Đêm nhạc “Khúc hát sông quê” giới thiệu những ca khúc nổi tiếng của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 20 giờ, ngày 8.9. Khoảng 19 bài hát được chọn ra từ 100 ca khúc của ông được các ca sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Anh Thơ, Phương Thảo, Lê Anh Dũng, 5 Dòng kẻ... trình diễn.
Khó có thể phân định riêng biệt Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ, nhạc sĩ hay một hoạ sĩ? Vì hình như ông là người đa tài, cộng hưởng cả ba địa hạt sáng tạo ấy. Chưa kể ông còn là một cây bút phê bình, thẩm định thơ sắc sảo, có một vị trí riêng khi nhận định, đưa ra giới thiệu các gương mặt thơ trẻ định vị từ những năm 2000 đến nay. Tôi thấy cái tên của ông đã vận vào chính ông. Đó là Trọng Tạo - xem trọng những gì thuộc về sáng tạo. Để bên trong cái vẻ ngoài lãng tử, lang bạt, những gì ông "tạo tác" trong tâm hồn đều nghiêm cẩn, công phu, tài hoa. Tuy vậy, không phải ông không nhận ra những hạn chế của mình.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và Ban tổ chức họp báo trước giờ trình diễn đêm nhạc "Khúc hát sông quê"
Trả lời phỏng vấn trên báo chí, tôi thấy ông muốn đặt tên cho đêm nhạc đầu tiên cũng là cuối cùng của mình một chữ duy nhất "Quê". Cái chữ "Quê" đó phân định đường bay của ông. Ông thuộc về quê hương, dân tộc chứ không phải hiện đại, thể nghiệm. Thật khó đi xa khi cứ ngoảnh lại sau lưng ngóng một lũy tre làng. Và chính ông đã có những ca khúc thật hay khi viết về lũy tre, phía rơm rạ, chắt chiu truyền thống, nền nã ấy. Đó là trong nhạc "Làng quan họ quê tôi", là "Khúc hát sông quê"... Là trong thơ "Sông Hương hoá rượu ta đến uống / Ta tỉnh đền đài nghiêng ngã say", "Có cái chớp mắt / Đã nghìn năm trôi". "Ta như sao lạc giữa ban ngày".. Là hội hoạ nhiều mẫu bìa, trình bày đẹp trong hàng ngàn thiết kế như mỹ thuật tạp chí Cửa Việt, Cờ thơ ngày thơ Việt Nam, Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn)...
Văn Cao và Nguyễn Trọng Tạo cùng sáng tạo trên cả ba địa hạt thơ, nhạc, hoạ
Trước đêm nhạc sắp diễn ra của ông, tôi muốn kể lại một kỷ niệm chân thật. Đây đó trong nhiều bài viết, tôi từng hồi ức về ông trong những năm tháng của tuổi thơ mình ở thành phố biển Đà Nẵng. Ông là một trong số những người lính Cộng sản đầu tiên sau 1975 đã tìm gặp bố tôi, một trí thức, nhà thơ, giáo sư dạy ở trường trung học Phan Châu Trinh cũ. Từ đây hai ông quý trọng nhau và nảy nở một tình bạn chân tình. Có lẽ vì tài năng mà các ông đã gặp nhau. Trong tập "Văn chương, Cảm và Luận" đã xuất bản, ông đã viết một chân dung, có nhan đề "Gửi Đông Trình" từ phía bên kia đèo Hải Vân với nhiều trao đổi chia sẻ thi ca nghệ thuật của hai ông. Bài viết đó cha tôi quý mãi đến giờ.
