Trang Thế Hy nặng nợ với văn - chương - chữ - nghĩa từ giữa cuối những năm năm mươi thế kỷ trước. Ông viết không nhiều, hơn 50 truyện ngắn, vài chục bài thơ. Bài thơ “Đắng và Ngọt” của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa “Quán bên đường”. 

Nhà văn Trang Thế Hy: Bình thản hồn nhiên

Một Thế Giới | 09/12/2015, 12:19

Trang Thế Hy nặng nợ với văn - chương - chữ - nghĩa từ giữa cuối những năm năm mươi thế kỷ trước. Ông viết không nhiều, hơn 50 truyện ngắn, vài chục bài thơ. Bài thơ “Đắng và Ngọt” của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa “Quán bên đường”. 

LTS: Nhà Văn Trang Thế Hy vừa qua đời tại nhà riêng của ông lúc 0g50 ngày 8-12 (Khu phố 1, phường Phú Tân, Bến Tre). Lễ viếng bắt đầu lúc 9g hôm nay và lễ động quan lúc 12g30 ngày 10-12. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một bài viết của nhà báo Minh Nguyễn, đã từng đăng trên báo Tuổi Trẻ Xuân 2014 như một lời tạ biệt ông, một tâm hồn miền Nam thâm trầm, tinh tế.
1. Năm 1992, ông rời chốn đông vui giữa trung tâm Sài Gòn náo nhiệt, ai hỏi ông đều nói “đi chỗ khác chơi”. Chỗ khác đó là trở về ngôi nhà nhỏ xíu, liêu xiêu ven con lộ nhỏ bên bờ kinh đầy những cành mua tím. Ngôi nhà nép dưới tán dừa mới trồng lại sau chiến tranh trong vuông vườn nho nhỏ. Ở nơi đó, những tưởng ông quên đi nỗi nhọc nhằn chữ nghĩa, những ám ảnh văn chương. Nhưng ngược lại, ông chẳng hờ hững chút nào với những sự kiện nổi bật của văn đàn, những sự kiện văn hoá, những nỗi buồn thế sự cả trong nước và thế giới. Sự kiện nào ông cũng rành rẻ, tường minh gốc rễ của nó.
Ông thân thiết với Nguyễn Ngọc Tư từ cung cách dung dị trong cuộc sống đến những điều quái lạ trong văn chương của cô gái Nam bộ ấy. Đọc và nhớ đến chi ly từng chi tiết, tình tiết trong câu chữ và tính cách nhân vật của Tư. Ông nhớ hoài hình ảnh lục bình trong ao - Nguyễn Ngọc Tư gọi là bị nhốt - mà vẫn trổ bông trong một tản văn đăng trên báo, truyện ngắn Cải cho tới tiểu thuyết Sông. Đọc Cánh đồng bất tận, ông nói “Tư viết thấy ghê” - tính chất dữ dội của câu chuyện và ngôn ngữ sắc lạnh của Nguyễn Ngọc Tư. Ông nói thêm: Văn Tư đa chiều và đa nghĩa nên không phải dễ đọc.
Có một lần, trong câu chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc chung quanh “Cánh đồng bất tận” bị phê phán nặng nề về quan điểm sáng tác, ông buồn chảy nước mắt. Không phải mủi lòng vì sợ Tư không chịu đựng nổi mà vì trong số những người nhân danh chân lý ấy có một nhà thơ Nam bộ thuộc hàng cha chú của Nguyễn Ngọc Tư mà ông từng yêu mến. Nỗi đau đó đeo đẵng ông. Còn với Alice Munro, Nobel văn chương 2013, ông có nhận xét thú vị: Bà này rất ngộ. Nhân vật của bà toàn là những thân phận nhỏ nhoi. Chi tiết của bà cũng nho nhỏ từ cuộc sống thực trong mối quan hệ gia đình. Hơi dài dòng nhưng văn bà không có câu nào dở. Câu nào cũng hai ba tầng nghĩa.Truyện ngắn Thị trấn trên đường đi là một ví dụ. Trong đó ông nhắc tới đoạn đối thoại với một câu trả lời chung của hai người khi cả hai vợ chồng đều lao xuống hồ để cứu hai đứa con nhỏ sắp chết đuối. Người vợ hỏi chồng: Tại sao anh làm vậy? Tôi không biết - Người chồng trả lời. Người chồng cũng hỏi vợ câu hỏi đó, bà ta cũng trả lời y chang: Tôi không biết. Tưởng đâu là lẩm cẩm nhưng thật là ý nhị. Trên đời này có ai lý giải được tình yêu thiêng liêng đâu. Người ta có thể chết cho người thân của mình được sống.
Ở nơi xa vắng đó, dù không có sáng tác nào mới, nhưng ông vẫn quan sát cuộc sống mỗi ngày. Sự kiện nào với ông cũng là một liên hệ gắn bó, một chiêm nghiệm.
2. Trang Thế Hy nặng nợ với văn - chương - chữ - nghĩa từ giữa cuối những năm năm mươi thế kỷ trước. Ông viết không nhiều, hơn 50 truyện ngắn, vài chục bài thơ. Bài thơ “Đắng và Ngọt” của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa “Quán bên đường”. Ông cũng viết tiểu thuyết dưới hình thức feuilletons trên báo. Trang Thế Hy say mê thơ Tagore, ông là một trong số ít người dịch thành công những tác phẩm của thi hào vĩ đại này. Với những gì còn lại và đã công bố trong những tập truyện ngắn (Nắng đẹp miền quê ngoại, Mưa ấm, Người yêu mùa thu, Vết thương thứ mười ba, Nợ nước mắt) cho thấy Trang Thế Hy đã chọn cho mình cõi riêng, một mình một phong cách, vừa nghiêm cẩn, vừa sâu lắng, sang trọng. Ông hiện lên trên các trang viết sự tinh tường, thấu hiểu và điềm tĩnh trước cuộc sống, trước thân phận con người. 
Năm 2007, hơn 40 năm sau ông mới có dịp trở lại Củ Chi, nơi đã tôi luyện nhân cách và phong cách văn ông. Ông từng nhiều lần nói vậy. Màu xanh của mảnh đất này không làm ông nguôi ngoai nỗi buồn. Tất cả những người quen cũ của ông đều không ai trở về sau cuộc chiến. Năm 1966, chiến tranh vào thời kỳ ác liệt nhất, trên đường từ “R” xuống chiến trường Củ Chi, ông đi qua nơi các đơn vị bộ đội đóng quân, chuẩn bị cho những đợt xuất kích, hàng huyệt mộ được đào sẵn, nhìn những hạt bụi bay mù trời, ông rùng mình và tưởng tượng, biết đâu, trong những huyệt mộ ấy có cái dành sẵn cho mình. Cái bi thảm và tàn khốc của chiến tranh, sự nhỏ nhoi của con người đó mở đầu truyện ngắn Hạt bụi (bản thảo đã mất), sau này thành truyện Anh Thơm râu rồng. Nhiều ý kiến của lãnh đạo, thậm chí là một số nhà văn từ Bắc vào, nghi ngại quan điểm sáng tác của ông. Từ cái nhìn chiến tranh như vậy, ông đọc Nỗi buồn chiến tranh với một tâm thế sẻ chia. Vài ba lần Bảo Ninh từ Hà Nội vào tìm ông, đến lần thứ ba mới có cuộc tri ngộ giữa hai người. Trong câu chuyện với Bảo Ninh, ông vẫn bày tỏ day dứt về Số phận con người của Sôlôkhôp. Một tác phẩm mà mỗi lần đọc nó, người ta luôn cảm thấy ám ảnh, khó dứt ra khỏi hình ảnh của hai con người xa lạ - hai cha con - Andrey Sokolov và chú bé mồ côi Vania nương tựa vào nhau. 
Ông đọc Nguyễn Huy Thiệp từ những tác phẩm đầu tiên, và dõi theo sự xuất hiện của anh nhiều năm sau. Một lần cùng nhà thơ Nguyễn Duy gặp Nguyễn Huy Thiệp, dù chỉ 15 phút sơ giao, nhưng họ vẫn kịp trao cho nhau cảm xúc về lòng tự trọng nghề nghiệp. Đối với Trang Thế Hy, nhân cách sống của con người và nhân cách văn chương là một. Ông nghĩ Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Ngọc Tư, dù ở hai đầu đất nước, phong cách văn khác nhau nhưng đều là người như vậy.

