Trả lời phỏng vấn của tờ The Japan Times, bốn chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nhật đều đánh giá chiến lược “kết thân” mạnh mẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đem lại kết quả tốt.

Nhật Bản ‘an toàn’ sau một năm ông Trump làm Tổng thống Mỹ

Cẩm Bình | 21/01/2018, 11:58

Trả lời phỏng vấn của tờ The Japan Times, bốn chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nhật đều đánh giá chiến lược “kết thân” mạnh mẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đem lại kết quả tốt.

Trước khi ông Donald Trump chính thức làm Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1.2017, các quan chức Nhật Bản đã rất lo lắng. Họ quan ngại đây có thể là vị lãnh đạo sẽ phá đi thế cân bằng quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như gây tổn thất lớn cho những lợi ích của chính nước Mỹ.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông D.Trump đã đe dọa nếu lên nắm quyền sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Nhật Bản trừ khi quốc gia Đông Á chấp nhận trả toàn bộ các chi phí đóng quân. Ông cũng ám chỉ sẽ để cho Nhật và Hàn Quốc tự trang bị vũ khí hạt nhân, một động thái có thể gây căng thẳng và thúc đẩy chạy đua vũ trang trong khu vực.

Về kinh tế, ông kêu gọi tiến hành một cuộc chiến thương mại với Tokyo để giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này.

Nhưng qua một năm trong nhiệm kì Tổng thống Mỹ, chưa có bất cứ cam kết nào ở trên được ông D.Trump hiện thực hóa.

Canh bạc của Thủ tướng Nhật

Trên thực tế, ông Shinzo Abe đã xây dựng được một mối quan hệ được đánh giá là tốt đẹp và gần gũi nhất giữa lãnh đạo Mỹ-Nhật từ trước đến nay. Giáo sư Kazuhiro Maeshima thuộc đại học Sophia cho biết: “Thủ tướng S.Abe đã rất mạo hiểm khi tiếp cận ông D.Trump và “thuần hóa con quái vật” này”.

The Japan Times cho biết canh bạc “kết thân” với Tổng thống Mỹ đương nhiệm được Thủ tướng Nhật bắt đầu ngay trước khi bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.2016, bằng việc chỉ đạo nhân viên của mình mở các kênh liên lạc với đội ngũ vận động tranh cử của ông D.Trump, mặc dù Bộ Ngoại giao Nhật lúc đó dự đoán người chiến thắng là bà Hillary Clinton. Kết quả là Thủ tướng Nhật trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông D.Trump sau khi cuộc bầu cử có kết quả. Cách tiếp cận này đã lấy được lòng cũng như giành được sự tin tưởng sâu sắc từ ông D.Trump.

Chính sách “kết thân” của Thủ tướng Shinzo Abe có hiệu quả tốt - Ảnh: CNN

Khi cuộc khủng hoảng trên báo đảo Triều Tiên không ngừng phát triển trong năm 2017, Tổng thống D.Trump đã thường xuyên liên lạc và xin lời khuyên từ Thủ tướng S.Abe. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Sau khi (ông D.Trump) lên nắm quyền, hai lãnh đạo đã có 5 cuộc gặp trực tiếp và 17 cuộc điện đàm”.

Theo ông Y.Suga, nhờ vào mối quan hệ tin tưởng giữa hai lãnh đạo, quan hệ song phương Mỹ-Nhật “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Fumiaki Kubo, chuyên gia nghiên cứu chính sách của Mỹ tại đại học Tokyo, cho biết: “Nhiều người Nhật, bao gồm cả tôi và nhiều quan chức chính phủ, đã rất lo lắng khi ông D.Trump thắng cử”.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước vào tháng 2.2017, ông D.Trump đã đảo ngược giọng điệu khi tranh cử và tái khẳng định tầm quan trọng mối quan hệ đồng minh an ninh giữa hai nước. Chuyên gia Kubo đánh giá đây là một chiến thắng lớn cho Tokyo.

Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ luôn đóng vai trò dẫn dắt trong quan hệ song phương, còn Nhật thì luôn bị chỉ trích là chỉ đáp ứng những yêu cầu của Mỹ. Nhưng trong chuyến công du châu Á vào tháng 11.2017, Tổng thống Mỹ đã nhiều lần dùng đến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, một khái niệm do Thủ tướng S.Abe đưa ra một năm trước đó.

Giáo sư Yasushi Watanabe, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ của đại học Keio, cho biết đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ dùng đến khái niệm chiến lược có nguồn gốc từ Nhật. Khái niệm này ý nói đến một chính sách tìm kiếm sự thịnh vượng dựa trên dân chủ, trật tự được duy trì bằng luật lệ và cơ chế thị trường trong khu vực. Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu chính của chính sách này là kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Theo giáo sư, cách tiếp cận ngoại giao của ông S.Abe nhằm tăng cường cam kết của Mỹ với các đồng minh đã giúp đảm bảo sự tham gia của Tổng thống D.Trump vào một số vấn đề quốc tế.

Phải theo dõi kĩ tình hình để kịp điều chỉnh vào thời gian tới

Sự ủng hộ mà Thủ tướng Nhật dành cho ông D.Trump cũng có điểm không tốt. Giáo sư Watanabe chỉ ra rằng Tokyo ít khi chỉ trích lãnh đạo Mỹ, thậm chí ngay cả khi ông này có những phát biểu mang tính phân biệt đối xử gây tranh cãi.

Lý giải cho chuyện này, giáo sư cho biết do phải đối mặt với nhiều mối đe dọa địa chính trị, bao gồm đe dọa an ninh từ Bình Nhưỡng và sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh, rất khó cho ông S.Abe công khai chỉ trích Tổng thống D.Trump khi Nhật phải nhờ đến sức mạnh của Mỹ khi giải quyết vấn đề an ninh.

Lãnh đạo Mỹ-Nhật cùng chơi golf tại Florida vào tháng 2.2017 - Ảnh: The Japan Times

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo những nguy cơ phá hỏng thành quả cách tiếp cận “kết thân” với ông D.Trump. Theo giáo sư Maeshima, nền tảng cho những chính sách của Tổng thống Mỹ là “Nước Mỹ trên hết”, chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Do đó, ông này vẫn có thể nhắc lại chuyện giải quyết tình trạng mất cân bằng trong quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật trong tương lai, nhất là khi cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng.

Giáo sư Watanabe cũng có ý kiến tương tự. Ông còn nhận định khoảng thời gian ngắn trước hoặc sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kì của Mỹ, Washington sẽ bắt đầu gây sức ép với Nhật về các vấn đề kinh tế.

Chuyên gia Kubo còn chỉ ra một nguy cơ khác, là đảng Cộng hòa của Tổng thống D.Trump có nguy cơ mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kì sắp tới (những cuộc khảo sát cho thấy điều này). Nếu đảng Cộng hòa mất thế đa số, những nghị sĩ chống Tổng thống sẽ có những hành động cứng rắn chống lại ông, và chính quyền D.Trump sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thậm chí, giáo sư Watanabe tin rằng nếu chuyện này xảy ra, ông D.Trump sẽ trở thành “vịt què”, không có nhiều ảnh hưởng đến chính sách và khó có được nhiệm kì Tổng thống thứ hai.

Vì vậy, theo giáo sư Watanabe, chính quyền S.Abe không cần phải gấp rút đáp ứng mọi yêu cầu ngoại giao của chính quyền D.Trump. Thay vào đó, Thủ tướng Nhật nên theo dõi sát tiến triển của tình hình chính trường Mỹ và duy trì khoảng cách nhất định với Tổng thống Mỹ nếu cần thiết.

Cẩm Bình (theo The Japan Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Năm nay sẽ có 5 - 7 cơn bão đổ vào đất liền
8 giờ trước Theo dòng thời sự
Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản ‘an toàn’ sau một năm ông Trump làm Tổng thống Mỹ