“Nông dân, thương lái phải bấm bụng lấy đường thành phẩm của nhà máy để trừ nợ, nhưng lại lâm cảnh dở khóc dở cười vì không thể đem bán do… nhà máy không xuất hóa đơn”, ông Thời ngao ngán nói.

Nhà máy ‘ép’ nhà nông, thương lái lấy đường trừ tiền bán mía

Hùng Anh | 22/06/2018, 11:47

“Nông dân, thương lái phải bấm bụng lấy đường thành phẩm của nhà máy để trừ nợ, nhưng lại lâm cảnh dở khóc dở cười vì không thể đem bán do… nhà máy không xuất hóa đơn”, ông Thời ngao ngán nói.

Ép dân lấy 3.500 tấn đường để trừ nợ

Ông Ngô Tấn Thời, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa (H.Bến Lức, tỉnh Long An), cho biết mấy ngày qua địa phương hết sức đau đầu trước chuyện “lấy đường trừ nợ” giữa Nhà máy Đường Ấn Độ NIVL đóng trên địa bàn xã với người trồng mía và thương lái.

“Hầu như ngày nào cũng có người đến UBND xã than thở chuyện mía không bán được phải bỏ chết khô ngoài đồng, mía bán được thì cũng không có tiền do nhà máy khất nợ. Gần đây nhiều người lấy đường của nhà máy để trừ nợ, nhưng rốt cuộc vẫn không bán được vì nhà máy không chịu xuất hóa đơn. Việc này đã vượt khỏi thầm quyền của UBND xã, trong khi lãnh đạo nhà máy đã bỏ về Ấn Độ”, ông Thời trần tình.

Theo ông Thời, năm nay toàn xã Lương Hòa có gần 1.200 ha đất trồng mía của gần 1.000 gia đình, nhưng chỉ bán được khoảng 70%, còn lại nhà nông bỏ cho chết khô ngoài đồng, không thu hoạch. Bản thân ông Thời cũng là “nạn nhân của mía đường” khi vừa bán 1,8 ha mía nhưng chịu lỗ đến 70 triệu đồng.

Còn ông Bùi Văn Thanh, nông dân ngụ ấp 6A xã Lương Hòa, kể: “Gia đình tui trồng mía đã nhiều đời, từ thời ông nội tui rồi bây giờ đến tui, nhưng chưa có năm nào người trồng mía khốn khổ như năm nay”. Vụ mía năm 2016-2017, tuy giá mía xuống thấp nhưng 2 ha mía của ông Thanh bán được 125 triệu đồng. Năm nay khi 2 ha mía đến vụ thu hoạch, ông Thanh phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới tìm được người mua với giá 29 triệu đồng, lỗ trắng tay hơn 25 triệu đồng.

Theo ông Thanh, Nhà máy Đường NIVL hoạt động từ cuối năm 1997, chỉ vài năm đầu là mua mía trả tiền sòng phẳng với nông dân, sau đó thì bắt đầu đổ nợ. “Mấy năm qua Nhà máy Đường NIVL luôn trong tình cảnh mua mía năm trước rồi nợ gối đầu năm sau trả tiền. Người trồng mía không bán cho nhà máy thì biết bán mía cho ai, nên phải chịu.

Nhưng năm nay lúc đầu nhà máy nói nợ tiền mua mía, sau đó không thèm thu mua nữa, nhà nông đành phải bán đổbán tháo cho thương lái, chịu lỗ. Cả năm trời đầu tắt mặt tối, đổ hàng chục triệu vô đám mía rồi bán lỗ, không biết sắp tới tiền đâu trả nợ mua vật tư, lo cuộc sống gia đình. Chuyến này chắc phải bỏ nghề thôi”, ông Thanh chán nản nói.

Nhưng theo ông Thanh, gia đình ông vẫn may mắn hơn nhiều người vì… bán mía lỗ vốn chỉ hơn 25 triệu đồng do trồng mía lưu vụ (gốc mía từ vụ trước sử dụng lại). Bởi trong xã có rất nhiều nông dân trồng mía tơ (mía vụ đầu tiên), tiền đầu tư rất lớn, nhưng đến kỳ thu hoạch kêu bán mía rát cổ họng mà nhà máy đường và thương lái không thèm đến mua, đành bỏ mặc cho mía chết đứng ngoài ruộng.

Ông Thanh chán nản kể chuyện nhà nông bán mía lỗ - Ảnh: Thanh Anh

Bà Phan Thị Cẩm Nhung, chủ gần 2 ha mía đã chết khô ở ấp 8, cho biết: “Năm nay Nhà máy NIVL thu mua 650.000 đồng/tấn mía nguyên liệu, nhưng chi phí thuê nhân công đốn và vận chuyển mía đến nhà máy đã tốn hơn 50%. Khi mía đến kỳ thu hoạch, tui kêu bán không ai mua, kêu cho không cũng chẳng có ai đốn, nên đành bỏ mặc cho mía chết, chấp nhận mất trắng 90 triệu đồng vốn đầu tư. Bây giờ muốn dọn đất cho trống để trồng cây khác thì phải tốn thêm khoảng 5 triệu đồng/ha tiền thuê nhân công”.

Ông Nguyễn Văn Huệ, người bán hơn 10 ha mía cho Nhà máy NIVL, cho biết nhiều nông dân, thương lái bán mía xong thì nhà máy nói… không có tiền trả. Lúc bị nông dân, thương lái đòi nợ gay gắt, đại diện nhà máy kêu các chủ nợ lấy đường thành phẩm để trừ tiền mua mía. Ông Huệ được Nhà máy NIVL giao hơn 300 tấn đường để trừ nợ với giá quy đổi từ 12.000 - 13.000 đồng/kg.

Ngoài ông Huệ, nhiều người khác như ông Nguyễn Chí Hoàng phải nhận 400 tấn đường, ông Nguyễn Công Nhật phải nhận 300 tấn đường… Do số lượng đường quá lớn nên những người “nhận đường trừ nợ” phải tìm thuê nhà kho ở nhiều nơi để trữ hàng, tốn thêmhàng chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng và thuê nhân công canh giữ kho đường.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, niên vụ mía đường năm nay toàn tỉnh có hơn 8.000 ha, nhiều nhất ở huyện Bến Lức với gần 6.000 ha. Hiện nay nhà nông đã thu hoạch và bán cho các nhà máy đường trên 7.000 ha, nhưng riêng Nhà máy NIVL còn nợ nông dân hơn 100 tỉ đồng, trong đó có 38 tỉ đồng nợ niên vụ mía năm nay.

Còn thông tin từ UBND H.Bến Lức cho thấy, đến thời điểm này Nhà máy Đường NIVL đã “hợp đồng trừ nợ” với nhà nông, thương lái khoảng 3.500 tấn đường.

“Ôm đường trừ nợ” nhưng không thể bán

Sau khi bị buộc phải “ôm đường trừ nợ”, hiện nay nhiều nhà nông và thương lái ở Bến Lức lại lâm cảnh đứng ngồi không yên vì không thể đưa ra thị trường tiêu thụ số đường này. Ông Huệ cho biết, Nhà máy Đường NIVL mang đường trừ nợ cho nông dân, thương lái, nhưng đẩy họ vào thế khó bằng cách không chịu xuất hóa đơn bán hàng mà hẹn… khi nào có hóa đơn sẽ giao cho chủ nợ.

Theo đại diện Nhà máy NIVL, nguyên nhân chính khiến Nhà máy NIVL không có hóa đơn bán hàng để xuất cho những người chấp nhận lấy đường trừ nợ là vì nhà máy còn nợ tiền thuế đối với tỉnh Long An. Cục Thuế tỉnh Long An xác nhận, hiện tại Nhà máy Đường NIVL còn nợ hơn 110 tỉ đồng tiền thuế và số nợ này đã kéo dài nhiều năm.

Dù Cục Thuế tỉnh Long An đã đề xuất UBND tỉnh gia hạn nhiều lần để Nhà máy NIVL có điều kiện thực hiện việc trả nợ thuế, nhưng nhà máy vẫn chây ì, không thanh toán. Chịu hết xiết, Cục Thuế tỉnh Long An phải sử dụng các biện pháp khống chế Nhà máy NIVL theo quy định của pháp luật, kể cả việc ngừng cung cấp hóa đơn đối với nhà máy.

Hiện nay Cục Thuế tỉnh Long An đang tiếp tục đề xuất UBND tỉnh rút giấy phép hoạt động của Nhà máy NIVL vì mang nợ quá nhiều, không có khả năng thanh toán, khiến nhiều nông dân, thương lái hết sức lo lắng.

Ông Huệ và nhiều chủ nợ của Nhà máy Đường NIVL cho biết, do không có hóa đơn bán hàng của nhà máy nên những ngày qua họ phải chấp nhận để hàng trăm tấn đường nằm “chết cứng” trong kho, không thể giao dịch mua bán.

1 ruộng mía bị nông dân bỏ chết khô sát bên Nhà máy Đường NIVL - Ảnh: Thanh Anh

“Kêu bán đường số lượng lớn hàng chục, hàng trăm tấn mà không có hóa đơn chứng từ nên không doanh nghiệp, nhà buôn nào dám mua, bởi vận chuyển trên đường giao thông thì sẽ bị lực lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát Kinh tế “hỏi thăm sức khỏe” ngay.

Trong khi đó nợ nần nhân công thu hoạch mía, nợ vật tư nông nghiệp và đủ thứ nợ khác đều đến hạn thanh toán mà tụi tui không biết phải làm sao, đành phải chịu khó mở bao bán lẻ với giá 9.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi ngày bán được 5-10 kg”, ông Huệ than thở.

Nhưng trong lúc nhà nông, thương lái đang loay hoay với hàng ngàn tấn đường trừ nợ không thể bán được thì các cơ quan hữu trách của tỉnh Long An và UBND tỉnh vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào khả thi để giải quyết ổn thỏa tình trạng này.

Chủ tịch UBND xã Lương Hòa - Ngô Tấn Thời, nhận định: “Không thể ăn đường trừ cơm, bán lẻ từng ký lô thì không biết bao giờ nhà nông, thương lái mới tiêu thụ hết hàng ngàn tấn đường đang ôm giữ. Tôi nghĩ, sau vụ mía trắng tay này, chắc chắn nhà nông sẽ chẳng còn tha thiết gì đến nghề trồng mía đường truyền thống của vùng Lương Hòa”.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà máy ‘ép’ nhà nông, thương lái lấy đường trừ tiền bán mía