Tuần này, các nhân vật cấp cao trên thế giới đổ về Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), tận dụng cơ hội để tìm hiểu về nhà lãnh đạo tiềm năng tiếp theo của Mỹ, cũng như nắm bắt những tín hiệu ban đầu về định hướng chính sách đối ngoại của Washington.
Trong khi Tổng thống Joe Biden bận rộn với chuỗi các hoạt động ngoại giao từ các cuộc họp riêng tại Delaware đến các cuộc trao đổi bên lề tại LHQ và chuẩn bị cho chuyến công du sắp tới, thì sự chú ý dần đổ dồn về phía Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Cả ông Trump và bà Harris đều đang tìm cách củng cố mối quan hệ ngoại giao của riêng mình trong giai đoạn nước rút, coi các cuộc gặp gỡ bên lề LHQ tuần này là cơ hội thể hiện rõ tầm nhìn khác biệt của họ về thế giới.
Đáng chú ý nhất là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người duy nhất lên kế hoạch gặp cả bà Harris lẫn ông Trump trong tuần này. Ông đang nỗ lực kêu gọi cả hai ứng cử viên, cùng với ông Biden, để bảo đảm sự ủng hộ lâu dài cho cuộc chiến chống lại Nga.
Phó tổng thống Harris cũng sẽ tiếp Tổng thống Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tại Washington vào hôm 23.9. Cuộc khủng hoảng leo thang ở Trung Đông sẽ là chủ đề chính trong cuộc thảo luận này. Bà Harris luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin, nhưng chưa rõ bà sẽ tiếp cận vấn đề này khác với ông Biden ra sao.
Ông Trump hôm 22.9 đã đăng tải trên mạng xã hội về cuộc gặp với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani và Thủ tướng Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida. Ông Trump hết lời khen ngợi vai trò trung gian của Qatar trong các nỗ lực ngừng bắn và giải cứu con tin tại Gaza.
“Các lãnh đạo của Qatar đã thể hiện mình là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, và tôi tự hào về mối quan hệ tuyệt vời mà chúng tôi đã xây dựng từ thời còn trong Nhà Trắng”, ông Trump cho hay.
Nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ mong muốn sắp xếp các cuộc gặp riêng với bà Harris và ông Trump. Một số thậm chí sẵn sàng thay đổi lịch trình để phù hợp, theo các quan chức Mỹ. Lịch trình của cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vẫn có thể thay đổi và bổ sung thêm các cuộc gặp mới.
Đối với bà Harris, bà chưa có kế hoạch đến New York tham dự hội nghị. Vẫn chưa rõ liệu cựu Tổng thống Trump có tham dự sự kiện tại LHQ hay không.
Quyết định gặp ai trong giai đoạn cuối chiến dịch là một câu hỏi về ưu tiên và chiến lược. Trong khi đó, cả bà Harris và ông Trump vẫn thận trọng cân nhắc các cuộc gặp để không ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử.
Bà Harris đã gặp gỡ hơn 150 nhà lãnh đạo thế giới trong nhiệm kỳ Phó tổng thống của mình, còn ông Trump thì luôn tự tin về khả năng lãnh đạo trên trường quốc tế nhờ kinh nghiệm từng là ông chủ Nhà Trắng.
Việc quyết định tham dự hay không những cuộc gặp gỡ quốc tế trước thềm bầu cử luôn là một chiến lược khó khăn, khi mà cả bà Harris và ông Trump đều phải tính toán kỹ lưỡng thời gian và nguồn lực để đảm bảo chiến dịch trong nước vẫn được tập trung tối đa.
Khác với các cuộc bầu cử trước đây, cả hai ứng viên đều không thực hiện các chuyến công du quốc tế trước cuộc bầu cử để khẳng định khả năng lãnh đạo trên trường quốc tế. Mặc dù các cuộc xung đột toàn cầu chắc chắn sẽ thử thách bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng những vấn đề này chỉ đứng thứ yếu so với những mối quan tâm trong nước như kinh tế, nhập cư và quyền phá thai trong tâm trí cử tri. Điều này khiến cho cuộc họp tại LHQ trở thành một sự kiện ít được chú trọng.
“Tổng thống Biden sẽ tham dự, nhưng ông ấy chỉ xuất hiện trong vai trò của một người lãnh đạo sắp mãn nhiệm. Tôi không mong đợi Trump hay Harris sẽ có mặt. LHQ không còn là sân khấu chính cho các ứng cử viên, bởi điều đó không thực sự giúp họ giành được sự ủng hộ của cử tri Mỹ”, Jon Alterman, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định.