Cả tuổi trẻ ngang tàng, dạt thân khắp nơi, Điền Thái Minh (biệt danh Đức Mông Cổ) khiến giới giang hồ Sài Gòn khiếp đảm.
Minh sẵn sàng dùng đao búa với bất cứ ai cản đường hoạt động của băng nhóm. Cái giá sau quãng đời tung hoành là Minh bị mẹ từ mặt, người đời cô lập, xa lánh...
Thăng trầm một thời ngang dọc
Điền Thái Minh là con cả trong một gia đình lao động nghèo có 5 anh chị em. Cha Minh là thương lái theo tàu ngược xuôi sông nước. Ông lao lực quá rồi ra đi khi còn rất trẻ, để lại người vợ oằn lưng gồng gánh nuôi đàn con.
Năm ấy, Minh 13 tuổi, đủ lớn để chứng kiến cảnh tan đàn xẻ ghé của gia đình. Một buổi đi học, một buổi Minh phụ mẹ buôn thúng bán bưng.
Ở xóm có ông khóm trưởng Ba Xê luôn kênh kiệu, hách dịch. Một buổi tối đi về qua ngõ, Minh nghe ông ta chửi rủa, lăng mạ mẹ mình và mấy người bạn đang ngồi nói chuyện ngoài ngõ, Minh cay cú nung nấu ý định sẽ "trừng trị" cho ông này một trận.
Vài ngày sau, Điền Thái Minh bỏ học, bỏ luôn giấc mơ sau này làm kỹ sư, quyết chí ra đi tìm "sức mạnh" để quay về trả thù ông Ba Xê.
Sau 3 tháng, Minh trở về với bộ dạng "hầm hố" của một đại ca vừa trải đời. Vừa nhìn thấy ông khóm trưởng, Minh không nói gì mà lao vào đấm đá túi bụi. Ông này chỉ biết ôm đầu bỏ chạy rồi đi thưa nhà chức trách. Minh bị tống giam và chịu phạt.
Năm 1980, Điền Thái Minh quay trở lại TP Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ, khu vực bến Nguyễn Duy, Hiệp Ân (quận 8) xuất hiện đầy rẫy các loại tệ nạn xã hội. Các sòng bài, động mại dâm, hút chích, cho vay nặng lãi… kéo theo các tay giang hồ cộm cán cùng đội quân bảo kê hùng hậu.
Trong bộ dạng giang hồ thứ thiệt cộng với máu liều, Điền Thái Minh nhanh chóng chớp cơ hội ''phất" lên. Minh quy tụ một vài đàn em tay đao tay kiếm "chọc" sâu vào sào huyệt của phường ăn chơi để lấy "số má" những ai không "quy hàng".
Riêng đại ca Điền Thái Minh trong người khi nào cũng thủ sẵn dao lê sắc lẹm, khẩu súng dắt cạp quần, mắt trợn trắng kèm theo khuôn mặt đen rỗ đúng chất "đầu trâu mặt ngựa". "Hàng nóng hàng nguội" đủ cả nên quân của Minh đi đến đâu, cánh mày râu đổ rạp, buông vũ khí đầu hàng.
Rồi Điền Thái Minh thành ông trùm bảo kê, đòi nợ thuê số 1 khu vực. Tất cả các trò chơi Minh đều kinh qua, riêng ma túy lại không. Điền Thái Minh giải thích: "Tôi biết tác hại của ma túy, dính nó là không điều khiển được bản thân. Sẽ bị đối thủ hạ gục ngay".
Trong các cuộc thanh trừ băng giang hồ, Điền Thái Minh luôn được đàn em tin cậy vào tài "thao lược", anh em sẵn sàng "huyết chiến" theo lệnh đại ca. Con đường "đao kiếm" của Minh nhanh chóng nhận nhiều đơn đặt hàng. Minh không bỏ qua bất cứ một việc gì, từ đâm thuê chém mướn, bảo kê các quán nhậu, dẫn gái cho các nhà nghỉ…
Cai quản toàn bộ khu vực từ quận 8 tới Nhà Bè, tiền bạc trong người Minh lúc nào cũng rủng rỉnh, vung tay tiêu xài mệt nghỉ. Minh trở thành "ông trời con", chỉ cần vỗ ngực xưng tên là dân tình khiếp sợ.
