Đối với chỉ tiêu GDP đạt 6,7% trong năm 2017 mà Chính phủ đưa ra, cả Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đều bày tỏ lo ngại về tính khả thi của con số này.

Nhiều lo ngại xoay quanh mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017

Duyên Duyên | 21/10/2016, 17:06

Đối với chỉ tiêu GDP đạt 6,7% trong năm 2017 mà Chính phủ đưa ra, cả Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đều bày tỏ lo ngại về tính khả thi của con số này.

          

GDP năm 2016 dự kiến chỉ đạt 6,3 - 6,5%

Sáng 20.10, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. 

Theo đó, chỉ tiêu được Quốc hội quyết định là 6,7% nhưng ước thực hiện tăng GDP năm 2016 chỉ có thể đạt 6,3% đến 6,5%. 

Theo lý giải của Chính phủ, tốc độ tăng GDP thấp hơn kế hoạch đề ra chủ yếu do 2 nguyên nhân:

Thứ nhất là hậu quả của rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung,... trong 6 tháng đầu năm đã tác động đến phát triển nông nghiệp, thủy sản.

Thứ hai là do sự giảm sản lượng của công nghiệp khai khoáng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nếu tăng trưởng của 2 ngành này 6 tháng đầu năm bằng tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước, thì tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 có thể đạt 6,84%, cao hơn 6,32% của 6 tháng đầu năm 2015 và tăng trưởng cả năm 2016 có thể đạt 6,74%, vượt mức kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, nhìn nhận về nguyên nhân này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây chỉ là nguyên nhân khách quan và Chính phủ chưa phân tích rõ về những nguyên nhân chủ quan. 

"Nhìn rộng hơn, sự sụt giảm tăng trưởng của nông nghiệp cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống doanh nghiệp là động lực phát triển nhưng cả khu vực nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và sức cạnh tranh. 

Cơ cấu thị trường tài chính cũng chưa hợp lý, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn so với thị trường tiền tệ, chưa tạo kênh thu hút vốn xã hội để đầu tư phát triển dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không dám đầu tư trung và dài hạn cho nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ", Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, con số dự báo tăng trưởng 6,3 - 6,5% chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được. Ngược lại nếu việc kiểm soát hiệu quả không tốt, việc gia tăng giải ngân tín dụng và ngân sách trong những tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới.

Mục tiêu GDP đạt 6,7% năm 2017 khó khả thi?

Bên cạnh việc trình bày kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trình bày về các nhiệm vụ năm 2017.

Theo đó, trong số 13 chỉ tiêu được đưa ra, chỉ tiêu về GDP trong năm 2017 gây nhiều chú ý bởi con số 6,7%.

Đánh giá về con số này, tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, mục tiêu GDP năm 2017 đạt 6,7% là khá cao, có thể dẫn đến rủi ro khi dự báo về chỉ tiêu thu, chi NSNN. 

"Đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất với Quốc hội 2 phương án: mức tăng trưởng 6,5% và 6,7%. Trường hợp không đạt 6,7% thì Chính phủ cần đổi mới phương pháp điều hành linh hoạt, theo đó sẽ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh sau 6 tháng thực hiện để đảm bảo các cân đối vĩ mô chắc chắn hơn", Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc về số liệu GDP giá thực tế khoảng 5,1 triệu tỉ đồng và chỉ số giá 4%. 

"Việc xác định mức tăng GDP theo giá thực tế cần tính toán dựa trên các số liệu dự báo khoa học và sát với thực tế, các tỷ lệ %GDP như bội chi ngân sách nhàn nước (NSNN) và nợ công cũng theo đó để tính toán, đánh giá khách quan và phản ánh đúng thực trạng cân đối NSNN. 

Đồng quan điểm với Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng yêu cầu Chỉnh phủ cần báo cáo rõ cơ sở xây dựng, tính khả thi của các chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

"Năm 2016, GDP ước thực hiện đạt 6,3-6,5% trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước 32,5% GDP, trong khi kế hoạch năm 2017 GDP tăng 6,7% và tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến là 31% GDP. 

Trong bối cảnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu và vai trò của yếu tố vốn đối với tăng trưởng vẫn ở mức đáng kể, việc giảm tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP 1,5% trong khi các nguồn lực tăng trưởng khác (chất lượng lao động, khoa học công nghệ) chưa thể thay đổi đột biến sẽ khó đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2017 cao hơn năm 2016 với mức chênh lệch từ 0,2-0,4% như dự kiến", Ủy ban Kinh tế nhận định.

Theo đơn vị này, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa kế hoạch năm 2017 (6,07-6,69%) thấp hơn so với số liệu ước thực hiện năm 2016 (6,7%), GDP kế hoạch năm 2017 (6,7%) dự kiến cao hơn ước thực hiện năm 2016 (6,3 - 6,5%) là chưa thực sự thuyết phục, trong khi xu hướng tăng các yếu tố tiêu dùng, đầu tư của tư nhân chưa rõ ràng, chi tiêu của Chính phủ bị hạn chế do vấn đề bội chi NSNN, nợ công tác động. 

Duyên Duyên

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều lo ngại xoay quanh mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017