Nhạc sĩ Vũ Thành An lịch lãm trong chiếc áo linh mục màu đen, khoác bên ngoài bộ vest trắng, sang trọng. Ông nói chuyện nhỏ nhẹ, tình cảm. Trong khi nói chuyện với phóng viên, thỉnh thoảng ông vẫn xưng An, gần gụi, ấm áp. Ở tuổi 77, nhạc sĩ Vũ Thành An vẫn viết những bản nhạc tình, nối tiếp mạch chảy âm nhạc của ông.
+ Tôi đang chuẩn bị cho tương lai của mình, tôi đã quá tuổi nghỉ hưu rồi, nếu một ngày mình không hoạt động nữa thì cần có những người kế tiếp… Về âm nhạc tôi đã có thể tin cậy vào một tài năng mà tôi nhận làm học trò có thể tiếp nối dòng nhạc của mình là ca sĩ Ngọc Châm. Về gia đình, Quỹ Teresa quốc tế chuyên làm việc bác ái đang có mặt trên 10 quốc gia, tôi tiếp tục củng cố và phát triển.
Tôi về Việt Nam lần này để chuẩn bị khai trương mái ấm An Vũ mà Ngọc Châm có đóng góp rất lớn. Tôi cũng tham gia một vài sự kiện âm nhạc khác, đêm nhạc ngày 13/4 giới thiệu những sáng tác mới của Vũ Thành An và Ngọc Châm. Cảm ơn quý vị đã thương mến những bài hát "Không tên" của Vũ Thành An, tôi tin là các quý vị sẽ tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới.
-Vì sao ông chọn Ngọc Châm chứ không phải là một ca sĩ danh tiếng nào khác để gửi gắm những sáng tác mới của mình?
+ Tôi nghĩ, mỗi ca sĩ sẽ có một lối trình diễn riêng, giống như mỗi bông hoa đều có hương thơm. Quan trọng là người nghệ sĩ có nhiệt tình, có đam mê hay không. Những bài hát của tôi qua tiếng hát của Ngọc Châm sẽ đến với khán giả, có những bài tôi viết 20 năm rồi không ai biết. Tôi mừng vì có có một học trò, người con nối nghiệp không chỉ về nghệ thuật mà cả công việc bác ái nữa.
-Sau ca khúc "Không tên 50", ông đã ngừng sáng tác và phải 20 năm sau, nhạc sĩ Vũ Thành An mới lại viết tiếp. Tại sao lại lâu như vậy?
+ Năm 1995, Vũ Thành An muốn chấm dứt, bỏ hết tất cả để đi tu, theo đạo công giáo. Trước khi đi tôi có làm CD "Tình ơi giã biệt". 7 năm sau, tức là 2002, tôi đạt chức phó tế, không đi đâu nữa, chỉ lo nhà thờ và gia đình thôi. Nhưng tôi lại nghe tiếng gọi của cuộc đời, đi ra cùng mọi người làm những việc bác ái. Đi đâu tôi cũng được yêu cầu sáng tác nhưng tôi cương quyết từ chối.
20 năm sau, 2015 đó là cái duyên, tôi đọc được câu thơ: "Mối tình đầu là hạt giống trăm năm" của một người bạn. Tôi nghĩ, trời ơi sao ông ấy có ý tưởng hay như vậy, mỗi người chúng ta đều có mối tình đầu không thể quên, sẽ sống mãi mãi trong cuộc đời. Vũ Thành An có ý nghĩ ơn trên cho mình khả năng sáng tác, tại sao mình không dùng để đem lại cái đẹp cho cuộc đời, đem lại niềm an ủi yêu thương cho người khác? Tôi bắt đầu sáng tác trở lại… Những bài hát cũng như những bông hoa vậy. Đến nay tôi đã có "Không tên 101"…
-Vì sao nhạc sĩ Vũ Thành An lại đặt tên bài hát là "Không tên"?
+ Đó là chủ ý của tôi từ đầu, có nhiều lý lẽ nhưng quan trọng nhất, để thành công mình phải có điều gì đó riêng, gây chú ý, trở thành thương hiệu để nhận diện ra chính mình. Nhắc đến bài hát "Không tên", chắc hẳn mọi người đều nhớ đến nhạc sĩ Vũ Thành An. Thế là thành công rồi.
-Ông có ấn tượng với ca sĩ nào nhất trong những người hát nhạc Vũ Thành An?
+ Tôi vẫn nghĩ, mỗi người hát mang một màu sắc riêng, tôi chỉ có một mong muốn là các ca sĩ hát bài hát của tôi đừng có đổi lời. Lời bài hát là tâm huyết của tôi gửi gắm vào từng câu, chữ. Thay đổi lời sẽ mất đi ý nghĩa của bài hát. Nhiều ca sĩ bây giờ không kỹ lưỡng trong việc hát lời.
Trong trang web vuthanhanpost.com, có đầy đủ lời nguyên bản các bài hát. Chỉ cần các ca sĩ vào đó đọc sẽ biết chính xác lời của từng bài hát. Ví dụ bài "Đời đá vàng" có câu: "Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng". Chữ "thời" ở đây khác với "có một lần" hay "có một đời khóc than"… Hay bài "Không tên số 7", có câu: "Bao giờ đời sẽ vơi", có người hát thành "Bao giờ đời sẽ vui", ý nghĩa của bài hát sẽ bị hiểu sai.