Và thật ngẫu nhiên, tôi biết và thuộc bài hát Làng quan họ quê tôi khi còn là một đứa bé học lớp 7 ở trường cấp 2 cơ sở Nguyễn Trãi nằm sát bên chợ Tam giác - Đà Nẵng. Ngày xưa, nơi đây còn là khu đổi đầu máy ga xe lửa nên khá phức tạp, chợ búa, giang hồ và ồn ào. Ngay góc ngã tư đường Ông Ích Khiêm – Hải Phòng (đường Nguyễn Hoàng cũ) sát trường có treo một cái loa phường hay đọc đủ loại thông báo, bố cáo, nghị quyết họp chợ hay lao động công ích gì đó. Và đứa bé gần nhưng không để ý hết với sự hỗn tạp thường ngày.
Cho đến một chiều gần tết bỗng nhiên nó nghe một giai điệu xinh tươi, duyên dáng vút lên “Làng quan họ quê tôi / Tháng Giêng mùa hát hội / Những đêm trăng hát gọi / con sông Cầu làng bao xanh…” khiến thằng bé ngẩn ngơ. Chưa hết, ở chợ tết trung tâm triển lãm 88 Hùng Vương ngày ấy, chiều cuối năm mở liên tục bài hát này. Khi dựng xe chờ bố mẹ mua hàng, giai điệu đã đi vào ký ức, tâm hồn đứa bé. Bài hát gắn liền với những kỷ niệm vui buồn thiếu thốn của thời bao cấp. Nhưng đó cũng là một thời lý tưởng về sự trong sạch của văn nghệ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Từ "Làng quan họ quê tôi" (phổ thơ Nguyễn Phan Hách) đến "Khúc hát sông quê" (phổ thơ Lê Huy Mậu) là một bất ngờ ngoạn mục cho sức sáng tạo dồi dào của Nguyễn Trọng Tạo. Hai ca khúc thành công cách nhau hơn 20 năm. Ông đã vượt qua cái bóng của chính mình với trường hợp "thơ một câu, nhạc một bài" vẫn giễu nhại trong đời sống văn nghệ. Và giữa hai bài hát thực sự đi vào tâm hồn khán giả trong, ngoài nước đó là rất nhiều sáng tác khác đa dạng từ các địa hạt thơ-nhạc-hoạ ít nhiều tài hoa và mang dấu ấn riêng. Ông vẫn là người "trọng tạo" khắc kỷ với chính mình.
Trên từ điển Wikipedia tôi vừa truy cập, có viết về việc ông từng có ý định tự tử bằng hai khẩu súng lục bắn vào đầu ngày 11.11.1981. Thật may một vụ án thơ ly kỳ hay một hồ sơ thi ca chưa mở ra. Để chúng ta có một thi sĩ, nhạc sĩ tài ba hôm nay với đêm nhạc "Khúc hát sông quê" vào tối 8.9.2017 tới tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Nhưng ý định tự tử bất thành cho thấy góc độ phản tỉnh của một kẻ sĩ, một thi sĩ giàu tình yêu, trách nhiệm và trăn trở. Ông vẫn tin vào "Những bông hoa vẫn nở đúng mùa" nên ít để ý hoa cỏ hôm nay đã bị tiêm thuốc tăng trưởng có thể nở toét bất cứ mùa nào khi lái buôn cần! Hoa nở không chờ chất lượng! Và cũng có thể là hoa nhựa, hoa giả kỹ xảo công nghệ nom tươi như thật! Tươi hơn hớn!
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Hữu Hồng Minh. Hà Nội, 3.2017
Và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng có câu thơ nổi tiếng "Tin thì tin không tin thì thôi". Vâng, một nghệ sĩ như ông không thể không tin vào máu và nước mắt! Ở một thế kỷ nhiều biến đổi, đen trắng như hôm nay đôi khi máu đang bị đánh tráo bằng xà phòng.
Chúc đêm nhạc "Khúc hát` sông quê" của ông khai diễn vào tối 8.9 tại Nhà hát Lớn (số 1 - Tràng Tiền - Hoàn Kiếm - Hà Nội) sẽ rất nhiều hoa thật và cũng thật nhiều nước mắt!...
Nguyễn Hữu Hồng Minh