Trái ngược với con đường thăng tiến trong thế giới ngầm, mẹ của Điền Thái Minh sống trong cảnh nghèo túng, bần hàn. Bà mặc cảm vì không dạy nổi con, suốt ngày thu mình trong căn nhà tuềnh toàng. Nhiều lần Minh mang tiền về cho mẹ, nhưng bà dứt khoát từ chối và từ mặt thằng con trai bất kham này.
Giận con mà không thể làm gì được, bà đã trút hơi thở cuối cùng ngay trong căn nhà lá, với manh áo rách vẫn mặc trên người.
Nghe tin mẹ mất, Điền Thái Minh lặng đi, giọt nước mắt trào ra trên đôi gò má gân guốc, khô cằn cảm xúc của một đại ca khét tiếng. Đó là lần đầu tiên Minh cảm nhận rõ rằng nỗi đau khổ và ân hận tột cùng.
Phần người trong dòng máu nóng, đầy toan tính hận thù của Minh trỗi dậy, Minh trầm tính lại, nhẹ nhàng, mềm dẻo hơn trong cuộc sống chợ trời. Ý nghĩ tu nhân tích đức chỉ lóe lên sau thời khắc mẹ mất.
Để thị uy và dằn mặt đối thủ, một đàn em nổi tiếng trong giới xăm trổ đã xăm cho đại ca một con rồng to chiếm gần hết phần lưng xương xẩu, gồ ghề của Minh. Rồng có tên oai phong là "Mãnh long quá giang", đại ý là chúa tể rồng thiêng đã từng đi ngang qua đời Điền Thái Minh. Để tương xứng với "mãnh long", Điền Thái Minh đặt cho mình biệt danh nghe rất kêu là "Đức Mông Cổ".
Địa bàn "Đức Mông Cổ" hoạt động mở rộng ra vùng Châu Văn Liêm, Đồng Khánh (quận 6) và chiếm thế trận tuyệt đối trong mọi hoạt động. Nhưng dù có lừng danh cỡ nào thì cũng không thể ngồi trên pháp luật, Công an ráo riết vây ráp, truy đuổi khiến "Đức Mông Cổ" phải chạy trốn khắp nơi.
Chạy mãi cũng chùn chân, mỏi gối, Minh bắt đầu cảm thấy chán nản. Minh quyết định "rửa tay gác kiếm", mang theo vợ con về Bà Rịa - Vũng Tàu lánh nạn và bắt đầu cuộc sống hoàn lương.
Để đánh dấu mốc quan trọng của cuộc đời, "Đức Mông Cổ" xăm hai đóa hoa hồng với hàm ý, cuộc đời phía trước sẽ đẹp như một bông hồng.
Trở thành diễn viên
Sau bao năm ngang tàng trong chốn giang hồ, tiền kiếm được nhiều, ăn chơi đủ mọi "thể loại", nhưng khi quay về làm người lương thiện, "Đức Mông Cổ" trắng tay. Cái gì nhanh đến rồi sẽ nhanh đi, đó là quy luật. Hiểu được điều đó, "Đức Mông Cổ" lao vào cuộc mưu sinh bằng mồ hôi và sức lao động.
Giữa lúc quá khứ được khép chặt, đời thường chân chất của một trùm đại ca dần đi vào ổn định thì người vợ bao nhiêu năm "má ấp vai kề" bỏ theo tình nhân trẻ. Người đó lại là đàn em một thời phục tùng dưới trướng của mình, nên "Đức Mông Cổ" cay đắng không nói nên lời.
Người ta nghĩ rằng, sẽ có một cuộc trả thù "máu me" của ông trùm giang hồ với hai kẻ "mèo mả gà đồng kia", nhưng "Đức Mông Cổ" lại hành xử bằng cách im lặng, rồi lặng lẽ ra tòa làm thủ tục li hôn.
Ông trả lời với mọi người rằng: "Đời tôi đao kiếm đủ rồi, cái việc "xử" thằng kia thì đơn giản lắm, nhưng được gì nào? Nó chết hoặc bị tàn phế thì tôi cũng vào tù. Điều quan trọng là vợ tôi tự nguyện theo nó, mình giữ được con người chứ không giữ được trái tim".
