Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng đã được UBND tỉnh này đồng ý cho tăng giá nước sạch từ ngày 15.8, nhằm tránh thua lỗ quá 5 năm liên tiếp sau khi cổ phần hóa.

Tăng giá nước sạch để doanh nghiệp giảm thua lỗ

08/08/2019, 11:08

Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng đã được UBND tỉnh này đồng ý cho tăng giá nước sạch từ ngày 15.8, nhằm tránh thua lỗ quá 5 năm liên tiếp sau khi cổ phần hóa.

Thi công đường ống cấp nước tại Sóc Trăng - Ảnh: Hàm Yên

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Trần Văn Chuyện, vừa ký quyết định về phương án giá nước sạch của Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng (Công ty Cấp nước).

Cụ thể, giá nước sinh hoạt dân dụng là 5.900 đồng đối với 10m3 đầu và tăng theo lũy kế lên đến 8.900 đồng (từ 31m3 trở lên) được điều chỉnh thành 7.000-12.500 đồng. Cơ quan hành chính sự nghiệp tăng mỗi m3 nước từ 8.500 đồng lên 11.500 đồng; cơ sở sản xuất từ 8.900 đồng lên 14.000 đồng và cơ sở kinh doanh, dịch vụ điều chỉnh từ 10.300 đồng thành 14.800 đồng/m3.

So với hiện tại, giá nước mới tăng từ 18-57%, tính đến hết năm 2020. Từ năm 2021, giá nước tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 4,3-12%. Riêng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không tăng giá nước sau năm 2021.

Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng - Võ Thanh Văn (đại diện 49% vốn Nhà nước tại Công ty Cấp nước Sóc Trăng) cho biết, năm 2018, doanh nghiệp này lỗ 21,3 tỉ và 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục lỗ 9,7 tỉ đồng.

Theo khoản 8 điều 51 Nghị định số 117/2007 của Chính phủ, nếu doanh nghiệp không được tăng giá nước sạch dẫn đến lỗ thì ngân sách nhà nước phải cấp bù chênh lệch giá. Tuy nhiên, do Sóc Trăng còn khó khăn, đang hưởng trợ cấp từ ngân sách nên không thể cân đối để bù lỗ giá nước sạch như hiện nay.

Với lộ trình tăng giá theo quyết định mới, Cấp nước Sóc Trăng dự kiến lỗ 32,7 tỉ đồng trong năm 2019. Năm 2020 dự kiến lỗ 32,4 tỉ và giảm lỗ dần đến 2023 là 7,3 tỉ đồng. Dự kiến đến 2024, doanh nghiệp này mới có thể lãi trên 1 tỉ đồng.

Theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 45/2013 (ngày 25.4.2013) hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, Sở Tài chính Sóc Trăng đã cùng Cấp nước Sóc Trăng xây dựng lộ trình thực hiện, trong đó lấy phần lợi nhuận định mức (của 49% vốn Nhà nước và 51% vốn các cổ đông) để bù lỗ phát sinh sao cho đảm bảo lỗ không quá 5 năm và bảo toàn được vốn Nhà nước.

Để tránh lỗ không quá 5 năm, Sóc Trăng phải tăng giá nước nhằm không gây mất vốn chủ sở hữu và khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ và vay hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Nếu lỗ lũy kế vì không tăng giá nước thì doanh nghiệp sẽ hết vốn sản xuất, dẫn đến tình trạng giảm quy mô cấp nước và cuối cùng là ngưng cấp nước. Việc này rất nặng nề cho xã hội, cho nên không để xảy ra được", lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng lý giải.

Còn theo phân tích của lãnh đạo Cấp nước Sóc Trăng thì từ năm 2017 trở về trước, doanh nghiệp đều thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, lãi 5% mỗi năm. Từ đầu năm 2018 (bắt đầu chuyển sang mô hình cổ phần cho đến nay), theo quy định tại Thông tư 45/2013 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (khoản 7, điều 9) thì giá trị tài sản của doanh nghiệp tăng từ 60 tỉ lên 158 tỉ đồng.

Tuy nhiên, công ty không được ngân sách cấp vốn đầu tư các công trình cấp nước (mở rộng tuyến ống phục vụ bà con các vùng khó khăn nguồn nước, đầu tư, sữa chữa các công trình cấp nước...) mà phải tự cân đối bằng nguồn vốn tự có và phần còn lại phải vay ngân hàng.

"Bên cạnh đó còn có tăng khấu hao, trả lãi vay, tiền lương cơ bản tăng, điện tăng, chi phí nguyên vật liệu tăng... Từ những yếu tố khách quan làm cho công ty gặp nhiều khó khăn. Sau khi bán cổ phần từ việc cổ phần hoá, số tiền đó phải nộp hết về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của Trung ương trên 77,8 tỉ đồng.

Như vậy, về giá trị là có tăng lên, nhưng không phải để lại cho địa phương mà nộp hết về Trung ương. Việc khấu hao lớn như vậy giá nước không bù nổi đẫn đến lỗ từ đầu năm 2018 đến nay", lãnh đạo Cấp nước Sóc Trăng chia sẻ.

Hàm Yên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng giá nước sạch để doanh nghiệp giảm thua lỗ