Vỉa từ', thi phẩm mới nhất của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh vừa ra mắt. Nhiều nỗ lực, tìm kiếm, thể nghiệm thi pháp tiếp tục được gửi tới bạn đọc như phong cách độc đáo hiếm có của anh. Một Thế Giới giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Lê Hồ Quang, nhà phê bình văn học về tập thơ rất mới mẻ này.
Vỉa từ là tên tập thơ mới nhất của Nguyễn Hữu Hồng Minh (2017). Nhưng đồng thời, Vỉa từ cũng là một biểu tượng nghệ thuật và ý nghĩa của nó chỉ có thể được xác định rõ khi đặt trong trường tư duy của tác giả về thơ như một tổ chức ngôn ngữ đặc thù. Xuất phát từ quan niệm của ký hiệu học về mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong ký hiệu ngôn ngữ, Vỉa từ của Nguyễn Hữu Hồng Minh là cách nói hình tượng về ngôn ngữ thơ, trong tư cách cái biểu đạt, ôm chứa thơ (hay tính/giá trị thơ), tức cái được biểu đạt.
Theo tác giả, ngôn ngữ thơ gồm nhiều yếu tố, cấp độ: chữ - từ - câu thơ - bài thơ… Thế nhưng tất cả đó mới là vật liệu chưa qua chế tác, thứ “quặng thô” nằm trong vỉa quặng ngôn ngữ. Phải qua cách kiến tạo, tổ chức ngôn ngữ riêng, độc đáo của nhà thơ, khi đó, mới có thể có Thơ. Trong nhận thức này, ngôn ngữ thoát ra khỏi thân phận là “công cụ”, “phương tiện”, nó cũng chính là một đối tượng để nghệ thuật khám phá. Hành trình viết, do đó, phải được hiểu như là hành trình tìm kiếm, sáng tạo những hình thức/ ngôn ngữ thể hiện mới. Ấy là hành trình tìm thơ trong vỉa từ. Tôi nghĩ đây là một tư tưởng rất có ý nghĩa trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tìm hiểu thơ anh, không thể bỏ qua xuất phát điểm nhận thức này.
Từ tập thơ đầu tay đến Vỉa từ, có thể thấy cảm hứng luận bàn về thơ, về ngôn ngữ thơ, về hình thức, bút pháp thơ… là cảm hứng chủ đạo, thường trực của tác giả. Chỉ xét riêng ở trường từ vựng, qua tần số xuất hiện khá dày của chữ, chữ cái, con chữ, trận chữ, cơn đạn chữ, mưa chữ, nghĩa chữ, ảnh chữ, chữ/ý, tứ thơ, mẫu tự, từ, câu, dòng, bài, câu thơ, từ loại, nguyên âm, đơn âm, con âm, động từ, tính từ, xác chữ, tiếng của tiếng, nghĩa của nghĩa, thơ, viết, phát âm, hình ảnh, ngữ ngôn, ngôn ngữ, … ta đã có thể nhận ra vấn đề mà nhà thơ quan tâm. Ấy là vấn đề đổi mới ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ sáng tạo.
Theo đuổi tư tưởng này, mỗi tập thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh là một nỗ lực viết khác. Trong tập thơ đầu tay, Giọng nói mơ hồ (1999), dù còn “công khai các nguồn ảnh hưởng khá khác biệt” (Hoàng Hưng), song đã xuất hiện một giọng thơ khá khác lạ, (nhất là khi đặt nó trong dàn thơ của những người viết cùng thế hệ), gân guốc và cồn cào bùng vỡ. Nhiều hình ảnh trực giác, mạnh bạo, sắc nét, ghi nhận chính xác tiếng nói nội tâm, tâm linh con người trong những khoảnh khắc dồn nén. Giọng điệu và thi ảnh chính là nét nổi bật trong tập thơ đầu tay này: Câu thơ sẽ có giọng tôi vì tôi tìm giọng nói (Đa thanh).
