khác ăn theo VMA như Europe Music Awards hay MTV Movie Awards. Tuy nhiên, tình hình này đang dần thay đổi.
Trong 10 năm trở lại đây, kênh MTV đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ khán giả vì đã chiếu quá nhiều chương trình truyền hình thực tế mà bỏ qua các MV ca nhạc. Có vẻ như MTV chỉ đơn thuần là muốn đón đầu trào lưu nhưng đã vô tình bỏ qua thế mạnh của mình. Youtube xuất hiện và kèm theo đó là kênh VEVO chuyên dành cho các ca sĩ quản lí MV của mình. Khán giả giờ đây đã có thể xem MV bất cứ lúc nào, không cần phải phụ thuộc vào khung giờ nhất định của MTV nữa. Các kênh truyền hình lớn như ABC, Fox... cũng sản xuất hàng loạt chương trình truyền hình thực tế với chất lượng hơn hẳn MTV. Gã khổng lồ năm nào dường như đang trở thành kẻ bị bỏ rơi.
Mặc dù vậy, MTV tin rằng lễ trao giải VMA vẫn là một thứ khó có thể thay thế. Bằng chứng là MTV đã tìm mọi cách để thu hút người xem, từ thay đổi nơi tổ chức, kéo ngôi sao hạng A tới tham dự và biểu diễn cho đến việc cố tình gây scandal. Tại VMA 2008, Britney Spears gom hết tất cả các giải quan trọng sau khi trải qua một giai đoạn khó khăn mặc dù "công chúa nhạc Pop" này trước đó lại không nhận được bất kỳ tượng "moonman" nào, kể cả cho những MV kinh điển Toxic hay Baby Once More Time. Tại VMA 2009, Kanye West giựt micro từ "công chúa đồng quê" Taylor Swift. Nó nổi tiếng đến độ Tổng thống Barack Obama phải lên tiếng. Tại VMA 2010, Lady Gaga diện bộ đồ thịt sống. Sân khấu thì thay đổi từ New York đến Los Angeles rồi Miami. Số lượng kênh chiếu trực tiếp VMA cũng tăng lên con số 10 (tính đến 2016) thông qua Viacom.
Bất chấp tất cả những nỗ lực đó, MTV vẫn không thể duy trì số lượng khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ. Nó giảm dần theo thời gian. Ví dụ như VMA 2016 vừa rồi chỉ thu hút 6.5 triệu người xem, giảm 3.3 triệu so với năm ngoái dù có sự tham gia biểu diễn của Britney Spears, Beyonce, Rihanna, Ariana Grande, Nicki Minaj... Nhiều người thậm chí còn cho rằng: "Chả còn ai quan tâm đến VMA nữa".
Tuy nhiên, mọi thứ cũng không hoàn toàn tiêu cực. Trên các trang mạng xã hội, từ khóa #VMA tăng mạnh. Cụ thể, nó đứng đầu Twitter trong 13 giờ liên tục và có gần 46 triệu lượt xem trực tuyến trên Facebook, tăng mạnh so với năm ngoái. Đây là bằng chứng cho việc đối tượng chính của VMA là giới trẻ đang chuyển sang sử dụng Internet thay vì chiếc TV ở phòng khách.
Ra đời từ năm 1984, VMA đã có 32 năm lịch sử với nhiều thăng trầm và biến cố. Người đầu tiên biểu diễn tại VMA là Madonna - khi ấy đang đình đám với album Like A Virgin thì nay đã là một người phụ nữ gần 60 tuổi. Nếu như không chịu cố gắng như Madonna, có lẽ VMA sẽ nhanh chóng bị đưa vào quên lãng vì đã sử dụng hết chiêu trò.
Mai Thảo