Nghèo khổ, hơn 2 năm qua bà Nguyễn Thị Lài (65 tuổi, ngụ P.An Thới, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) chỉ có nghề bán vé số kiếm sống. Nhiều lần bị lừa, giật vé số và tiền, trong cơn túng quẫn không làm chủ được mình, bà thuê xe ôm lên cầu Cần Thơ rồi nhảy xuống tự tử nhưng may mắn được cứu sống.
Nỗi đau của bà cụ bán vé số
Sáng 29.3 vừa qua, nhiều người dân đi qua cầu Cần Thơ hốt hoảng phát hiện 1 bà cụ bỏ lại vật dụng, tư trang trên thành cầu rồi bất ngờ leo qua lan can, nhảy xuống sông. Rất may, 1 người đang đi lưới cá gần đó phát hiện và cứu kịp. Bà lão sau đó được sơ cứu và công an khu vực đưa đến Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ cấp cứu. Qua một số tư trang bà cụ để lại, công an xác định bà làm nghề bán vé số.
Bệnh viện cho biết, bà cụ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, không có thân nhân đi cùng. Sau khi cấp cứu thành công cho bà cụ, bệnh viện đã đăng tải thông tin tìm thân nhân cho bà. Tối cùng ngày, người nhà của bà cụ tìm đến bệnh viện nhận người thân và thay nhau chăm sóc cho bà trong thời gian điều trị. Bà cụ được xác định tên Nguyễn Thị Lài (65 tuổi, ngụ P.An Thới, Q.Bình Thủy). Sau gần 2 tuần điều trị tại bệnh viện, bà Lài được cho xuất viện, hiện bà đang được em gái và 1 người cháu thay phiên nhau chăm sóc.
Chị Loan ngoài giữ 3 đứa nhỏ còn tranh thủ chăm sóc thêm cho bà Lài - Ảnh: Thanh Nguyên
Trong căn nhà Đại đoàn kết nhỏ bé, lụp xụp trong 1 con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Thông, bà Lài nằm thiêm thiếp trên chiếc giường, thỉnh thoảng lại ho lên vài tiếng đầy mệt nhọc. Căn nhà bà Lài đang ở là của người em gái Diệp Thị Sa (63 tuổi). Trong căn nhà này, phần của bà Lài là 1 căn phòng nhỏ chưa đầy 10 m2, tất cả đồ đạc bà đều chứa trong căn phòng này. Sống cùng bà là 1 con chó già, được bà nuôi hơn chục năm nay.
“Con chó đó là người bạn duy nhất của bà, bà xích nó lại trong phòng, chỉ dắt ra ngoài lúc cho nó đi vệ sinh thôi”, 1 người cháu của bà Lài cho hay. Kể về người chị của mình, bà Sa xót xa: “Chị tôi không có chồng con, không biết chữ. Lúc trước mẹ tôi còn sống, chị tôi có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà. 2 năm trước, mẹ tôi mất, chị tôi mới đi bán vé số mưu sinh”.
Ngày thường, bà Lài đi bán từ rất sớm, và chỉ bán duy nhất ở khu vực chợ Cầu Ván gần nhà. Đến trưa, bà Lài về nhà, có lúc thì ăn cơm cùng em gái, lúc được người ta cho cơm thì bà ăn xong rồi về. Bà Lài không đi bán buổi chiều vì sức khỏe kém, đến trưa bán không hết thì bà đem trả vé số cho đại lý.
“Bữa đó, tôi chờ tới trưa không thấy chị về, đến hơn 1 giờ chiều tôi và mấy đứa con chạy đi tìm. Đến chợ Cầu Ván hỏi thăm thì người ta chỉ hồi sáng chị tôi có bắt xe ôm, nghe nói là tới cầu Cần Thơ. Tôi lo lắm, vì chị tôi từ trước tới giờ không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn gần nhà, tự dưng đi cầu Cần Thơ để làm gì? Tôi chạy tới đó hỏi thăm cũng không ai biết, đến cuối cùng tôi với con chạy vô bệnh viện hỏi thăm thì mới tìm thấy chị”, bà Sa đau buồn kể.
Căn buồng tồi tàn của bà Lài và chú chó già - Ảnh: Thanh Nguyên
Bà Sa cũng bán vé số mưu sinh, lúc chị gái nhập viện bà bỏ ngang công việc để chăm lo cho chị. Số tiền viện phí mấy chục triệu đồng vượt quá khả năng của bà. Sau khi được bệnh viện kêu gọi vận động để giúp đỡ bà Lài chi phí điều trị, đến khi xuất viện, viện phí còn thiếu hơn 1 triệu đồng, bà Sa phải chạy đi mượn để đưa chị về nhà.