Chân dung nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, tháng 6.2017 - Tranh sơn dầu - Họa sĩ Đinh Trường Chinh
Đến Chất trụ và những bài thơ khác (2002), ta càng thấy rõ hơn tính chất tập trung của tư tưởng Cái tôi sáng tạo thơ - sáng tạo chữ. Xuyên suốt tập thơ là ý tưởng đồng nhất chất trụ - máu - mực - câu thơ và sức mạnh “cắt đôi thế giới”. Bao trùm lên nhiều bài thơ (Khoảng 3 giờ sáng, ngày 23 tháng 10, Cái tôi có, cái tôi là, Vũ trụ bao la thơ một dòng, Những từ lang thang…) là ý tưởng quy tụ toàn bộ ý nghĩa đời sống vào hành động sáng tạo. Nhà thơ sáng tạo thơ cũng là sáng tạo thế giới và bản thân mình. Có thể thấy ở đây một niềm tin đầy ngạo nghễ, tràn trề nhiệt hứng (dường như “bất chấp” sự đối xử với thơ trong thực tế đời sống!) trong nhiều bài thơ mang tính tuyên ngôn trang trọng. Tên tuổi của những triết gia, những nghệ sỹ đi trước và những tác giả cùng thế hệ xuất hiện như lời kêu gọi đối thoại, tham vấn, kích thích tư duy và cả sự mơ mộng về hành động sáng tạo. Viết quả là một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc, mạo hiểm nhưng lại quá mời gọi quyến rũ đối với “Kẻ khát khao những địa hạt mà những mẫu tự thường nhật không thể đạt tới/ Kẻ tìm kiếm một đoạn tuyệt trong thực tại/ Kẻ tới hơi sớm tương lai” (Khoảng 3 giờ sáng ngày 23 tháng mười). Ngôn ngữ, hình ảnh, trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Mình, nhiều chỗ đã được tổ chức lại theo cách riêng, mơ hồ chênh vênh giữa ý thức và vô thức, cất lên tiếng nói “bội trương” của “Linh giác”, của “Bài ca máu”, “Gương mặt ấn chìm”, “Diễn từ của nội giới”…
Paris, tên em trong gió cuốn (2016), tập thơ thứ ba, đã mở ra một “góc nghiêng” trong diện mạo thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Đây là tập bộc lộ rõ nhất cái tôi riêng tư đầy đau đớn, dày vò của tác giả. Những suy tư không ngừng về thơ, về sự sáng tạo tiếp tục song hành cùng chủ đề tình yêu, tình dục với những ám ảnh cuồng khấu. Nhưng thay vì cảm hứng “mê điên” trong cơn sáng tạo và dường như không nhìn thấy điều gì ngoài cơn mê sáng tạo của chính mình, thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, giờ đây, với những cùng cực trải nghiệm, đã xuất hiện tiếng nói tâm trạng trực diện hơn, riêng tư hơn, đau đớn hơn, về các vấn đề đời sống cá nhân của nghệ sỹ và con người nói chung trong một bối cảnh xã hội đầy những chấn động dằn dữ, ghê sợ, bất toàn. Ngôn ngữ thơ nhiều khi trần trụi thô ráp như lời nói thường, chất chứa những cảm xúc mâu thuẫn đỉnh điểm: yêu thương và tan nát, hy vọng và tuyệt vọng, sáng tạo và hủy hoại...
