Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13.9.1913-13.9.2023), Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học - quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13 tháng 9 năm 1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông là một giáo sư, kỹ sư quân sự, nhà bác học, tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lao động, người đã đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Ông nguyên là Cục trưởng Cục quân giới - Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự). Ông cũng là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Hội thảo đã nghe 10 tham luận trực tiếp trong hơn 110 tham luận được gửi đến đã làm rõ nét thêm cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của GS.VS Trần Đại Nghĩa. Phần lớn nội dung đánh giá ông là tấm gương và mãi là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cả nước; đặc biệt là thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những người am tường về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề, phân tích làm rõ tinh thần học tập, đam mê nghiên cứu khoa học với mục tiêu cao cả là phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; khẳng định công lao, những đóng góp to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học quân sự tài năng, tên tuổi gắn liền với những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá: “Từ những nội dung định hướng của đề dẫn, gắn với chủ đề hội thảo, các báo cáo khoa học và ý kiến tham luận đã tập trung phân tích làm rõ các nhóm chủ đề chính: Truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách, tinh thần yêu nước và tư tưởng cách mạng của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Con đường học tập, tích lũy tri thức và bước ngoặc cuộc đời khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những đóng góp to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Tấm gương người cộng sản suốt đời vì nước, vì dân”.
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa ngày 12.9, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa đã làm lễ tổng kết và trao giải hội thi lần thứ 9, năm 2022-2023 và phát động triển khai hội thi lần thứ 10 năm 2024-2025.
Ban tổ chức hội thi đã tiếp nhận 96 giải pháp đăng ký tham gia của 218 tác giả, 57 nhóm tác giả. Các lĩnh vực dự thi đề ra liên quan đến các hoạt động sản xuất và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên hội thi đã được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh.
Ban tổ chức trao giải cho 35 giải pháp, trong đó trao 2 giải nhì, 7 giải ba và 26 giải khuyến khích. Đồng thời, chọn 20 giải pháp xuất sắc nhất gửi tham dự cuộc thi toàn quốc.
Theo kế hoạch ngày 13.9 Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức dâng hương kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa ở Khu lưu niệm ở huyện Tam Bình. Cùng ngày Tỉnh ủy, UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa ở TP.Vĩnh Long.