Nhiều đơn vị thi công công trình và chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành quy định trong thi công đào, tái lập mặt đường, rào chắn thi công, tổ chức phân luồng… đặc biệt trong thời gian mùa mưa đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của nhân dân.

Nhiều công trình đào đường tại TP.HCM làm trái quy định

Phan Diệu | 15/10/2016, 18:21

Nhiều đơn vị thi công công trình và chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành quy định trong thi công đào, tái lập mặt đường, rào chắn thi công, tổ chức phân luồng… đặc biệt trong thời gian mùa mưa đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của nhân dân.

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM mới đây đã có đánh giá về công tác thi công công trình thiết yếu trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm.

Theo Sở Giao thông - Vận tải, tính đến giữa tháng 9, trên địa bàn TP.HCM vẫn tồn tại 59 vị trí rào chắn, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như: 1, 5, 6, 8, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Củ Chi, Gò Vấp, Thủ Đức để phục vụ thi công công trình thiết yếu.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, số liệu báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho thấy cơ quan này đã xử lý 678 trường hợp vi phạm trong thi công trên đường bộ đang khai thác với tổng số tiền là hơn 3,6 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, con số này đã tăng 58 vụ nhưng số tiền xử lý vi phạm giảm 292 triệu đồng.

Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải, nhiều đơn vị thi công công trình và chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành quy định trong thi công đào, tái lập mặt đường, rào chắn thi công, tổ chức phân luồng… đặc biệt trong thời gian mùa mưa gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của nhân dân.

Chưa kể, việc khảo sát của các nhà thầu chưa tốt đã ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình thi công như vướng di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện, nước… dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án. Một số chủ đầu tư, tư vấn giám sát buông lỏng công tác điều hành quản lý ngoài công trường, không có biện pháp xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm trong quá trình thi công; chưa chú trọng công tác xây dựng tiến độ và tái lập hoàn trả lại các phui đào dẫn đến những bất cập nêu trên.

Không những vậy, việc ký quỹ của các chủ đầu tư và nhà thầu được thực hiện chủ yếu là ký bảo lãnh của ngân hàng không sử dụng hình thức tiền mặt, vì vậy đơn vị quản lý đường bộ thuộc Sở Giao thông - Vận tải khó khắc phục vì vướng mắc các thủ tục về tài chính.

Công tác quản lý của đơn vị quản lý đường bộ còn nhiều bất cập như công tác tuần tra, nghiệm thu, tổ chức bàn giao mặt bằng sau khi hoàn thành công trình từ các chủ đầu tư về đơn vị quản lý đường bộ chưa chặt chẽ, có tình trạng công trình thi công hoàn thành đã lâu nhưng vẫn chưa bàn giao về đơn vị quản lý đường bộ.

Tình trạng thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép thi công hoặc có giấy phép thi công nhưng đã hết thời hạn ghi trong giấy phép diễn ra khá phổ biến.

Một số nơi xuất hiện tình trạng tái lập hoàn trả mặt bằng các tuyến đường sau khi thi công xong vẫn bị oằn lún, bề mặt đường không bằng phẳng, không đảm bảo về an toàn giao thông. Việc quản lý điều hành dự án của các chủ đầu tư, tư vấn giám sát thiếu chặt chẽ, thường không có mặt giám sát nhà thầu trong quá trình thi công. Công tác xử lý sự cố chưa được chuyên môn hóa, thường không đảm bảo về mặt thời gian và kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Trong những tháng cuối năm 2016 và 2017, Sở Giao thông - Vận tải cho biết sẽ tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra theo chuyên đề về tái lập mặt đường, rào chắn thi công, vệ sinh công trường.

Đối với các dự án có quy mô lớn, thời gian kéo dài chỉ xem xét cấp phép theo từng phân đoạn và chỉ giải quyết cấp phép thi công đoạn kế tiếp sau khi hoàn chỉnh và có xác nhận việc tái lập, hoàn trả của phân đoạn trước. Cơ quan này sẽ không xem xét cấp giấy phép thi công đối với các công trình cùng phạm vi nhưng không có kế hoạch phối hợp thực hiện đồng bộ. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và áp dụng hình thức chế tài, từ chối, không xem xét giải quyết cho các nhà thầu thường xuyên vi phạm.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp ‘chết yểu’ ngày càng nhiều nhưng ngân hàng vẫn sinh lời cao từ cho vay
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng, tín dụng ảm đạm đang tạo thách thức lớn đối với đà phục hồi tăng trưởng 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều công trình đào đường tại TP.HCM làm trái quy định