Vỉa từ (2017) rất khác với Giọng nói mơ hồ, Chất trụ, Paris tên em trong gió cuốn, trước hết trong hình thức văn bản. Được viết và tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa trong suốt một thời gian dài trước khi chính thức được công bố dưới dạng một ấn phẩm thơ - văn xuôi, nó là tập ly tâm nhất so với quan niệm về văn bản thơ truyền thống. Vỉa từ là một văn bản gồm nhiều đoạn trình bày những suy ngẫm của tác giả về Thơ, về Chữ và sự Viết. Xa hơn một chút, là về tình yêu, đời sống thế sự, những sang chấn tinh thần mà con người phải chịu đựng để có thể sống và viết… Khởi phát ý tưởng từ 15 năm trước, Vỉa từ thể hiện rõ mong muốn của tác giả là được bộc lộ tư tưởng sáng tạo một cách tập trung và trực diện, ngõ hầu có thể “nói” đầy đủ hơn, sáng tỏ hơn về nghề (mà cũng là cái nghiệp dĩ) sau một quá trình trải nghiệm đầy thăng trầm. Với mục đích đó, hình thức thơ - văn xuôi là một lựa chọn thích hợp. Nhưng Vỉa từ không phải là một tiểu luận - thơ theo như cách người ta có thể nghĩ. Nghĩa là nó không phải một hệ thống định nghĩa nghiêm ngắn, rành mạch, tường minh. Nó mang hình hài của dòng nghĩ miên man, rối bời, liên lục chảy trôi, dẫu vẫn luôn bám níu vào cái trục nghĩ là thơ, là sự viết. Đó là tiếng nói bên trong của một cuộc đời đầy bất an, dằn vặt. Với cuộc đời ấy, thơ luôn là một là giấc mơ dang dở, chưa bao giờ dừng lại, chưa bao giờ kết thúc. Vậy nên trong Vỉa từ, đan xen giữa những câu chữ nghiêm trang triết lý là những lời chia sẻ vụn vặt, bâng quơ, đôi khi thấm thía nỗi niềm, đôi khi giễu cợt, mai mỉa. Định nghĩa khá nhiều nhưng không đầy đủ, thậm chí mâu thuẫn, thiếu nhất quán. Ngay cả cấu trúc “Vỉa từ là…” cũng không giúp gì nhiều trong việc làm sáng tỏ ý nghĩa của biểu tượng, ngược lại, chỉ làm người đọc thấy rõ hơn tính chất mơ hồ, khó lòng lý giải của nó. Nên rốt cục, nếu cái đích của người đọc là để tìm câu trả lời hoàn kết, đầy đủ cho câu hỏi: Vỉa từ là gì? Làm sao tìm được thơ trong Vỉa từ?,thì chắc chắn sẽ không đạt được. Nhưng cùng với quá trình đọc Vỉa từ, người đọc cũng sẽ có cơ hội song hành với tác giả trong một quá trình trải nghiệm đầy phức tạp, mơ hồ và… bất định như chính bản chất của sáng tạo. Và trải nghiệm hành trình này, với người sáng tạo và cả những ai quan tâm, có lẽ còn quan trọng hơn cả đích đến! Tuy nhiên, để có thể thuyết phục nhiều người đọc song hành trên hành trình ấy là không dễ và điều này là có lý do. Trước hết, bởi vì tính chất “lai ghép” giữa văn xuôi và thơ trong tác phẩm này vẫn khá lộ liễu. Mặt khác, những triết lý chưa đến độ và sự lấn át của chất văn xuôi trong nhiều phần, đoạn cũng là nhược điểm dễ nhận thấy của Vỉa từ.
