Từ nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục đã “lơ” trách nhiệm chi trả bản quyền tác phẩm văn học được sử dụng trong sách giáo khoa (SGK) cho các tác giả.
Đã vinh dự rồi, đừng đòi quyền tác giả?
Theo Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), hiện có trên 500 tác giả có tác phẩm in trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn, chưa tính tới sách tham khảo, nhưng hầu như chưa được chi trả tiền tác quyền, kể cả những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như: Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Trần Đăng Khoa, Tố Hữu, Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Thanh Nhàn, Ngô Văn Phú…
Điển hình, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã từng rất bất ngờ khi biết tác phẩm “Tiếng vọng” của ông được trích đăng trong sách Tiếng Việt lớp 5, tập 1… vì ông chưa từng được ai hỏi ý kiến và cũng chưa từng nhận một đồng nhuận bút, tiền tác quyền nào.
May mắn hơn nhiều tác giả khác, nhà giáo Đặng Đức Hiển, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chủ nhân của bài thơ “Mẹ vắng nhà ngày bão” in trong SGK đã hai lần được nhận nhuận bút. Trao đổi với PV, ông Hiển kể: Lần đầu vào năm 1981, khi bài thơ này được chọn và in trong SGK lớp 4, nhà xuất bản có biếu một cuốn sách và 50 đồng nhuận bút.
Sau này, khi biên soạn lại SGK, ông lại được nhận thêm một lần nhuận bút 100.000 đồng (tương đương với nhuận bút một bài thơ đăng báo) và một cuốn sách. “Có tác phẩm hay, được chọn để đăng trên SGK là một vinh dự, nên tôi không nghĩ nhiều về tiền bản quyền tác phẩm hay nhuận bút”, ông Hiển tự an ủi.
Nhưng nhiều tác giả khác lại tỏ ra bức xúc, bởi xét luật, mỗi năm NXB tái bản cả trăm triệu cuốn sách bán cho học sinh, mà chẳng màng đến các tác giả thì thật bất cập.
Điều này cần phải thay đổi, không chỉ để tôn trọng các tác giả mà đã là SGK thì cần tuân thủ đúng pháp luật, trong đó có liên quan đến quyền tác giả. Không thể dùng “chùa”, hoặc trả nhuận bút chiếu lệ mãi được.
“Kể cả khi việc chi trả tác quyền có “đẩy” giá SGK, thì Chính phủ có thể cấp ngân sách để trợ giá như một số mặt hàng khác; hoặc NXB Giáo dục có thể chia sẻ thông tin minh bạch, rõ ràng với tác giả. Tôi tin các tác giả sẽ có sự chia sẻ nhất định khi được tôn trọng và có quyền quyết định về việc sử dụng đối với đứa con tinh thần của họ”, bà Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc VLCC cho biết.
Doanh thu 400 tỉ, chỉ trả tác quyền 1 tỉ
Đại diện NXB Giáo dục cho biết, NXB cam kết sẽ chi trả toàn bộ tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được trích đăng trong hệ thống SGK phổ thông Ngữ Văn và Tiếng Việt do đơn vị này xuất bản theo đúng luật. Tuy nhiên, hiện nay NXB vẫn đang tiếp tục đàm phán về cách tính tiền chi trả tác quyền cho các tác giả và cả hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc VLCC cho hay, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra công thức tính cho tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK là: Từ 10-20% tiền nhuận bút của tác giả biên soạn x lương cơ sở (1.150 nghìn đồng) x số tiết. Tuy nhiên, số tiết NXB Giáo dục tính cho tác giả là số tiết có trích nội dung tác phẩm chứ không phải tất cả các tiết theo chương trình phân bổ giảng dạy.
Trong khi đó, đại diện các tác giả cho rằng, các tác phẩm hoàn toàn độc lập với SGK khi sáng tác, độc lập với tác giả biên soạn nên tác giả của những tác phẩm đó không có nghĩa vụ chia sẻ tiền nhuận bút với tác giả biên soạn. Vì vậy, cách tính trên của NXB đưa ra không được các tác giả chấp nhận.
“Doanh thu mỗi năm của NXB Giáo dục khoảng 400 tỉ đồng. Trong đó, chi cho biên tập chỉ khoảng vài chục tỷ đồng. Và theo như cách tính mà họ đang áp dụng, thì tiền tác quyền năm 2014 chỉ chừng 1 tỉ đồng. Một con số vô cùng khiêm tốn so với lãi ròng mà NXB Giáo dục thu được”, bà Huệ cho biết.
Theo Vũ Anh (Giao thông Vận tải)