Theo Thủ tướng, tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với kế hoạch. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.

Nhiều dự án điện chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào năm 2022

09/08/2019, 17:07

Theo Thủ tướng, tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với kế hoạch. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.

Nguy cơ thiếu điện trong 3 năm tới - Ảnh minh họa

Triển khai nhanh các dự án điện cần thiết

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng quy định tại Luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cần thiết, cấp bách để đảm bảo cung ứng điện, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện.

Danh mục các dự án này sẽ được cập nhật vào quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch ngành điện được lập mới hoặc điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai nhanh 9 dự án nguồn điện của EVN (các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1 và Dung Quất 3 (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn 3 và Ô Môn 4 (đồng bộ với Dự án khí Lô B); các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng); kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ các dự án.

Thường trực Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc: Áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 3 với tỷ lệ hợp lý, tối đa 30%; xem xét, ban hành cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới.

Cùng với đó, xem xét việc mua hết sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện nhỏ và các nhà máy điện mặt trời nếu được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an toàn vận hành và có giá bán điện hợp lý; kiểm soát việc phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu điện theo các chương trình quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đổi mới phương án giám sát các dự án điện

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đổi mới phương pháp giám sát thực hiện các dự án điện nhất là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các dự án cần thiết, cấp bách cần triển khai để đảm bảo cung ứng điện và vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia theo đề nghị của EVN.

Tập trung chỉ đạo, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án thuộc chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, chuỗi dự án khí - điện Lô B, nhiệt điện khí Quảng Trị; không được để chậm trễ.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung xử lý theo đúng thẩm quyền trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo đó, uyệt đối không được để xảy ra tình trạng kéo dài, trì trệ trong khâu chuẩn bị đầu tư các dự án điện của EVN, PVN và TKV; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc liên quan đến triển khai đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và một số dự án nhiệt điện khác (nếu có).

Các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV tập trung nguồn lực, trí lực để chỉ đạo, thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện được giao làm chủ đầu tư, không được để xảy ra tình trạng tiếp tục trì trệ tiến độ đối với các dự án nói chung, đặc biệt là các dự án hiện đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa theo quy định để thúc đẩy triển khai các dự án điện nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, tinh thần chỉ đạo chung là không được để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân trong giai đoạn tới; phát triển ngành năng lượng Việt Nam tự lực, tự cường ít phụ thuộc vào nước ngoài; ngành điện Việt Nam phát triển theo thể chế và cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao tính cạnh tranh, chống độc quyền, chống tham nhũng và lợi ích nhóm.

Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư, sản xuất điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện; phát triển đồng bộ nguồn điện và lưới điện truyền tải, chú ý phát triển hợp lý năng lượng tái tạo; EVN tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong ngành điện, đồng thời tiếp tục xã hội hóa đầu tư vào ngành điện.

Theo Thủ tướng, tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án nguồn nhiệt điện có quy mô công suất lớn dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2023. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều dự án điện chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào năm 2022