Đền ơn đáp nghĩa” sao cho phải đạo. Làm sao để người được tặng thoải mái và xã hội đồng thuận. Các đối tượng đang được cộng điểm ưu tiên cần điều kiện và phương tiện để học tập, rèn luyện ngang bằng với bạn bè bình thường để được đối xử và công nhận bình thường. Phải khẩn cấp chấn chỉnh và thay đổi suy nghĩ từ cấp cao nhất của ngành. Bằng không thì “nhân nào quả đó”, nhãn tiền.
Chưa bao giờ, ngành Giáo dục lại được dư luận xã hội quan tâm và soi kỹ như bây giờ. Từ chuyện xin (chứ không phải gởi) cho con vào các lớp đầu cấp. Con đường đến trường của trẻ em Việt Nam cực kỳ gian truân ngay từ khi vào Nhà trẻ, Mẫu giáo cho đến cấp 1, 2, 3 và lên Đại học. Gian nan như sự tích “cá chép hóa rồng”. Chỉ có trên đại học là thảnh thơi, với điều kiện có thời gian đi học và có tiền đóng học phí là có bằng tươm tất. Còn chuyện mua bằng, không cần học thì chưa tính, dù lâu lâu nhận được mail và tin nhắn quảng cáo các dịch vụ này, có số điện thoại cụ thể với đảm bảo “Uy tín, thu tiền sau”.
Năm nay, dư luận càng bức xúc vì những tréo ngoe của ngành Giáo dục.
Tuyển sinh đại học
Có những thí sinh đạt gần hoặc đạt tới điểm tuyệt đối của cuộc thi nhưng vẫn không đậu đại học theo đúng nguyện vọng của mình. Cụ thể như thí sinh Nguyễn Phùng Hưng ở Thạch Thất; đạt 29,25 điểm mà vẫn không đậu Đại học Y Hà Nội, trong khi có những thí sinh thiếu 2 - 3 điểm vẫn đậu. Đặc biệt hơn, có thí sinh đạt điểm tuyệt đối mà vẫn rớt đại học nguyện vọng một vì có trường lấy điểm cao hơn cả điểm tuyệt đối. Một mùa tuyển sinh tràn ngập điểm 10 nhưng chẳng mấy ai vui vì đầy tai tiếng. Năm nào cũng cải cách nhưng hình như chỉ thấy lùi mà không thấy tiến?
Lần đầu tiên ở Việt Nam (và có lẽ cũng là nước duy nhất trên thế giới) điểm tuyển vào khối đại học - cao đẳng của ngành công an và quân đội bỏ xa điểm của các ngành khác. Một đất nước hòa bình mà lớp trẻ đua chen nhiều nhất vào lực lượng vũ trang có phải là điều bình thường? Làm sao phát triển kỹ thuật, công nghệ để kinh tế tăng tốc, đất nước phát triển? Điều ray rứt nhất là sự tụt dốc thê thảm của ngành sư phạm, được xem là máy cái đào tạo nguồn nhân lực. Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình dưới 15 điểm vẫn trúng tuyển, tức mỗi môn chưa đến 5 điểm. Có 2 thí sinh đậu ngành sư phạm Lịch sử nhưng điểm thi THPT quốc gia môn này chỉ được 2,5 và 3,5. Có trường hợp đậu sư phạm Toán, sư phạm tiếng Anh nhưng điểm thi môn chuyên ngành là 3,6.
“Bài ca Sư phạm” buồn hiu hắt
Thực trạng một số trường cao đẳng sư phạm lấy 3 điểm mỗi môn được xem là "thảm họa của giáo dục". Vì đâu nên nỗi? Nhìn vào bảng lương của nghề trồng người là phát hoảng. Lương giáo viên mới vào nghề hiện nay khoảng 1,8 triệu đồng; cộng thêm các phụ cấp thì cỡ 2,1 triệu đồng. Dạy thêm là việc làm lương thiện nhất mà còn bị cấm đoán, bị lên án thì giáo viên làm gì để sống qua ngày với đồng lương chỉ bằng1/3 lương của nghề bảo vệ, của ôsin. Lương bổng như vậy, đầu vào như vậy; lấy đâu ra thầy giỏi để có trò giỏi? Một vòng luẩn quẩn giữa mong muốn và thực tế. Đề rồi cứ vỗ ngực than thở “Lực bất tòng tâm”. Có lực đâu mà tòng.
