Nhận thức về giáo dục trong quan niệm của dư luận xã hội ngày nay đang có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó xuất phát tự thân từ môi trường giáo dục với những thành tố cấu thành nên nó và cũng bởi sự tác động không nhỏ của các yếu tố ngoài giáo dục.
Tư nhân hóa và quốc tế hóa đang khiến cho giáo dục nước nhà thay đổi từng ngày từng giờ. Những “va chạm” về mặt tôn chỉ, mục đích cũng như nguyên tắc thực hành giáo dục giữa các nhà đầu tư kinh doanh và các nhà sư phạm truyền thống vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của quá trình tư nhân hóa giáo dục đang diễn ra với muôn hình vạn trạng các tình huống.
Nếu nhà kinh doanh xem giáo dục như một lĩnh vực kinh doanh thuần túy như các loại hình kinh doanh khác (bằng cách áp dụng rập khuôn các mô hình quản trị, điều hành) thì các nhà giáo dục đề xuất kinh doanh giáo dục phải là một loại hình kinh doanh đặc thù. Độ vênh giữa các quan điểm dần hiển lộ khi chúng ta quan sát mô hình hoạt động của các đơn vị giáo dục tư nhân.
Sự tham gia của các nhà đầu tư giáo dục nước ngoài ngày một gia tăng tại Việt Nam cũng cho thấy bức tranh quốc tế hóa giáo dục đang có những biến chuyển không ngừng. Tâm lý hướng ngoại của người Việt cũng như quá trình tất yếu của bối cảnh toàn cầu hóa là những điểm tựa quan trọng khiến xu hướng quốc tế hóa giáo dục càng thêm “trăm hoa đua nở”. Tuy vậy, những vướng mắc về khác biệt văn hóa cùng nhiều trở ngại không tên khác đang là thách thức cho các mô hình giáo dục quốc tế tại Việt Nam, đòi hỏi những giải pháp linh hoạt hơn, mang tính địa phương hơn (bên cạnh sự dung hòa với toàn cầu).
Cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, truyền thông hiện đại ảnh hưởng không hề nhỏ đến những chuyển biến trong nhận thức về giáo dục của đại đa số dân chúng. Thật đáng buồn là truyền thông (phần lớn là truyền thông mạng) đang có những biểu hiện của sự sa đà vào thói quen gây sốc bởi những tin tức mang tính giật gân nhằm thu hút “tính đám đông” của dư luận. Ngược lại, những khía cạnh tốt đẹp của giáo dục ít được sự quan tâm của xã hội.
Thật dễ dàng để nhận thấy những góc khuất, những hạn chế, những tồn tại trong các câu chuyện tiêu cực của giáo dục đã và đang là mồi lửa khiến cho tính thành kiến về giáo dục được dịp bùng cháy. Tuy vậy, dư luận xã luận thiên về phản ứng cực đoan với thực trạng hơn là hướng đến thái độ góp ý mang tính xây dựng. Rất ít các biện pháp khắc phục hay những đề xuất mang tính khả dĩ được đề xuất. Chủ yếu là các bình luận một chiều, thậm chí có đôi phần khiếm nhã.
Ở một góc độ khác, tư duy người học hiện nay cũng có nhiều thay đổi khi nhận thức về giáo dục. Người học hiện nay phần nhiều chờ đợi ở giáo dục tính kết quả thực dụng hơn là những giá trị tri thức được truyền dạy từ người thầy. Người học đến với giáo dục như là phương cách để kiếm tìm cách thức sinh ra lợi nhuận nuôi sống bản thân bởi những thước đo về vật chất thay vì mong muốn nhận được những trải nghiệm sống thật sự về mặt trí tuệ. Sự đổi thay trong suy nghĩ về giáo dục của người học đặt ra bài toán hóc búa cho những người trong cuộc, đòi hỏi sự chung tay cùng nhau tìm giải pháp.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến tâm trạng phần nào hụt hẫng khi xã hội dành nhiều sự kỳ vọng từ các “dự án cải cách” giáo dục được nhà quản lý các cấp phát đi hàng năm bởi các thông điệp có cánh nhưng kết quả thì mơ hồ và mông lung như một… trò đùa! Một vòng luẩn quẩn là cách gọi để người ta dễ hình dung nhất khi nhận định về những dự án cải cách của ngành giáo dục. Thật trớ trêu là chính giáo dục cũng đang khiến cho nhận thức về giáo dục trong suy nghĩ của người dân trở nên tiêu cực hơn.
Trần Xuân Tiến (Trường Đại học Văn Hiến)