“Đáng ra cơ quan quản lý cần có cơ chế cùng phối hợp nhưng doanh nghiệp vẫn phải đi theo cơ chế xin cho, nhà đầu tư phải xin phép chính quyền làm cái này trong dự án PPP có được không?”, ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhận định.
Không nên khởi công khi chưa đảm bảo nguồn lực
Phát biểu tại tọa đàm Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP (Hà Nội, ngày 8.11), GS.Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: "Nếu đang làm việc quan trọng thì phải huy động vốn rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn cứ ngại không dám mở ra cơ chế để có thể huy động được".
“Chúng ta mất 5 năm trong việc đề ra cơ chế nước sạch, năng lượng nhưng cho đến năm 2017 mới có quyết định về giá điện mặt trời. Chúng ta cần vốnnhưng nếu không có đột phá về cơ chế thì không thể và việc mở ra một cơ chế cho nhà đầu tư còn rất lúng túng”, ông Mại nói.
Theo ông, cơ chế bảo đảm quan trọng nhất là nhà đầu tư được Bộ GT-VT và địa phương bảo đảm lộ trình thu phí. Xung đột giữa nhà đầu tư và người dân địa phương sẽ làm cho nhà đầu tư lỗ. Ông mong rằng cơ chế đảm bảo này sẽ rõ ràng hơn, cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Về Luật Đầu tư PPP, ông Mại cho rằng cần làm rõ cơ chế bảo lãnh, Nhà nước phải cam kết hỗ trợ công trình trong việc giải phóng mặt bằng để có thể tiến hành dự án theo đúng kế hoạch.
“Trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư, có thể nói cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nội dung quan trọng nhất. Thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính hạn chế sự hấp dẫn của nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Mại nêu và lưu ý rằngdù có tốt đến mấy nhưng khâu tổ chức không hiệu quảsẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình đấu thầu thực hiện dự án, không sòng phẳng trong quan hệ công tư.
Cùng với đó, mô hình tài chính của dự án PPP là bài toán khó nhất bởi rủi ro đầu tư dài hạn, tính nhạy cảm về chính trị và xã hội của kết cấu hạ tầng. Ra quyết định đầu tư là khâu đầu tiên quan trọng nhất bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.
Vẫn theo ông Mại, tình trạng lãng phí bắt nguồn từ cơ quan ra quyết định đầu tư không dựa trên cơ sở khoa học theo phương pháp hệ thống và toàn diện. Dự thảo cũng cần lưu ý bố trí đủ nguồn lực cho từng dự án trên cơ sở lợi nhuận khả thi để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội.
“Không nên khởi công dự án khi chưa đảm bảo nguồn lực mà cần phải quy định chặt chẽ cho vấn đề này”, ông nhấn mạnh.
Hơn nữa, các cơ quan nhà nước tham gia quá trình đấu thầu cần công khai minh bạch thông tin, nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, năng lực thẩm định lựa chọn nhà thầu, theo dõi giám sát thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện.
“Tiêu chuẩn hàng đầu là đã từng làm dự án PPP hiệu quả, kiên quyết không chọn những nhà thầu từng vi phạm nguyên tắc”, GS.Nguyễn Mại nói.
Có vướng mắc đến từ chính quyền địa phương
Còn ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho biết, có nhiều cản trở, vướng mắc với các nhà đầu tư PPP từ thể chế tới cơ chế phối hợp của địa phương có dự án PPP đi qua.
Vướng mắc đầu tiênlà thể chế. Đây là điều băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư PPP, cụ thể là nguyên tắc quản lý chi phí, quản lý vốn. Trước đây, quy định quản lý PPP theo phương thức dự án đầu tư công. Hiệnđã có những quy định quản lý khácnhưng dự án PPP vẫn không khác gì đầu tư công về giá định mức, như vậy là rất khó.
Ví dụ doanh nghiệp làm dự án đường miền Trung giá thành sẽ cao hơn do địa hình đá cứng hơn so với các địa phương khác. Tới lúc chi phí đội lên, doanh nghiệp lại phải trình xin bổ sung, tăng chi phí. Vì vậy, ông Trần Chủng cho rằng dự thảo luật mới cần rành mạch hơn trong quản lý vốn, nên chia tách vốn đầu tư công và tư để quản lý.
Đề cập đến vướng mắc về quản lý dự án đầu tư, ông Trần Chủng cho hayhiệncác dự án PPP bị tham chiếu bởi nhiều luật khác nhau. Dù Dự thảo luật PPP có nói trong trường hợp nhiều luật cùng quy định về một vấn đề liên quan tới PPP sẽ ưu tiên áp dụng theo Luật PPP thì cũng không khả thi.
Lý do là các luật liên quan như Luật Xây dựng có nhiều quy định liên quan tới dự án PPP, còn tiền kiểm hậu kiểm, nên gần như các dự án không thể vượt quy định của Luật Xây dựng.
Tiếp theo là cản trở về vốn. “Hiện cơ cấu vốn của các dự án PPP thông thường là 20% vốn chủ sở hữu, 80% còn lại là vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng tuyên bố đã cạn trần cho vay. Vậyvốn đầu tư PPP ở đâu ra? Ngoài vốn chủ sở hữu, vay ngân hàng thì huy động vốn ở đâu nữa?
Cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có thể huy động trái phiếu. Tuy nhiên phương án này rất khó thực hiện khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước còn non trẻ. Vì thế cần có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp PPP thì mới khả thi”, ông Trần Chủng nêu.
Về hoạt động đấu thầu, ông Trần Chủng chia sẻtrước đây Luật Đấu thầu chỉ có quy định về đấu thầu các dự án nhà nước. Nhưng nay với PPP là đấu thầu chủ đầu tưnên cần cân nhắc lại nên lựa chọn nhà đầu tư như thế nào.
“Có những quy định gây vướng mắc như lựa chọn nhà đầu tư đã có kinh nghiệm đầu tư... cái này rất khó và chúng ta cũng sẽ không có hầm đường bộ Đèo Cả như hiện nay”, ôngnhấn mạnh.
Ông Chủng cho rằng cản trở cuối cùng với các nhà đầu tư là đến từ chính quyền địa phương. Với hình thức PPP, doanh nghiệp với Nhà nước đáng ra phải bình đẳng với nhau trong đầu tư và quản lý. Tuy nhiên các chủ đầu tư dự án vẫn còn phàn nàn rằng không được đối xử bình đẳng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
“Đáng ra cơ quan quản lý cần có cơ chế cùng phối hợp, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đi theo cơ chế xin cho, nhà đầu tư phải xin phép chính quyền làm cái này có được không trong dự án PPP? Nếu không làm được như vậy nhà đầu tư BOT sẽ rất cô đơn", ông Trần Chủng nói.
Lam Thanh