Trong khi lương giáo viên còm cõi, nhiều học sinh con nhà giàu vẫn được nhà nước bao cấp trong các trường công lập. Một sự lãng phí và bao cấp không cần thiết. Gọi là công lập nhưng vẫn phải đóng học phí. Ở Việt Nam chẳng có trường nào miễn phí hoàn toàn cả. Nhiều học sinh các trường công lập vẫn đi học thêm bên ngoài với mức học phí mà lương của thầy cô chỉ đủ trả chừng 8 - 10 tiết học. Hiện ở Việt Nam, số trường phổ thông có mức học phí trên 500 triệu mỗi năm, phải đến hàng chục. So sánh như vậy để thấy bi kịch của ngành giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Ngọc Nhạ vừa hùng hồn tuyên bố “Ở đâu còn bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan, khen thưởng không phù hợp, ảnh hưởng tới tinh thần nhân văn trong đánh giá học sinh tiểu học, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo ở đó phải chịu trách nhiệm”. Thưa Bộ trưởng, bệnh hình thức, chạy theo thành tích ảo là vấn nạn trầm kha của cả ngành giáo dục, đâu riêng gì Tiểu học? Là tư lệnh ngành, sao Bộ trưởng lại đẩy trách nhiệm cho các Giám đốc Sở? Bộ trưởng phải tiên phong nhận trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân rằng “Nếu không chữa trị dứt bệnh hình thức trong giáo dục thì tôi từ chức” mới là phải đạo.
Chính sách cộng điểm vô lý
Lương bổng bất cập, cải cách tùy hứng và rối ren, chính sách cộng điểm vô lý…là những nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Lương bổng chưa thể đáp ứng ngay. Các chính sách cũng cần có thời gian nhưng việc cộng điểm ưu tiên có thể giải quyết tức khắc. Đất nước đã thống nhất gần nửa thế kỷ mà chính sách cộng điểm ưu tiên chênh lệch từ 0,5 - 6,5 điểm. Những năm đầu sau chiến tranh, còn có thể biện minh cho chính sách này. Ưu tiên cho người có công với đất nước, cho các vùng khó khăn là chính sách nhân văn đúng đắn, rất nhiều nước thực hiện.
Với người Việt, đó còn là truyền thống, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Không có ai thắc mắc hay phản đối. Vấn đề là ở chỗ “của cho không bằng cách cho”. Những người có công với đất nước đã không tiếc cả mạng sống mình. Họ đã chết cho chúng ta được sống. Hà cớ gì tiếc một ít của cải vật chất. Từ nhà cửa, ruộng đất, xe cộ, lương bổng cho đến các chính sách ưu tiên về vật chất. Các nước đều làm vậy. Sao cứ phải cộng điểm?
Việt Nam đã mở cửa từ 1986, hòa nhập với thế giới nhưng vẫn cố giữ chính sách này. Hậu quả là không ít con em cán bộ và thị dân, chuyển hộ khẩu lên vùng cao, sửa lý lịch để được cộng thêm điểm. Xét chọn đầu cấp và thi đại học, chỉ cần chênh nhau 0,5 điểm là có thể đậu - rớt. Đằng này chênh tới 6,5 điểm. Mấy chục năm nay, ở bậc phổ thông, gần như trường nào cũng có “cửa sau”, dành riêng cho các mối quan hệ và cả tiền bạc, bất chấp chuẩn đầu vào. Bất công ngay từ khi nhập học, nơi đáng lẽ phải là mô hình về sự công bằng, minh bạch và đạo đức.
Con em gia đình có công, cán bộ, chiến sĩ, học sinh ở vùng sâu vùng xa…nếu học kém thì tìm cách bồi dưỡng miễn phí, thậm chí nuôi ăn ở, để học cho tới khi nào đạt mới thôi. Thậm chí có trường riêng, mời thầy cô giỏi nhất, tập trung dạy theo chuẩn quốc gia, nếu cần kéo dài thời gian học tập. Nếu học mãi mà vẫn không đạt thì đành chịu, không thể ép buộc, làm trái qui luật cuộc sống. Chuẩn học vấn và kiến thức phải thống nhất theo từng cấp học trên toàn quốc. Có chính sách đãi ngộ vật chất tương xứng để phân công về vùng sâu vùng xa, hải đảo. Kiến thức là phải học tập, cả trong trường lẫn ngoài đời, chứ không thể ban phát như bánh kẹo hay quần áo.
Việc chuẩn đầu vào bị ban phát dẫn đến sức học bị ảnh hưởng. Sản phẩm vật chất làm ra bị lỗi, không được xuất. Lỡ xuất phải bị thu hồi. Sản phẩm là Con Người càng phải cẩn trọng. Hậu quả là xã hội gánh đủ. Đạo đức xã hội và năng lực quản lý nhà nước là tấm gương trung thực phản ánh chất lượng của ngành Giáo dục. Bao nhiêu vụ việc nhãn tiền, chẳng lẽ chưa đủ cảnh tỉnh những nhà làm chính sách? Tôi có gặp nhiều sinh viên diện gia đình chính sách. Nhiều em học rất giỏi nhưng bức xúc vì cứ bị ngộ nhận là học kém, vì, lẽ thường chỉ có học kém mới cần điểm ưu tiên.
“Đền ơn đáp nghĩa” sao cho phải đạo. Làm sao để người được tặng thoải mái và xã hội đồng thuận. Các đối tượng đang được cộng điểm ưu tiên cần điều kiện và phương tiện để học tập, rèn luyện ngang bằng với bạn bè bình thường để được đối xử và công nhận bình thường.
Phải khẩn cấp chấn chỉnh và thay đổi suy nghĩ từ cấp cao nhất của ngành. Bằng không thì NHÂN NÀO QUẢ ĐÓ, nhãn tiền.
Trần Trung Dân