Nga vừa đưa ra một cảnh báo mới nhắm vào các đồng minh của Ukraine sau khi xuất hiện những lời kêu gọi nới lỏng các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí phương Tây mà Kyiv nhận được.
Quốc tế

Nga cảnh báo chiến tranh hạt nhân nếu Ukraine được nới lỏng hạn chế vũ khí

Hoàng Vũ 20/09/2024 15:45

Nga vừa đưa ra một cảnh báo mới nhắm vào các đồng minh của Ukraine sau khi xuất hiện những lời kêu gọi nới lỏng các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí phương Tây mà Kyiv nhận được.

Trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 900 ngày và căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang, Moscow đưa ra cảnh báo rằng các tên lửa của họ có thể tấn công các mục tiêu ở châu Âu chỉ trong vài phút nếu xung đột tiếp tục leo thang.

Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin hôm 19.9 đăng trên Telegram nói rằng: “Thời gian bay của tên lửa Sarmat đến Strasbourg (Pháp) - nơi Nghị viện châu Âu họp - chỉ mất 3 phút 20 giây”.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, với tầm bắn từ 10.000 đến 18.000km, tên lửa Sarmat của Nga có khả năng tấn công vào các thành phố của Pháp và các nước đồng minh quan trọng của Ukraine.

chu-tich-duma-nga.png
Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga - Ảnh: AFP

“Không ai nên ảo tưởng về điều này. Đối với Nga, có vẻ như phương Tây đã quên mất những hy sinh to lớn mà Liên Xô đã phải chịu trong Thế chiến thứ hai”, ông Volodin viết.

Bình luận của ông Volodin nhằm đáp lại nghị quyết gần đây của Nghị viện châu Âu, trong đó kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga.

Nghị quyết này được thông qua với 425 phiếu thuận, cho rằng nếu không dỡ bỏ các hạn chế hiện tại, Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công của Nga. Nghị quyết cũng thúc giục EU tiếp tục hỗ trợ vũ khí, bao gồm tên lửa hành trình TAURUS do Đức và Thụy Điển sản xuất, có khả năng tấn công với tầm bắn gần 500km.

"Bất kỳ hành động nào như vậy sẽ khiến Nga đáp trả bằng vũ khí mạnh hơn. Những gì Nghị viện châu Âu kêu gọi sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới sử dụng vũ khí hạt nhân", Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cho biết thêm.

Những bình luận này đã ám chỉ rõ ràng đến lời cảnh báo của Tổng thống Putin vào tuần trước rằng phương Tây sẽ trực tiếp chiến đấu với Nga nếu để Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ nước này.

Nga đã vạch ra nhiều “lằn ranh đỏ” nhưng không leo thang xung đột

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm, Jens Stoltenberg, hôm 17.9 nhấn mạnh rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đặt ra các “lằn ranh đỏ” đối với phương Tây nhưng chưa từng leo thang xung đột khi những ranh giới này bị vượt qua.

“Ông ấy (Putin) từng tuyên bố nhiều lằn ranh đỏ trước đây nhưng vẫn chưa leo thang, vì nhận ra điều này liên quan trực tiếp đến các đồng minh NATO trong cuộc xung đột”, Stoltenberg nhấn mạnh.

Tổng thư ký NATO giải thích rằng Tổng thống Putin hiểu rõ NATO là liên minh quân sự mạnh nhất thế giới và rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không mang lại chiến thắng và không nên xảy ra. Stoltenberg cho biết NATO đã nhiều lần làm rõ quan điểm này với Điện Kremlin.

ttk_nato_va_tong_thong_ukraine_zelensky.jpg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bắt tay Tổng thống Ukraine - Ảnh: Reuters

Phát biểu của ông Stoltenberg nhằm nhấn mạnh sự "răn đe" của NATO và khả năng ngăn chặn một cuộc leo thang xung đột hạt nhân, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn tiếp tục diễn ra do cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi Ukraine đã nhận được các loại tên lửa tầm xa từ Mỹ, Anh và Pháp để phòng thủ, nước này vẫn bị cấm sử dụng chúng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga nhằm tránh nguy cơ làm xung đột leo thang. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi được phép sử dụng những vũ khí này, cho rằng đó là một bước đi cần thiết để ngăn chặn đà tiến công của quân đội Nga và bảo vệ Ukraine.

Tên lửa Nga có đáng gờm?

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh YouTube Daniel Davis, cựu nhà phân tích của Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) Larry Johnson đã đưa ra cảnh báo rằng vũ khí siêu thanh của Nga có thể tấn công bất kỳ mục tiêu quân sự nào của Mỹ và đồng minh.

Ông Johnson chỉ ra rằng, trong khi Mỹ hiện chưa phát triển được tên lửa siêu thanh, Nga đã sở hữu ba biến thể của loại vũ khí này, cho phép họ tấn công chính xác các tàu chiến và các mục tiêu quân sự khác. Theo Johnson, Nga hiện là quốc gia duy nhất có khả năng phát triển tên lửa di chuyển với tốc độ nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh, khiến cho các hệ thống phòng thủ của Mỹ và đồng minh gặp khó khăn trong việc đối phó.

Mặc dù Nga không có ý định gây hấn với Mỹ hoặc các nước thành viên NATO, Điện Kremlin đã nhiều lần nhấn mạnh sự thiếu hợp tác từ phía NATO, cho rằng liên minh này đang theo đuổi một chính sách đối đầu và mở rộng ảnh hưởng sang các khu vực hậu Liên Xô. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng NATO không chỉ gia tăng sự hiện diện quân sự mà còn kích động các cuộc xung đột tại các khu vực giáp biên giới Nga.

Nga coi những động thái này là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và đang tăng cường khả năng phòng thủ, trong đó có việc triển khai các hệ thống tên lửa siêu thanh tiên tiến.

Bài liên quan
Nga phản ứng về việc người Ấn Độ bị lôi kéo tham gia chiến sự tại Ukraine
Cái chết của Binil Babu, một thợ điện 32 tuổi từ bang Kerala, Ấn Độ, khi phục vụ cho quân đội Nga tại chiến trường Ukraine, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc tuyển dụng người nước ngoài vào lực lượng vũ trang.

(2) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga cảnh báo chiến tranh hạt nhân nếu Ukraine được nới lỏng hạn chế vũ khí