“Cần có sự công bằng với người sản xuất ra của cải vật chất, và người tiêu dùng đang bị thiệt thòi vì một số đơn vị bán lẻ chưa biết chia sẻ, nhường nhịn lợi nhuận một cách hợp lý trên hệ thống phân phối nội địa Việt Nam hiện nay”, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nói.

Nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội: Một số siêu thị ‘ăn’ quá dày

Trí Lâm | 29/07/2017, 05:46

“Cần có sự công bằng với người sản xuất ra của cải vật chất, và người tiêu dùng đang bị thiệt thòi vì một số đơn vị bán lẻ chưa biết chia sẻ, nhường nhịn lợi nhuận một cách hợp lý trên hệ thống phân phối nội địa Việt Nam hiện nay”, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nói.

Liên quan đến những nhận định rằng khâu bán lẻ đang “ăn” quá nhiều của ông Vũ Vinh Phú (Nguyên Ủyviên Ban chấp hành Hiệp Hội bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội), Hiệp hội bán lẻ Việt Nam mới đây đã có công văn gửi Bộ Công Thương phản bác ý kiến trên. Hiệp hội cũng cho rằng ý kiến của ông Phú không thực tế. Thậm chí, quyết định giải thể Hội Siêu thị Hà Nội có hiệu lực từ ngày 4.1.2017, vì thế mọi phát ngôn của ông Vũ Vinh Phú sau ngày 4.1.2017 với tư cách Hội Siêu thị Hà Nội là không có giá trị.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú cho biết: “Hiệp Hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng những trả lời báo chí của tôi về khâu bán lẻ là không có giá trị. Tôi khẳng định rằng giá trị của bài báo có hay không là ở chỗ có nói đúng sự thật, có phản ánh đúng một số yếu điểm của bán lẻ Việt Nam hiện nay hay không?"

Ông Phú nêu rõ, nội dung quan trọng ở bài báo có câu: "Khâu bán lẻ đã ăn quá lợi nhuận của người sản xuất". Theo đó, bài báo nhấn mạnh phải hai bên đều thắng, không bên nào ép bên nào.

"Mối quan hệ giữa nhà cung ứng và một số siêu thị bán lẻ hiện nay có rất nhiều vấn đề, nào là chiết khấu cao, phí tạo mã, phí đầu kệ, sinh nhật… đã từng làm nản chí các nhà cung ứng hàng hóa vào khâu bán lẻ. Đây là một tồn tại khách quan không ai có thể chối cãi được. Tôi là người tổng hợp trung thành những tình hình đó, để các nhà bán lẻ còn những khiếm khuyết phải khắc phục sửa chữa sớm”, ông Phú nói.

Ông Phú cũng chia sẻ, trong một cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, ông Tuấn - Phó tổng giám đốc Hà Nội Milk có nói với người của hệ thống siêu thị F. rằng: "Siêu thị đã gây khó khăn cho công ty anh, do đó đơn vị khó có thể cộng tác với siêu thị, bán cho tiểu thương còn dễ dàng hơn".

Thực tế hiện nay, theo ông Phú, ngoài Hà Nội Milk còn rất nhiều nhà cung cấp khác đang bị một số siêu thị lấy thế mạnh của mình về doanh số, về quy mô kinh doanh để ép các nhà cung ứng về mọi mặt. Ép đến nỗi một số đơn vị sản xuất phải lập chuỗi bán lẻ riêng vì không chịu nổi những chi phí vô lý và không chiều lòng được một số siêu thị.

Theo ông Vũ Vinh Phú, hàng vào siêu thị rất gian nan

Một minh chứng nữa ông Phú nêu ra là vào tháng 5, tháng 6 năm 2017 vừa qua, trong khi giá thịt lợn hơi của người chăn nuôi xuống dưới 50% thì giá thịt lợn tại một số siêu thị vẫn khoảng 100.000đ/kg. Có đại biểu quốc hội đã nhận xét là không thể chấp nhận điều phi lý đó, hoặc tại sao giá thịt lợn hơi tại chợ và siêu thị lại cao gấp 3 - 4 lần giá của bà con nông dân bán ra trên thị trường, hiện tượng này có phải thao túng giá không?

“Chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ hơn để đòi hỏi sự công bằng giữa người sản xuất ra của cải vật chất xã hội và người tiêu dùng đang bị thiệt thòi vì một số đơn vị bán lẻ chưa biết chia sẻ, nhường nhịn lợi nhuận một cách hợp lý trên hệ thống phân phối nội địa Việt Nam hiện nay”, ông Phú nhấn mạnh.

“Hiệp hội bán lẻ lẽ ra chỉ nên bênh những doanh nghiệp làm đúng chứ không nên bênh toàn bộ. Người tiêu dùng đã kêu, đại biểu quốc hội đã nói mà vẫn bênh thì quá vô lý, duy ý chí”, ông Phú nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, hiệp hội bán lẻ nói không cần minh bạch thuế với doanh thu là không chấp nhận được. Nhiều siêu thị hiện nay đang trốn thuế khi cho thuê khách sạn, đám cưới, bán hàng không xuất hóa đơn, những hóa đơn con bán hàng hằng ngày thì không có giá trị pháp lý. Do đó cần phải nối mạng với cục thuế, khi bán món hàng nào thì vào cục thuế ngay.

Ông Phú nêu ví dụ như ở Trung Quốc, siêu thị bán 1 cái bút là lập tức chạy về cục thuế, còn ở nước ta vẫn đứng yên trong phần mềm bán hàng của siêu thị. Ở Matxcơva cách đây 19 năm, dù bán 1 bát phở cũng phải chuyển về Cục thuế Matxcơva, nếu không sẽ bị rút giấy phép đăng ký kinh doanh ngay. Các nước quản lý kỹ thuật, công khai, còn ở Việt Nam ông bán 5 bát có khi chỉ nộp 1 bát.

“Muốn minh bạch trong bán lẻ để Nhà nước kiểm soát được, đồng thời cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa gian thương và nhà buôn chân chính thì phải công khai thuế và tiến tới các siêu thị lớn phải nối phần mềm bán hàng thường xuyên với cục thuế để kiểm soát doanh thu”, ông Phú nhấn mạnh.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội: Một số siêu thị ‘ăn’ quá dày