“Phiêu dạt” là tiểu thuyết thứ 7 của tác giả Thương Hà. Ít ai ngờ, một cây bút nữ vốn được đào tạo chuyên ngành luật và tâm lý học lại có đam mê với thể loại văn xuôi nặng ký này.
Sau các tiểu thuyết Nalis xô dạt bờ định mệnh, Một con đường, Bóng đêm của Diệu, Người PTSD, Những oan hồn bất tử và Vùng biên không yên tĩnh, nhà văn trẻ Thương Hà lại tiếp tục mạch viết dồi dào qua Phiêu dạt do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Huyền Đức ấn hành.
Phiêu dạt dày hơn 500 trang, được tác giả viết miệt mài suốt 4 tháng. Sinh ra trong hòa bình, Thương Hà chọn một cách khác để nhìn về chiến tranh. Nói cách khác, Thương Hà muốn lý giải sự tàn khốc của chiến tranh, bằng sự chia sẻ và nhân ái.
Bám vào thông điệp “mỗi dân tộc bằng cách này hay cách khác đều dự phần vào định mệnh nhân văn của nhân loại”, tiểu thuyết Phiêu dạt chia làm 42 chương, xoay quanh sự thức tỉnh của 5 nhân vật Vương, Đạt, Mohamed Awad, Donzefski và Richard Hùng. Nghĩa là 5 cuộc đời không còn trên dương thế nữa, nhưng linh hồn của họ vẫn vất vưởng giữa những câu chuyện sám hối và ăn năn.
Vương, Đạt, Mohamed Awad, Donzefski và Richard Hùng có xuất thân khác nhau, thụ hưởng văn hóa và giáo dục khác nhau. Thế nhưng, họ đều dự phần vào chiến tranh theo cách riêng của mỗi người. Và khi hội ngộ trước cửa luân hồi thì mỗi người mang theo một niềm day dứt. Linh hồn họ phiêu dạt trong bế tắc những vẫn khao khát tìm đường về cõi thiện của nhân tính.
Ví dụ, ông Vương - người lính từng tham gia trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, khi đã xuống địa phủ cứ loay hoay không thể siêu thoát. Để rồi trải qua nhiều thăng trầm ông nhận ra “cuộc chiến ấy kết thúc xong, cả hai bên đều tuyên bố mình là người chiến thắng. Chúng ta bảo vệ được lãnh thổ của mình. Việt Nam cũng nói họ bảo vệ được đất nước của họ. Những người hy sinh ở nơi đó có lẽ cũng nghĩ vậy. Chỉ có chúng ta, những người còn sống trở về mới mơ hồ về ý nghĩa chân chính của nó”.
Ông Vương cũng như các nhân vật còn lại đều có chung một dằn vặt “Bất kỳ một cuộc chiến tranh nào cũng đều tàn khốc cả. Cho dù mục đích của nó là gì. Cho dù là bên sai hay bên đúng. Khi đạn ra khỏi nòng, khi máu đã đổ xuống, khi những xác người chồng chất lên nhau, thì đều tàn khốc cả thôi”.
Tác giả dùng lời của nhà văn nữ Lam để kể chuyện thật chậm rãi và thật day dứt.
Tương tự ông Vương, người lính Mohamed Awad trong cuôc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia láng giềng Palestine và Israel, hoặc người lính Donzefski trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của chính quyền Nga thực hiện trên lãnh thổ Ukraine, cũng đều đau khổ và xót xa. Cho nên, tiểu thuyết Phiêu dạt mở rộng biên độ tưởng tượng để mở rộng biên độ lương tri.
Tiểu thuyết Phiêu dạt tập trung truy vấn nguyên cớ chiến tranh. Lý tưởng ư? Tham vọng ư? Lợi ích ư? Dù nhân danh bất cứ điều gì thì chiến tranh cũng có màu sắc toan tính của những kẻ ích kỷ và độc ác. Trong kỷ nguyên hội nhập, đồng tiền đang khiến con người đứng gần mâu thuẫn hơn. Tác giả cho nhân vật phát biểu rằng: “Tiền là thứ giá trị không thay đổi trong suốt những năm qua kể từ khi nó được sinh ra và quy ước như một thứ để trao đổi. Thế nhưng cách các ngươi sử dụng tiền, kiếm tiền và hướng tới cái tốt đẹp mà ngươi nói lại chẳng giống nhau. Thậm chí là cả định nghĩa về sự tốt đẹp ấy cũng khác nhau”.
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, nhận xét:
“Liên tục nhiều câu hỏi được đặt ra ráo riết: Vì tiền mà đi cướp ư? Vì tiền mà đi lừa đảo ư? Vì tiền mà tạo ra những cuộc chiến tranh xâm lược ư? Vì tiền mà tàn sát những người dân thường vô tội ư? Và tiểu thuyết Phiêu dạt có đáp án sòng phẳng: “Có thể đối với anh, tốt đẹp là có nhiều tiền. Thế nhưng đối với tôi, cái gọi là tốt đẹp là hòa bình, yên ổn với những người yêu thương. Cũng có người chỉ cần đủ ăn. Cũng có người nghĩ một túp lều tranh hai trái tim vàng là quan trọng nhất. Chẳng ai biết được trong cái “tốt đẹp” mà mỗi người mong muốn thật sự có quá nhiều yếu tố của giá trị tiền bạc hay lợi ích ở đó hay không. Cũng bởi vậy những cuộc chiến tranh vì tranh giành lợi ích lại không phải điều mà tất cả mọi người mong muốn.
Tiểu thuyết Phiêu dạt chứng tỏ sự nhạy bén của tác giả Thương Hà trong việc chọn lựa và khai thác đề tài. Thông qua sự phục thiện từ những linh hồn bị dày xéo bởi chiến tranh, tác giả Thương Hà đã cho chúng ta thấy sự ân cần, trìu mến dành cho những số phận".
Còn nhà văn Đỗ Ngọc Yên thì cho rằng: “Dù là quá khứ hay hiện tại, quốc gia, vùng lãnh thổ hay lục địa nào, vì bất cứ lý do gì chính đáng hay ngụy tạo, xâm lược hay chống xâm lược, dù là phiến quân hay chính quyền quốc gia… nếu để xảy ra chiến tranh đều là tội ác với đại bộ phận người dân nơi chiến sự xảy ra. Người ta có thể trốn chạy từ chỗ này đến chỗ khác trong một thời gian, có thể là ngắn hay dài, nhưng dứt khoát không một ai có thể trốn chạy khỏi lịch sử và càng không có thể chối bỏ trách nhiệm lương tâm của chính mình khi để xảy ra chiến tranh...".
Nhà văn Đỗ Ngọc Yên nói thêm: "Theo tôi, đấy chính là thông điệp nóng bỏng nhất mà tiểu thuyết Phiêu dạt của nữ nhà văn Thương Hà gửi tới tất cả mọi người. Trải dài hơn 400 trang sách là một sự nhức buốt về thảm họa chiến tranh, không chỉ đối với những người còn sống sót, dù “trong cuộc” hay “ngoài cuộc”, mà còn cả với những người đã về thế giới bên kia nhưng vẫn chưa tìm được đường siêu thoát”.