Các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra tại nhiều thành phố trên khắp Kazakhstan trong làn sóng biểu tình của hàng nghìn người nhằm phản đối giá nhiên liệu tăng cao.
Theo Reuters, người dân Kazakhstan đã bắt đầu xuống đường phản đối giá khí hóa lỏng (LPG) tăng cao hôm 2.1 và leo thang thành bạo động khi người biểu tình đốt xe cảnh sát, xông vào đập phá các tòa nhà chính phủ, phóng hỏa dinh tổng thống.
Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết, người biểu tình đã dùng gạch đá, gậy gộc, hơi cay và bom xăng để tấn công, thậm chí chiếm sân bay ở thành phố Almaty. Lực lượng chức năng Kazakhstan sau đó giành lại được quyền kiểm soát sân bay Almaty.
Các cuộc biểu tình ban đầu nổi lên bởi sự phẫn nộ của dân chúng trước việc tăng giá nhiên liệu, sau đó đã nhanh chóng lan rộng thành phong trào phản đối ông Nursultan Nazarbayev - người tiền nhiệm của Tổng thống Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayev – hiện vẫn giữ quyền lực đáng kể, mặc dù đã từ chức vào năm 2019 sau thời gian cầm quyền kéo dài gần 3 thập kỷ.
Hãng tin Sputnik dẫn lời Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết, 8 cảnh sát và lính vệ binh quốc gia đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ hôm 4 và 5.1, trong khi hai binh sĩ thiệt mạng trong "chiến dịch chống khủng bố" ở sân bay Almaty. Bội Nội vụ Kazakhstan ước tính, ít nhất 317 sĩ quan và quân nhân bị thương.
Trước tình hình biến động trên, chính phủ Kazakhstan hiện đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Lệnh hạn chế đi lại được áp đặt tại 3 thành phố lớn và 14 tỉnh, dự kiến kéo dài đến ngày 14.1. Nội các của Thủ tướng Kazakhstan Askar Mamin cũng đồng loạt từ chức khi các cuộc biểu tình bùng phát.
Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev sau đó đã chấp thuận đơn từ chức, đồng thời yêu cầu họ cùng thống đốc các tỉnh tái áp đặt biện pháp kiểm soát giá LPG, xăng, dầu diesel và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Trong một động thái tìm cách xoa dịu cơn giận dữ của người dân, Tổng thống Tokayev đã sa thải ông Nazarbayev khỏi tư cách người đứng đầu Hội đồng an ninh Kazakhstan đầy quyền lực vào hôm 5.1 và tự mình tiếp quản vị trí này. Ông Tokayev cho biết chính phủ đã quyết định giảm giá LPG ở vùng Mangistau xuống 50 tenge (0.11 USD)/lít "để đảm bảo sự ổn định trong nước".
Đáng chú ý, Tổng thống Tokayev hôm 5.1 đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và do Nga đứng đầu hỗ trợ ổn định tình hình. Ông Tokayev cho biết "những kẻ khủng bố do nước ngoài đào tạo" đã tràn vào các cơ sở chiến lược.
Theo ông Tokayev, các băng nhóm "khủng bố" do nước ngoài huấn luyện đang chiếm giữ các tòa nhà, cơ sở hạ tầng và vũ khí, đồng thời đã hạ 5 máy bay, bao gồm cả máy bay của nước ngoài tại sân bay Almaty.
“Đó là sự phá hoại tính toàn vẹn của nhà nước và quan trọng nhất là một cuộc tấn công vào các công dân của chúng tôi, những người đang yêu cầu tôi ... giúp đỡ họ”, Tokayev nói.
"Almaty bị tấn công, bị phá hủy, bị phá hoại, cư dân của Almaty trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công của bọn khủng bố, bọn cướp. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là thực hiện mọi hành động có thể, để bảo vệ đất nước của mình”, ông Tokayev nói thêm.
Bình luận về tình hình tại bạo loạn ở Kazakhstan, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki phủ nhận liên quan, đồng thời khẳng định Mỹ không xúi giục bất ổn tại đây.
"Nhà Trắng đang theo dõi các cuộc biểu tình tại Kazakhstan. Washington ủng hộ lời kêu gọi người biểu tình bình tĩnh, thể hiện bản thân một cách hòa bình và giới chức kiềm chế hành động. Có một số tuyên bố vô lý ở Nga rằng Mỹ đứng sau điều này. Tôi khẳng định rằng điều đó hoàn toàn sai sự thật. Rõ ràng đây là một phần chiến thuật phát tán thông tin sai lệch của phía Nga", bà Psaki nói trong cuộc họp báo ngày 5.1.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đang theo dõi chặt chẽ các cuộc biểu tình ở Kazakhstan cũng như kêu gọi một giải pháp hòa bình. Điện Kremlin cho biết họ mong đợi Kazakhstan nhanh chóng giải quyết các vấn đề nội bộ của mình, đồng thời cảnh báo nguy cơ nước ngoài can thiệp.