Những người phụ nữ bất hạnh
Về nguyên nhân bà Lài nhảy cầu Cần Thơ tự tử, bà Sa và gia đình cho biết khả năng là do bị giật vé số, dẫn đến đau buồn, lo lắng bà Lài mới tìm đến cái chết. “Dì tôi lớn tuổi rồi nên rất hay bị người xấu giật vé số. Mới tết rồi dì bị giật 50 tờ, rồi sau đó tiếp tục bị giật gần 40 tờ nữa. Sáng dì tôi nhảy cầu, tôi tìm hiểu thì biết dì có lấy nợ gần 10 triệu tiền vé số, tính về phân phát cho mấy đứa cháu đi bán. Nhưng khi kiểm tra số tư trang của dì tôi để lại thì không thấy tờ vé số nào. Chắc dì lại bị giật nữa”, chị Huỳnh Cẩm Loan (37 tuổi) - con gái bà Sa, kể.
Trong căn nhà nhỏ ấy, có 3 người phụ nữ cùng sinh sống là bà Lài, bà Sa và chị Loan. Gọi là sống chung nhưng thực chất, mỗi người được phân chia một khúc nhà và sống riêng trong đó. 3 người phụnữ này họ đều nghèo khổ và bất hạnh. Như chị Loan, đã 37 tuổi nhưng vẫn chưa có chồng. Chị lại mang trong mình bệnh tim nên sức khỏe rất kém.
Bà Sa kể về người chị gái bất hạnh - Ảnh: Thanh Nguyên
Hàng ngày, chị giúp giữ 3 đứa cháu gái ruột để cha mẹ chúng đi làm. Đến chiều về, có lúc chị được cha mẹ bọn trẻ cho vài chục ngàn đi chợ, có lúc không. Căn buồng chị ngủ tồi tàn với chiếc mùng rách nát, cuộc sống của chị trôi qua thầm lặng, mờ mịt ngày mai.
Bà Sa thì cũng không khá khẩm gì hơn, ở tuổi ngoài 60 vẫn phải mưu sinh bán vé số, đến chiều thì ghé vào chùa xin cơm chay ăn, lúc maymắn xin được gạo thì mang về cho con cháu. Những người con của bà Sa cũng không có việc làm ổn định, chị Loan thì bệnh tật, còn những người khác cũng chỉ biết làm thuê làm mướn, bán vé số chạy ăn từng bữa.
Mỗi buổi sáng, trước khi đi bán vé số, 2 chị em bà Sa thường ngồi pha cà phê uống cùng nhau. Nhưng mỗi người thường rất ít nói chuyện với nhau. “Chị tôi cũng rất ít kể chuyện của mình, mà tôi cũng không mấy khi hỏi. Dù sáng nào cũng ngồi lại với nhau một lúc, chúng tôi thường im lặng. Tới giờ, mỗi người đều cầm vé số đi bán. Hành trang của chị tôi được bỏ hết vào 1 cái bọc đen, gồm 1 chai nước suối, 1 chai dầu gió, 1 cái khăn, và thuốc nhức đầu”, bà Sa kể.
Để tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời vất vả của bà Lài, PV tìm tới đại lý vé số Ngọc Liên ở chợ Bình Thủy, nơi bà Lài lấy vé số bán mỗi ngày hơn 2 năm qua. “Bà Lài là người rất hiền lành, không hiểu gần đây có khó khăn gì mà bà có mượn tiền tôi. 10 ngày trước khi bà nhảy cầu, bà có mượn tôi 2 triệu. Bây giờ, nợ cũ nợ mới đã gần 17 triệu rồi. Nhưng tôi biết hoàn cảnh của bà nên cũng khôngnhắc đến chuyện này”, chủ đại lý vé số cho hay.
Chiếc mùng rách nát được chị Loan vá hàng chục lỗ vẫn được sử dụng - Ảnh: Thanh Nguyên
1 người dân sống và buôn bán tại chợ Cầu Ván nơi bà Lài bán vé số thì cho biết, trước khi bà Lài tự tử thì bà thường xuyên buồn bã, lo lắng. Người này cho biết: “Tôi thường mua ủng hộ vé số cho bà ấy. Tôi có quen biết 1 người em của bà Lài nên không xa lạ gì với người phụ nữ này. Có lần bà tâm sự với tôi là có vay nóng bên ngoài mấy triệu đồng làm gì đó mà không có khả năng trả. Tôi cũng chỉ biết ủng hộ giúp bà vài tờ vé số thôi chứ không biết làm gì hơn”.
Cuộc sống của bà Lài và những người thân của bà hiện như con thuyền vô định. Họ sống được ngày nào thì hay ngày đó, giờ sức khỏe bà Lài chưa hồi phục, bà không nói, không đi đứng được. Tất cả chỉ biết nhờ vào người em gái là bà Sa và cô cháu gái là chị Loan. Bà Sa ở nhà chăm sóc cho chị thì lại không đi bán vé số được, nên vấn đề cơm áo, gạo tiền cứ quay quắt trong căn nhà rách nát này.
Thanh Nguyên