Nói là vậy nhưng trong tim người đàn ông từng trải này đau như có ngàn nhát dao đâm vào ứa máu. Buồn, hụt hẫng và cô đơn, "Đức Mông Cổ" cố kìm lòng để tiếp tục làm ăn sinh sống.
Ông suy nghĩ, cách trả thù "ngọt ngào" nhất là lấy một cô vợ khác, trẻ đẹp, hiền ngoan hơn người cũ. Thế là chỉ vài năm sau, "Đức Mông Cổ" bén duyên với người phụ nữ đẹp cả người lẫn nết.
Hai vợ chồng dẫn nhau về Long Thành (Đồng Nai) mở tiệm bán buôn nho nhỏ. Dân làng ngày đầu thấy một ông chủ hàng nồi niêu xoong chảo mặt mày bặm trợn, đôi mắt như cú vọ, khi cởi trần lộ nguyên con rồng nhe nanh giơ vuốt thì ai cũng nổi da gà, sởn gai ốc dè chừng, cảnh giác.
Sống một thời gian thấy ông này hiền khô, nói năng dịu nhẹ lại hay giúp đỡ mọi người nên khoảng cách được xích lại gần hơn.
Trong một chuyến đi tìm cảnh quay ở Long Thành, đạo diễn Xuân Sơn và nhà quay phim Trần Trung Nhàn giật mình khi nhìn thấy ông chủ tiệm tạp hóa "Đức Mông Cổ" có dáng dấp phù hợp với vai diễn phản diện trong bộ phim.
Lần đầu tiên trong đời có lời mời làm diễn viên, "Đức Mông Cổ" không khỏi ngỡ ngàng. Vốn bản tính liều lĩnh, thích sự thay đổi nên "Đức Mông Cổ" chấp nhận phiêu lưu một chuyến. Đó là vai Đại úy Cảnh sát dã chiến ngụy Lê Bình, một nhân vật phản diện có khuôn mặt "ngầu", tính khí ngang tàng, hống hách.
"Đức Mông Cổ" đã nhập vai một cách tự nhiên, không phải diễn xuất nhiều vì nhân vật quá giống với con người ông, vả lại, kinh nghiệm trải đời, nhất là đời giang hồ đã thấm vào máu, nay chỉ việc thể hiện trước ống kính máy quay.
Vai diễn được đánh giá cao, tiềm năng diễn xuất của diễn viên không chuyên "Đức Mông Cổ" được các nhà làm phim nhìn thấy rõ nét. Thế là, sau cái khoảnh khắc ngỡ như định mệnh ấy, "Đức Mông Cổ" "hóa kiếp" thành diễn viên chuyên nghiệp được nhiều người yêu thích.
Hơn 20 năm bén duyên với điện ảnh, "Đức Mông Cổ" đã tham gia hơn sáu mươi bộ phim lớn nhỏ khác nhau. Một điểm chung duy nhất vai diễn ông đảm nhận đều là phản diện, không giang hồ thì cũng trùm xã hội đen, bảo kê, đâm thuê chém mướn…
Mỗi khi vào vai diễn, ông như sống lại quãng đời làm đại ca chọc trời khuấy nước, ông đưa chính cái sống đời thật vào phim và diễn xuất bằng tất cả trái tim và dòng máu yêu nghệ thuật.
Hỏi ông có cảm giác gì khi luôn phải tái hiện quá khứ đầy tội lỗi của mình trong các bộ phim? Rít một hơi thuốc thật dài, "Đức Mông Cổ" nói: "Tôi không bao giờ che giấu quá khứ của mình. Nó là vết xe đổ mãi hằn trong trí nhớ của tôi. Tôi mang chính cái mình trải nghiệm vào phim".
Khi nghiệp diễn ổn định, tiếng tăm Điền Thái Minh được khẳng định trong làng nghệ thuật thì người vợ của ông gặp bạo bệnh qua đời. Hai cha con ông quay quắt trong nỗi mất mát quá lớn. Suốt 24 năm làm chồng, Điền Thái Minh luôn dành những yêu thương nhất cho vợ, người phụ nữ cao thượng, chấp nhận gắn đời mình với một đại ca giang hồ, cho đến cuối cuộc đời vẫn lặng lẽ nép phía sau, làm chỗ dựa cho chồng.
Ngọc Thiện/CSTC