3. Con đường dẫn vào nhà ông giờ được mở rộng và trải nhựa. Ông hiến tặng 500 mét vuông đất cho dự án này. Con đường cao lên, ngôi nhà sát đường hơn nhưng thấp xuống. Những cây mua tím không còn. Cây bưởi sai oằn trái trước sân cũng không còn. Có cảm giác những trận mưa bão kéo dài ngôi nhà ấy sẽ xâm xấp nước. Có hề chi, nó vẫn là điểm gặp gỡ những người bạn xa gần. Lý Lan, Minh Ngọc, Chinh Ba, Hà Dương Tuấn, Nguyễn Bá Chung, Võ Trường Chinh ở Mỹ, Pháp về,  Nguyễn Trung, Mỹ Hà, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Lê Văn Thảo từ Sài Gòn xuống, Nguyên Ngọc, Ngô Thảo, Trung Trung Đỉnh, Lê Minh Khuê từ Hà Nội vào hằng năm vẫn đến với ông mỗi khi có thể. Căn nhà nhỏ của ông thành nơi đàm đạo văn chương và thế sự. Câu chuyện nào của ông cũng có ngằn, uyên thâm đông tây kim cổ. Những bạn trẻ đôi khi đến với ông cũng chỉ để nghe một câu chuyện bâng quơ nhưng trong đó luôn chứa đựng một thông điệp, điều thiện sẽ phục sinh con người.

