Mới bắt đầu thu phí chưa được 10 ngày nhưng Trạm thu phí Cai Lậy đã gây bức xúc cho rất nhiều tài xế, chủ xe. Người miền Tây vốn dĩ hiền lành chân chất nhưng dự án BOT này đã khiến họ sắp nổi điên…
Như Một Thế Giới đã thông tin, chiều 6.8, sau 6 ngày Trạm thu phí Cai Lậy bắt đầu thu phí, cánh tài xế và chủ xe đã liên tục “làm khó" nhân viên trạm này bằng cách dùng tiền lẻ bỏ trong chai nhựa để mua vé. Thậm chí, họ còn dán băng rôn đòi dời trạm về nơi vốn dĩ phải là của nó: đường tránh TX.Cai Lậy.
Cai Lậy là thị xã nhỏ, không phải điểm nóng kẹt xe nhưng vẫn được “đẻ” ra dự án tuyến tránh dài 12,02 km. Tất nhiên, đã là tuyến tránh thì xe có quyền lựa chọn: chạy tránh không băng qua thị xã hoặc đi đường cũ là quốc lộ 1A lâu nay. Có lẽ vì thế mà chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy đã “vẽ” thêm phần phụ trong dự án là nâng cấp 26,5 km quốc lộ 1A và một số cầu, để có cớ chặn ngang quốc lộ 1A mà thu phí.
Thế họ nâng cấp được gì cho quốc lộ 1A? Chỉ là rải thêm lớp thảm nhựa, sơn phết, dặm vá một số chiếc cầu, không cần phải đền bù giải tỏa mở rộng gì thêm. Cứ thế là có cớ thu. Và đầu tư dự án này 1.398 tỉ đồng để được thu phí trong 6 năm 5 tháng, họ lãi thế nào?
Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2016 trên tuyến quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang trung bình mỗi ngày đêm có tới 129.000 lượt xe lưu thông, trong đó có hơn 51.000 ô tô các loại. Và chỉ tính mức thu thấp nhất đối với xe dưới 7 chỗ là 35.000 đồng/lượt nhân với 51.000 lượt xe ô tô, bình quân mỗi ngày đêm trạm này đút túi ít nhất 1,785 tỉ đồng.
Cứ thế, nhân lên với 6 năm và 5 tháng, nhà đầu tư sẽ thu về ít nhất gần 4.176 tỉ đồng. Chỉ sau hơn 6 năm đầu tư vốn, con số thu về hấp dẫn như vậy thì ai mà không ham? Chưa kể xe từ 12 - 30 ghế phải nộp đến 50.000 đồng, xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet bị thu đến 200.000 đồng/vé!
Trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy nhưng chắn ngang quốc lộ 1A
Lợi nhuận từ đâu? Có phải từ việc “đè” dân bắt nộp phí mà ra không?! Chính vì thế mà cánh tài xế và chủ xe bức xúc. Theo họ, thay vì 26,5 km quốc lộ 1A ấy phải được ngân sách lấy từ số tiền mà họ bỏ ra hàng năm đóng phí đường bộ để tu sửa thì lại “nhường” cho nhà đầu tư BOT để có cớ mà thu phí.
Người dân chưa hoặc không cần đường tránh Cai Lậy. Và khi đã có đường tránh, họ đi theo đường cũ là quốc lộ 1A nhưng vẫn bị è cổ ra thu phí bằng “siêu dự án” đường tránh được vẽ ra. Thế nên họ mới bức xúc!
Quốc lộ 1A hình thành từ rất lâu bằng tiền thuế của dân. Vậy sao Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư BOT khoác thêm chiếc “áo mới” sơ sài từ “khung sườn” cũ của dân, rồi bắt dân nộp tiền? Nếu không đi vào đường tránh, tính ra trả ít nhất hơn 1.300 đồng/km đường.
Đường tránh TP.Tân An (Long An) hay TP.Vĩnh Long, ô tô thậm chí băng qua vùn vụt vẫn không phải đóng tiền. Còn chỉ với đường tránh 1 thị xã nho nhỏ thì phải mất tiền. Nếu trạm thu phí này hoạt động suôn sẻ, tương lai ai dám chắc không có “cố vấn” vẽ ra đường tránh… chợ huyện, thậm chí chợ xã, để thu phí theo kiểu như vậy?
Nhiều tài xế phản đối bằng cách đổi tiền lẻ bỏ vào chai khi qua Trạm thu phí Cai Lậy
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường, theo quy định, phải đạt tối thiểu 70 km. Trên thực tế, khi đi từ TP.HCM về miền Tây, sau khi nộp phí 40.000 đồng (xe 4 chỗ) khi kết thúc tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, thì chỉ cần chạy thêm khoảng 30 km nữa là tài xế phải đóng tiếp 35.000 đồng cho trạm Cai Lậy.
Xin trích ý kiến 1 chủ xe: “Người dân không tiếc tiền để đóng góp hoàn thiện hệ thống giao thông, thực hiện chủ trương xã hội hóa giao thông. Nhưng đừng bắt người dân phải è cổ ra đóng góp cho một số người, cho lợi ích nhóm. Và quan trọng nhất là người dân chúng tôi cần một sự minh bạch, rõ ràng.
Vậy thì tốt nhất hãy rõ ràng, công khai, minh bạch về số tiền 300 tỉ đồng và đoạn 26,5km quốc lộ 1A với 14 cây cầu. Nếu đúng thì người dân sẽ vui vẻ cho thu phí tới khi đủ 300 tỉ đồng thì dời trạm lại về đúng vị trí của nó là nằm trên tuyến đường tránh. Còn về đó thu lại 1.000 tỉ đồng và đến bao giờ thu hết là chuyện của công ty ông (Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang). Vì công ty mới lập mà dám đầu tư dự án BOT giao thông thì chấp nhận thương trường là chiến trường nhé”.
Có thể nói, thực chất lãnh đạo tỉnh Tiền Giang có muốn xe cộ khi qua tỉnh mình phải đóng “thuế đường” không? Chắc là không bởi nó ảnh hưởng đến mời gọi đầu tư, làm tăng giá sản phẩm hàng hóa. Vậy thì ai muốn dân phải khổ?
Hồ Hùng