Tôi muốn nhắn nhủ với các ca sĩ rằng, tôi còn sống, bây giờ thế giới đa phương tiện, việc liên lạc rất dễ dàng dù tôi sống ở Mỹ, các ca sĩ cứ liên lạc với tôi, tôi sẵn sàng trả lời và giải đáp tường tận từng ca từ giúp họ hát hay hơn.
Ca sĩ Ngọc Châm và nhạc sĩ Vũ Thành An. |
-Nhiều năm ông sống xa Việt Nam, cuộc sống trải qua nhiều nỗi buồn nhưng âm nhạc của Vũ Thành An vẫn luôn yêu thương cuộc đời, yêu con người, những bài hát mới của ông vẫn thấm đẫm tâm hồn Việt. Ông thường viết nhạc lúc nào?
+ Cuộc sống của tôi bây giờ khá bận rộn. Vợ tôi ốm nhiều năm nay, thời gian của tôi chủ yếu dành để chăm sóc vợ. Tôi có thói quen cầm đàn, có gì hay là ghi lại rồi phát triển thành bài. Điều khó khăn và mất nhiều thời gian nhất là viết lời, khi nào có đề tài thì tôi viết, còn không, tôi vẫn lấy thơ của bạn bè phổ nhạc.
Vợ tôi là người đầu tiên nghe những bài hát mới của tôi, bà cũng là nhà phê bình âm nhạc rất khó tính. Bà bảo, bài này hay thì tôi dùng, bài kia không hay thì tôi bỏ. Tôi rất tin vào khả năng thẩm âm của vợ tôi.
-Những sáng tác mới của ông vẫn tiếp tục dòng chảy của dòng nhạc tình. Vì sao, ở tuổi 77, ông vẫn giữ được một tâm hồn yêu như thế?
+ Tôi vẫn là Vũ Thành An của ngày xưa, vẫn tâm hồn ấy, vẫn trái tim ấm nóng ấy nên những đứa con tinh thần của tôi vẫn là những bản nhạc tình. Một bản nhạc có thể đem lại niềm an ủi cho mọi người là hạnh phúc của nghệ sĩ. Tôi không muốn ai nghe nhạc của tôi mà buồn bã, bi lụy.
Nếu khán giả thích nghe bài của tôi có nghĩa là tôi đã giúp cho họ được phần nào, cho tâm hồn họ vui hơn, tươi đẹp hơn. Đó là sứ mệnh của nghệ sĩ, đem lại niềm an ủi, hạnh phúc cho người khác.
Bây giờ tôi viết bằng cách hồi tưởng lại những chuyện tình xưa và mượn dòng thơ của người khác. Tôi nghĩ, không cần phải có bóng hồng mới sáng tác được. Các bạn cứ nghe những bản nhạc mới của tôi xem trái tim tôi có còn nóng hay không? (Cười).
Nhạc sĩ Vũ Thành An và các nghệ sĩ trong buổi họp báo ở Hà Nội. |
-Ông có 101 tình khúc "Không tên", đó là những bản tình ca đẹp và buồn về tình yêu. Vậy đến bây giờ, ông có thể tiết lộ có bao nhiêu bóng hồng đã đi qua cuộc đời Vũ Thành An?
+ Không có nghĩa là 101 cô và cũng không có nghĩa là 1 cô. Tùy người nghe cảm nhận bài này viết tặng một bóng hồng có thật hay do tôi tưởng tượng ra. Nhưng có một điều chắc chắn, những mối tình của tôi đều diễn ra trước hôn nhân. Sau hôn nhân tôi không yêu cho đến khi gia đình đổ vỡ.
Đến bây giờ, tôi chưa có lỗi với ai. Trong tình yêu, tôi toàn nhận lấy thương đau. Nhưng cuộc đời nếu chỉ có hạnh phúc thì không đủ đâu. Phải mất mát, đớn đau mới hiểu giá trị của tình yêu.
Như trong bài ''Đời đá vàng tôi'' viết cho vợ: "Có một đời mất mát, mới thương người đơn độc/ Có oằn mình đớn đau, mới hiểu được tình yêu/ Qua dầm dề mưa tuyết mới thương ngày nắng dài/ Có một đời khóc than mới hiểu đời đã vàng".
Bây giờ người mà tôi đặt hết tình thương, phận sự là người phụ nữ bên cạnh tôi. Khi tôi quyết định về Việt Nam, tôi xúc động lắm vì phải xa bà ấy một số ngày, trong lòng tôi luôn cảm thấy nhớ thương, một tình cảm rất đặc biệt. Tôi nghĩ, con người ở trong bất cứ tuổi nào cũng có tình thương yêu. Nhưng người phụ nữ khi đã có tình yêu thì phải biết nâng niu, giữ gìn. Cội rễ của niềm hạnh phúc gia đình là phụ nữ, gia đình hạnh phúc hay không phần lớn là do người vợ.
-Một người sáng tác nhiều, các ca khúc của ông có độ phủ sóng rộng, được nhiều ca sĩ trong và ngoài nước hát. Vậy thù lao âm nhạc của ông thế nào?
+ Tôi không bao giờ nghĩ đến thù lao. Ai cũng có thể sử dụng bài hát của tôi, tôi không đặt vấn đề thù lao. Ở Việt Nam ai hỏi thì vui, còn không hỏi thì thôi. Tôi chỉ có một mong muốn những đứa con tinh thần của mình được bay đến với khán thính giả mà thôi.
-Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông!