Neil Gaiman, Khaled Hosseini, Ariel Dorfman và Nguyễn Thanh Việt nằm trong số 40 nhà văn đã kêu gọi Quốc hội Mỹ “hành động ngay lập tức để khắc phục các điều kiện tàn bạo dành cho những người xin tị nạn bị giam giữ hiện nay”.
Sinh ra tại vùng Hampshire thuộc Anh, nhà văn Neil Gaiman có 2 quốc tịch Anh và Mỹ
“Đã có quá nhiều báo cáo về tử vong, lạm dụng, quá tải, bệnh không được điều trị, suy dinh dưỡng và thiếu vệ sinh cơ bản. Tuy nhiên, điều ghê tởm nhất ở chỗ những nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là trẻ em”, lá thư viết.
Trong lá thư, các nhà văn kêu gọi Quốc hội “đáp ứng các nghĩa vụ đạo đức của chúng ta bằng cách đảm bảo những người đang bị chính phủ Mỹ giam giữ có được các nhu yếu phẩm cơ bản và đồ dùng vệ sinh”. Ngoài ra, họ còn kiến nghị “cung cấp cho người di cư dịch vụ chăm sóc y tế, được xét xử công bằng và nhanh chóng; không viện trợ cho các nước mà ở đó người xin tỵ nạn phải đối mặt với nguy hiểm; và đảo ngược chính sách của Nhà Trắng về chương trình tái định cư người tị nạn”.
Bên trong một trại tị nạn ở bang Texas - Ảnh: AP
Đầu tháng này, một báo cáo từ Văn phòng Tổng thanh tra Bộ An ninh Nội địa đã cảnh báo rằng các cơ sở giam giữ người tị nạn ở thung lũng Rio Grande ở miền nam bang Texas đang phải đối mặt với tình trạng quá tải nguy hiểm và cần hành động ngay lập tức. Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Kevin McAleenan, Tổng thanh tra Jennifer Costello đã hối thúc cơ quan này nên áp dụng những biện pháp cần thiết để giải quyết tình trạng trên, cũng như hỗ trợ trẻ em và người trưởng thành bị giam giữ trong thời gian dài tại Rio Grande.
“Giống như tất cả những người nhập cư khác, chúng tôi nhớ rất rõ trải nghiệm bị tê liệt hoàn toàn khi đứng trước hệ thống nhập cư của Mỹ, cầu nguyện để mọi việc trót lọt”, các nhà văn viết. “Ngày hôm nay, có rất nhiều người đang ở biên giới cũng đang cầu nguyện như chúng tôi đã làm. Họ có thể cầu nguyện một vị Thượng đế khác nhưng điều đó không quan trọng. Vấn đề là lời cầu nguyện của họ có được lắng nghe hay không là nằm trong tay của các vị - những thành viên của Quốc hội. Làm ơn, hãy giúp họ!”.
Mai Thảo (theo The Guardian)