Những thi phẩm đã xuất bản của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh
Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, với cảm hứng tìm tòi sáng tạo hình thức nói trên, nằm trong xu hướng thơ cách tân thi pháp của thơ Việt đương đại. Trong một bối cảnh hẹp hơn, có thể nói những quan điểm của tác giả này khá gần (và có thể đã được gợi ý) từ quan điểm sáng tạo của dòng thơ - ngôn - ngữ, với các đại diện tiêu biểu như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường… Nhưng, thuộc một thế hệ trẻ hơn, Nguyễn Hữu Hồng Minh chú ý đến việc xác lập giọng điệu, lối viết riêng hơn là đi sâu vào những kỹ thuật thể nghiệm, “chơi chữ” kỳ khu như một số tác giả đi trước. Anh khẳng định mình như một cây bút nổi bật của thế hệ 7X với thói quen ưa trình bày, “tuyên ngôn”, “lập thuyết” trong thơ/ bằng thơ. Điều này trước hết cho thấy một đặc điểm trong tư duy thơ của tác giả - nghiêng về nhận thức, suy ngẫm khái quát. Mặt khác, nó cũng thể hiện ý thức mạnh mẽ của tác giả trong việc xác lập tiếng nói riêng giữa những người cầm bút cùng thế hệ. Có thể thấy thói quen “tuyên ngôn” này trong thơ của nhiều tác giả hiện đại, nhất là ở giai đoạn sáng tác mở đầu, nhằm khẳng định vị trí sáng tạo của chủ thể. Tuy nhiên, ở Nguyễn Hữu Hồng Minh, việc “tuyên ngôn” này không chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu, ngược lại, nó là một cảm hứng thường trực trong thơ anh, xuất phát từ nhu cầu được lý giải sâu hơn về bản thể của thơ và hành động viết. Sự xuất hiện của tập thơ thứ tư - Vỉa từ, chứng minh cho thói quen và nhu cầu tự chất vấn không ngừng đó. Tất nhiên, Nguyễn Hữu Hồng Minh là nghệ sĩ chứ không phải nhà nghiên cứu. Bởi vậy, anh sử dụng các khái niệm ngôn ngữ (chữ, từ, tiếng, âm, vần, câu, dòng, bài…) chủ yếu như những tượng trưng, phúng dụ về các vấn đề sáng tạo. Nhiều bài thơ tiêu biểu của anh cho thấy rõ sự kết hợp giữa tính tư tưởng và cách diễn tả hình tượng độc đáo, chẳng hạn: Thơ, Về thơ, Chất trụ, Tôi sẽ được tìm thấy, Dự cảm cây liễu, Treo dọc, Đề cao hiện thực, Ăn hải cảng, Cá ẩn dụ, Ruồi, nước và nhà thơ, Nơi tận cùng thế giới, Của cá… Còn khi nhà thơ sa đà vào lý thuyết, ta có thể thấy ngay sự lỏng lẻo, chồng chéo, thiếu nhất quán trong việc sử dụng khái niệm (chẳng hạn chữ/ từ…). Ngay cả với biểu tượng vỉa từ, để thực sự trở nên trùng phức, đa nghĩa và hấp dẫn, nó cũng cần được “gia cố” thêm bằng những kỹ thuật mô tả đa dạng và giàu tính hình tượng hơn.
Hành trình “tìm thơ trong vỉa từ” không chỉ cho thấy sự dứt khoát, mạnh mẽ trong sự suy tưởng và bút pháp của tác giả. Nó đồng thời cho thấy rất rõ tiếng nói tinh thần, nội tâm của chủ thể. Sau tất cả những băn khoăn mang màu sắc tư biện, sau những ráo riết vồ vập và cả dằn vặt, chối bỏ, thơ vẫn là một phần máu thịt của cuộc đời Nguyễn Hữu Hồng Minh, dù cái giá anh phải trả thực đắt đỏ: Đãi cuộc đời khốn nạn vứt đi/ Được một hai câu thơ/ Trên cánh gió và sa mạc thời gian (Tung tiêng! Tung tiêng). Có lẽ, cái giá ấy đôi khi cũng là niềm an ủi (dù ít ỏi và đượm màu chua chát), bởi vì thơ, xét đến cùng, chưa bao giờ là chuyện thuần túy hình thức. Theo những cách riêng, thơ luôn là một bằng chứng chân thực và trung thành nhất của tâm hồn con người.
Có thể nói, với những biểu hiện khác nhau, xuyên suốt bốn tập thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh vẫn là cái tinh thần nhất quán “tìm thơ trong vỉa từ”. Đó là một sự tìm tòi sáng tạo nghệ thuật rất có ý nghĩa mà tôi mong/ tin là chưa dừng lại.
Vinh, 2.12.2007
TS. Lê Hồ Quang