Ngành y tế Nhật Bản có những quy định bắt buộc mà các nữ y tá cho là phi lý, ví dụ không được uống nước ở buồng trực, không sử dụng thang máy, không được nhuộm tóc màu sáng...
Ngoài ra còn những điều khoản bắt buộc đối với các “thiên thần áo trắng”, như chỉ được kẻ mắt thật nhạt khi trang điểm, phải mặc quần lót màu trắng hoặc vải trơn, tất chân màu trắng hoặc các màu được chỉ định, không được mặc áo choàng bên ngoài đồng phục trắng... Những quy định ấy khiến các nữ y tá cảm thấy quá phi lý.
Lộ chút vệt màu tất đen cũng bị phê bình
Báo Asahi Shimbun ngày 1.11 kể câu chuyện của một nữ y tá 27 tuổi, làm việc tại một bệnh viện đại học ở thủ đô Tokyo: tổ trưởng hỏi cô tại sao lại mang tất màu đen khi đi làm, dù đôi tất chỉ lộ ra hai vệt màu đen nhỏ xíu dưới gấu quần.
Chỉ có thế nhưng y tá này bị trách là vi phạm quy định “chỉ được mang tất màu trắng”. Cô giải thích với tổ trưởng rằng vì đi làm về quá mệt, cô không thể giặt quần áo nên không còn đôi tất màu trắng nào khi đi làm.
Như nhiều nữ đồng nghiệp khác ở Nhật, cô y tá tỏ ra bất mãn với quy định phi lý: “Tôi không hiểu tại sao chỉ có y tá chúng tôi phải tuân thủ các quy định này, trong khi các bác sĩ có thể mang tất theo màu họ muốn”.
Cô còn cho biết ngay cả trong những ca trực tối vào mùa đông lạnh giá, các nữ y tá không được mặc áo len cardigan bên ngoài đồng phục ngắn tay khi họ đi thăm nom người bệnh. Cô còn kể có thứ “luật bất thành văn” là không được tự làm mát ở buồng trực, kể cả uống nước. Thay vào đó, các y tá phải chờ đến giờ ăn trưa mới giải quyết cơn khát nước trong một phòng sinh hoạt chung. Cô nói: “Chúng tôi là những người luôn khuyên người khác uống nhiều nước. Nhà báo có thấy quy định cấm uống nước ở buồng trực có phi lý không chứ?”.
Gần đây, cô thắc mắc với tổ trưởng tại sao nữ y tá phải mang tất màu trắng. Tổ trưởng chỉ đáp gọn “do truyền thống” mà không nói thêm điều gì.
Không có lý do chính đáng để ban hành quy định
Một nữ y tá khác 26 tuổi cho biết quy định tất màu trắng cũng được áp dụng tại nơi cô làm việc, một bệnh viện đa khoa ở tỉnh Chiba. Quy định ở đây là nữ y tá có ca trực ban ngày phải mặc đồng phục quần áo toàn trắng, còn trực đêm có thể mặc áo không phải màu trắng. Cô cho biết: “Có cảm giác như thế là không đồng nhất, và tôi không hiểu lý do duy nhất của quy định này là để y tá có vẻ ngoài sạch sẽ”.
Như đồng nghiệp ở bệnh viện tại Tokyo, các nữ y tá ở bệnh viện tỉnh Chiba không thể mặc áo khoác ngoài đồng phục ngắn tay trước mặt người bệnh. Nữ y tá nói: “Tôi cho rằng các quy định này không đem lại ích lợi nào cho bất kỳ ai. Tôi nghĩ chúng được ban ra mà không có lý do chính đáng nào”.
Classico Inc, một công ty ở Tokyo chuyên sản xuất, kinh doanh vật phẩm y tế, hồi tháng 4 đã mở một cuộc thăm dò trực tuyến trên toàn nước Nhật về các quy định ở những cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Công ty đã nhận được câu trả lời của 342 nữ y tá và 58 nam y tá trong độ tuổi từ 20 đến 50. Họ được đề nghị kể ra những ví dụ mà họ cho là những quy định không hợp lý và gây thất vọng về vẻ ngoài của họ, cách ăn mặc và cách họ sử dụng thời gian trong lúc làm việc ở các bệnh viện.
Kết quả: 160 y tá đã nêu việc họ bị cấm nhuộm tóc màu sáng, 153 người phàn nàn quy định phải mang tất màu trắng, 79 người chỉ trích quy định y tá không được uống nước ở buồng trực, 42 người nói về quy định phải mặc quần lót màu trắng hoặc vải trơn nhằm phòng chống những sự cố “nhìn xuyên thấu”.
Khi Classico hỏi 400 người bệnh cũ về các quy định đối với nhân viên y tế, 75,7% nói không cần thiết phải cấm nhuộm tóc, 83% nói không cần phải buộc y tá mang tất màu trắng hoặc quần lót màu trắng.
Một đại diện của công ty nói: “Có thể các quy định ngoài tầm hiểu biết vẫn được giữ nguyên mà không có lý do rõ ràng nào”, cấp độ áp dụng các quy định tùy theo từng bệnh viện.
“Thiên thần áo trắng” nhờ vâng lời bác sĩ là một thành kiến ích kỷ
Mitsuko Nakashima, một giáo sư ở Đại học Chăm sóc y tế Tokyo và chuyên về quản lý điều dưỡng, cho rằng ngày nay nên gọi các quy định đã có từ lâu là “quy ước”.
“Nói rằng ý tưởng màu trắng tượng trưng cho sự sạch sẽ, cũng như ban các quy định về màu tóc là không có cơ sở”, theo giáo sư Nakashima, người từng có ít nhất 20 năm hành nghề y. Bà cho biết một cựu lãnh đạo từng buộc các y tá phải mang tất màu trắng và không được nhuộm tóc màu sáng.
Bà Nakashima giải thích: “Các y tá được gọi là “thiên thần áo trắng” và họ được khen là người ngoan ngoãn nghe theo các hướng dẫn của bác sĩ mà không có ý kiến nào. Tôi cho rằng đó là sự thể hiện những thành kiến ích kỷ chống lại giới y tá vốn được kỳ vọng là “trông gọn gàng, sạch sẽ và biết vâng lời” trong ngành y tế”.
Nhưng vị giáo sư cũng nói nếu các y tá trực muốn thay đổi các quy định không hợp lý, thì điều quan trọng là họ phải hiểu người bệnh nghĩ gì về ứng xử và vẻ ngoài của họ. Bà Nakashima nói: “Nếu họ nghĩ các hoạt động và vẻ ngoài của họ không tác động xấu đối với người bệnh, thì tôi nghĩ sẽ là tốt nếu họ yêu cầu các cấp trên xem xét lại các quy định đó”.
Yuka Nishioka, một nữ y tá tham gia cuộc khảo sát của Công ty Classico, cũng nói cần hiểu rõ tại sao cần phải tuân thủ các quy định. Cô nói có một quan điểm cho rằng y tá không nên uống nước tại buồng trực là nhằm tránh nguy cơ lây bệnh.