Các nhà hàng phục vụ món ăn sushi nổi tiếng của Nhật bắt đầu kiện những người có hành vi mất vệ sinh với thức ăn và ghi hình lại để thu hút lượt xem trên mạng xã hội.

Nhật Bản: Các nhà hàng đối phó với nạn ‘khủng bố sushi’

Bảo Vĩnh | 25/02/2023, 12:05

Các nhà hàng phục vụ món ăn sushi nổi tiếng của Nhật bắt đầu kiện những người có hành vi mất vệ sinh với thức ăn và ghi hình lại để thu hút lượt xem trên mạng xã hội.

japan-sushi-ap.jpg
Thực khách tại một nhà hàng sushi ở Nhật - Ảnh: AP

Theo truyền thông Nhật Bản, những người có hành vi như liếm các ngón tay của họ rồi chạm vào thức ăn của khách hàng khác là “kẻ khủng bố sushi”. Nhà điều hành chuỗi nhà hàng Akindo Sushiro đã hợp tác với cảnh sát tỉnh Gifu để kiện ra tòa một thiếu niên. “Kẻ khủng bố sushi” này được giấu tên vì lý do pháp lý.

Vụ “khủng bố” này xảy ra hồi cuối tháng 1.2023. Đoạn video được tải lên mạng xã hội cho thấy một thiếu niên liếm ngón tay của mình rồi chạm nó lên đĩa sushi của một thực khách khác, khi phần ăn của người đó chạy trên băng chuyền ngang qua bàn của cậu ta. Video dài 48 giây còn cho thấy thiếu niên này có hành vi tương tự với chai tương ớt và tách trà xanh của một người khách khác.

Sau khi đoạn video được cư dân mạng chia sẻ ồ ạt, Akindo Sushiro ra tuyên bố rằng họ đã thực hiện nhiều biện pháp để làm sạch các chai tương ớt và tách trà trong chuỗi nhà hàng. Chuỗi nhà hàng này cũng áp dụng những quy định vệ sinh mới, bao gồm yêu cầu khách hàng lấy đũa và đồ gia vị từ một điểm phục vụ trước khi ngồi vào bàn.

Công ty Akindo Sushiro còn đề nghị khách hàng đặt món trên một màn hình chạm thay vì lấy món ăn trên băng chuyền. Các nhà hàng của họ cũng lắp đặt các tấm kính acrylic để ngăn cách các ghế ngồi, nhằm đề phòng sự tiếp xúc không cần thiết giữa khách hàng với món sushi.

Nếu khách hàng cảm thấy không thoải mái với việc dùng tách trà và đồ gia vị đặt sẵn trên bàn, nhà hàng sẽ thay thế chúng bằng những tách trà, đồ gia vị khác khi được khách yêu cầu.

sushi-terrrorism-mainichi.jpg
Người tiêu dùng Nhật Bản chọn món sushi tại một cửa hàng tiện lợi - Ảnh: Mainichi

Sau khi sự việc xảy ra, thiếu niên trong đoạn video cùng người giám hộ đã quay lại nhà hàng để xin lỗi. Tuy nhiên, công ty Akindo Sushiro không chấp nhận và quyết tâm kiện cậu ta ra tòa để đòi bồi thường. Trong thông cáo báo chí, công ty cũng tiết lộ doanh số bán của họ bị sụt giảm 4,8% chỉ trong vòng 10 ngày.

Ông Takaya Takita, cha của thiếu niên trên, không muốn con trai mình bị mất toàn bộ tương lai vì hành động thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, với tư cách là chủ nhà hàng sushi Tetsu Ryubo ở Yokohama (phía nam Tokyo), ông nhấn mạnh phải làm gì đó để ngăn chặn giới trẻ có những hành vi tương tự để lôi cuốn sự chú ý trên mạng xã hội.

Takita nói với báo Đức Deustche Welle (DW): “Chủ nhà hàng đó đã nêu quan điểm của họ. Những vụ việc tương tự đã xảy ra trong quá khứ nên họ cùng các nhà hàng khác đều muốn nó không tái diễn. Đó là lý do tại sao việc trình báo cảnh sát là quan trọng, và trường hợp này phải được lấy làm gương”.

Các nhà hàng khác đang làm theo quyết tâm kiện tụng của Akindo Sushiro, chọn lấy giải pháp không khoan dung đối với bất kỳ ai can thiệp vào hoạt động của họ.

Đối thủ cạnh tranh của Akindo Sushiro là Hama-Sushi (của công ty Zensho) cũng đã phàn nàn với cảnh sát để đòi bồi thường tổn hại, sau khi một video phát trên mạng xã hội hồi tháng 1 cho thấy một khách hàng xịt một lượng mù tạt lớn lên đĩa sushi của một khách khác trước khi trả đĩa này lên băng chuyền. Các clip khác cho thấy một thực khách liếm một cái muỗng dùng để múc bột trà xanh.

Vấn nạn “khủng bố” này cũng xảy ra trong một tiệm mì udon thuộc chuỗi nhà hàng Sukesan Udon. Công ty này cho biết đã khử khuẩn một cửa hàng và đang xem xét khả năng đối phó những hành vi mất vệ sinh để câu lượt xem. Hoặc một clip khác từ một nhà hàng thịt nướng “yaki-niku” quay một khách ngậm tăm trong miệng rồi trả nó vào trong ống đựng tăm trên bàn.

Sau vụ việc “khủng bố sushi” đầu tiên, các khách hàng của các chuỗi cửa hàng trên đã có những phản ứng lập tức. Nhiều người nói rằng họ thích dùng bữa tại nhà hàng, nhưng nay họ không đến những nơi bị đưa tên trên báo chí. Tuy nhiên, một số người lại có phản ứng ngược lại. Takako Tomura thích cùng gia đình ăn sushi tại nhà hàng Tetsu Ryubo và cô ủng hộ nhà hàng này bằng cách thường xuyên đến dùng bữa.

“Với tôi, là một người Nhật, chúng tôi phải tôn trọng những người khác xung quanh mình. Tôi chỉ không thể hiểu tại sao ai đó lại có thể chạm tay vào thức ăn của người khác để được nổi tiếng trên mạng xã hội. Tôi cho rằng nhà hàng làm đúng khi trình báo với cảnh sát”, Takako Tomura nói.

Bài liên quan
Nhật Bản ‘xuất khẩu’ lượng lớn đầu bếp sushi
Nhu cầu đầu bếp sushi được đào tạo tại Nhật tăng theo độ nổi tiếng của ẩm thực nước này trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản: Các nhà hàng đối phó với nạn ‘khủng bố sushi’