Cho phép người lao động được về nhà, có kịch bản cách ly ca nhiễm với sự hỗ trợ của y tế, tiêm chủng có thu phí... là những đề xuất được đưa ra duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện có dịch.
Tại tọa đàm với chủ đề "Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng" tối 7.8, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may, da giày, thủy sản rất đông lao động và sẽ không thể duy trì theo kiểu “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm”.
“Chúng tôi xác định 3 tại chỗ chỉ có thể áp dụng được ở những ngành sản xuất nguyên liệu như dệt, sợi, vì diện tích nhà máy rộng, ít lao động. Tuy nhiên, tổ chức được nhưng nếu kéo dài lên đến 3 tuần thì tâm lý người lao động rất bất ổn, năng suất đi xuống”, ông Trường nói.
Theo ông Trường, thực hiện “3 tại chỗ” thì chi phí cho người lao động tăng gấp 2,2 lần, rơi vào khoảng 20 triệu/lao động. Do đó, doanh nghiệp sẽ không chịu đựng được lâu dài.
“Với những khách hàng chúng tôi quyết tâm phải giữ thì mới áp dụng, chứ bình thường thì không thể duy trì được, nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động tạm nghỉ”, lãnh đạo tập đoàn dệt may nêu.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương vừa gửi tới Bộ Y tế và các bên liên quan văn bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện có dịch.
Theo nhận định, sau thời gian triển khai "3 tại chỗ" đã bộc lộ những bất cập, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng, chi phí thực hiện, quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, đồng bộ... Do đó, ngoài các quy định “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, Bộ Công Thương tổng hợp góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, kiến nghị bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.
Theo đó, cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, không nhất thiết phải ở tại doanh nghiệp. Yêu cầu khi đó là cần có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp. Việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia “3 tại chỗ” giữa chừng và trở về nơi cư trú để người lao động yên tâm đăng ký tham gia “3 tại chỗ”.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
Nếu trường hợp có ca bệnh xuất hiện trong nhà máy, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác trong doanh nghiệp yên tâm tập trung làm việc.
Bộ Công Thương cho biết doanh nghiệp đề xuất bổ sung quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, giảm thời gian, tránh tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.
Trong số những đề xuất còn mong muốn có quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh).
Việc cho phép hoạt động tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp.
Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, khi một địa phương nào đó quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 xem xét, quyết định.
Việc này tránh tình trạng khi thấy có một số bất cập xảy ra, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, các tỉnh lại ra quy định dừng thực hiện "3 tại chỗ" làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai.
Về vấn đề vắc xin, Bộ Công Thương dẫn kiến nghị cho rằng cần đưa mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin. Trong nhóm doanh nghiệp, ưu tiên tiêm vắc xin cho các doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...
Bộ cũng đề xuất cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do doanh nghiệp, cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đồng thời có thể bố trí tổ chức tiêm tại chỗ đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tổ chức tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vắc xin từ nước ngoài, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vắc xin để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận trong thời gian ngắn nhất.