Di cảo của nhà thơ Chim Trắng, có một bài thơ dành tặng ông Trang Thế Hy: Bài thơ có đoạn viết:

……..

Đau đớn thay Nụ cười của đá (*) đã không thành một nụ cười

Bão tố quất lên đôi vai gầy ông tưởng chừng không còn đứng nổi

Nhưng ông đã thành nhà tiên tri

Ông vẫn đi qua những hố bom bãi mìn và viết

Bất tài đố kỵ ấu trĩ giả dối rượt đuổi ông đến tận cùng

Hoà bình - những cánh chim câu hãy còn rơi nước mắt

……….

Khoả lấp món nợ nước mắt chưa trả nổi bên ly rượu ổi, giọng cười hào sảng cùng                                                                                                                                                                                                                        bè bạn bốn phương

(Trích “Cây sậy Trang thế Hy” - “Lời chào ngọn gió”, di cảo thơ Chim Trắng)

Hỏi ông về tác phẩm này, (Nụ cười của đá) ông trả lời bằng giọng buồn buồn: Đó là một truyện ngắn hơi dài khẳng định rằng đá không biết cười.  Sau khi viết xong truyện này, ông bị giới chức tuyên huấn, văn nghệ ở “R” đánh tả tơi, duy nhất có ông Trần Bạch Đằng – khi đó là Phó trưởng Ban Tuyên huấn trung ương cục miền Nam đến thăm an ủi - chứ không hề bênh vực - ông. Bản thảo truyện ngắn đó giờ ở đâu? – Tôi hỏi, ông nói lạc mất từ khi nó mới ra đời ở khu rừng miền đông ấy, (Có thể những người nặng lời phê phán quan điểm sáng tác của ông  thông qua truyện ngắn này cất giữ để làm bằng cho việc quy chụp ông hoặc đã thủ tiêu nó - NV) bởi sau đó thì ông lại đi chiến trường, sống với những người du kích. Thời đó, bản thảo viết tay, không có điều kiện lưu giữ nếu như bản thảo chưa được in ra.

*** 

Bước vào tuổi 90 - sinh nhật 89 năm tuổi của ông diễn ra cuối tháng 10/2013 ấm cúng tại ngôi nhà nhỏ đó với bè bạn khắp nơi về. Hỏi ông đang đọc gì, ông nói đang đọc lại Nguyễn Hiến Lê với những cuốn sách dạy làm người, dạy cách ứng xử với cuộc đời. Ông nhớ Trang Châu và câu chuyện người đàn ông nọ, vợ chết không khóc - mà còn vỗ trống và hát. Vợ mất không khóc đã là lỗi mà vỗ trống và hát thì lỗi nặng hơn.

Nhưng người đàn ông ấy giải thích rằng ông không khóc không có nghĩa là không đau buồn, vỗ trống và hát đâu có nghĩa là vui. Cái chết là tiếp nối của sự sống của một cuộc đời khác theo dòng bất tận của vòng luân hồi. Người đàn ông ấy bình thản đón nhận sự thật của cuộc đời như nó vốn có.

Sinh nhật tròn 90 tuổi của ông sắp đến. Nghe đâu có quan chức Hội Nhà văn Việt Nam định nhân dịp này tổ chức rình rang, chắc là để cho thấy Hội rất - quan - tâm đến ông. Còn  ông, lại một cuộc vui mà ông dư định: tự mình tổ chức buổi nhậu (có thể không phải là một ngày mà nhiều ngày khác nhau vì nghe đâu mọi người, từng nhóm dự định đến với ông trong dịp này) dành trọn cho bạn bè.

Bình thản hồn nhiên, từ lâu đã là chọn lựa cho cách sống của nhà văn Trang Thế Hy. Con người tri túc  mới chọn được cho mình cách sống ấy.

Minh Nguyễn/Nguồn: Viet-studies

(*) Nhan đề một truyện vừa của Trang Thế Hy hoàn thành năm 1972 còn ở dạng bản thảo. Với tác phẩm này cùng với truyện vừa “Hạt bụi” ông đã bị một “tai nạn văn xuôi” trong quá trình lao động sáng tạo của mình.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà văn Trang Thế Hy: Bình thản hồn nhiên